Chủ tịch Delta Group: Đổi mới sáng tạo để phát triển


Nhà giáo, doanh nhân Trần Nhật Thành, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng DELTA đã từ lâu được biết đến là một doanh nhân uy tín, bản lĩnh đã đưa Delta trở thành tổng thầu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam. Tên tuổi của Delta đi cùng với những thương hiệu, công trình lớn Keangnam Hanoi Landmark, Lotte Center Hanoi, Bitexco Financial Tower, Royal City... Nhân dịp xuân mới, doanh nhân Trần Nhật Thành trò chuyện với Nhân Dân hằng tháng chung quanh chủ đề đổi mới sáng tạo, làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong cơ chế hiện nay? Ông Trần Nhật Thành đã có những chia sẻ dưới đây.

442091681012164805630851394593282732064768n-15398524931901545104879-crop-1579251393966475890534.jpg

Đổi mới sáng tạo nghe thì như một câu khẩu hiệu nhưng thực tế ở Tập đoàn Delta, chúng tôi nhận rõ nếu không đổi mới sáng tạo thì không thể phát triển doanh nghiệp. Chúng tôi thường nói: “Khi được giao một công việc thì làm sao có thể hoàn thành đúng tiêu chuẩn mà trả giá ít nhất cho công việc đó”. Trả giá ở đây có nghĩa là trả về công sức, thời gian và tiền bạc để có thể hoàn thành công việc. Muốn làm được như vậy cần phải có tư duy đổi mới sáng tạo.

Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải có nền tảng công nghệ hàng đầu, kỹ thuật công nghệ và công nghệ quản lý. Đặc biệt trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta càng phải đẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghệ hiện đại để tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Delta luôn nằm trong top các doanh nghiệp dẫn đầu về đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ quản lý.

Ngành xây dựng rất cạnh tranh, để doanh nghiệp phát triển thì yếu tố con người luôn phải đặt lên hàng đầu. Tôi từng là giảng viên Đại học Xây dựng, rất coi trọng công tác nhân sự. Tập đoàn Delta có cơ chế và hệ thống đào tạo theo nhiều lớp, nhiều tầng và theo từng lĩnh vực chuyên môn. Thí dụ như đào tạo cho các chỉ huy trưởng công trường về công nghệ thi công, hệ thống thiết bị máy móc, công nghệ vật liệu mới, hệ thống và chương trình quản lý mới như ERP, PMI, SCOR, BIM... Từ khâu thiết kế tới tổ chức thi công làm sao chi phí thấp nhất mà đưa ra được sản phẩm cuối cùng bảo đảm tốt nhất.

Với rất nhiều dự án phức tạp đã thực hiện, thí dụ như Khu đô thị Royal City ở Hà Nội, chúng tôi làm toàn bộ năm tầng hầm với diện tích hơn 500.000 m2, cả một dự án lớn như Royal City cơ bản xây dựng xong trong vòng hai năm rưỡi. Chất lượng nguồn nhân lực của Delta đã được công nhận không hề thua kém các nước châu Á. Các tập đoàn xây dựng lớn đến từ Hàn Quốc thay vì quen xem các công ty xây dựng Việt Nam như thầu phụ cung ứng nhân lực thì nay đã quyết định liên doanh sòng phẳng với chúng tôi cũng một phần vì trình độ kỹ thuật cao của đội ngũ cán bộ kỹ sư Delta.

Thưa ông, năng suất lao động của công nhân nước ta nói chung và công nhân xây dựng nói riêng đang thấp, cần đổi mới sáng tạo như thế nào để nâng cao năng suất lao động ?

Chúng ta vẫn nghe nói công nhân xây dựng nước ngoài có năng suất có thể cao gấp chục lần công nhân Việt Nam. Tuy nhiên cần hiểu đúng, không ai có thể bỏ sức làm việc hơn gấp 10 lần người khác mà vấn đề cốt lõi giúp họ tăng năng suất là công nghệ. Đơn cử như việc xây trát tường cho một tòa nhà cao 30-40 tầng, chúng tôi áp dụng công nghệ lắp tấm tường chỉ cần 20 công nhân thay vì phải có đến 150-200 công nhân xây trát tường gạch truyền thống, chưa nói đến các ưu điểm khác của công nghệ xanh, thân thiện môi trường.

Muốn tăng cao năng suất lao động, phải thay đổi công nghệ chứ không thể tay bay tay trát được mãi. Công nghệ cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Nhưng muốn thay đổi công nghệ phải có doanh nghiệp đi tiên phong thử nghiệm, chấp nhận vất vả và mạo hiểm.

Một doanh nghiệp tư nhân như Delta muốn thay đổi công nghệ, áp dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có dám chấp nhận vất vả, mạo hiểm?

Không chấp nhận vất vả, mạo hiểm thì không thể làm được. Tôi cho rằng không chỉ riêng ngành xây dựng mà muốn nền công nghiệp của Việt Nam phát triển thì ngành nào cũng cần có những doanh nghiệp, tập đoàn lớn (từng doanh nghiệp hoặc kết hợp thành nhóm doanh nghiệp) chịu trách nhiệm phát triển, áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0, là đầu tàu để kéo theo những doanh nghiệp nhỏ hơn, dẫn hướng đi của ngành.

Bất kỳ một công nghệ nào từ khi thử nghiệm đến lúc phổ biến rộng rãi là cả một quá trình đòi hỏi sự đầu tư lớn. Các doanh nghiệp nhà nước với những ràng buộc về quy chế, định mức có thể phải chờ đợi khi đưa công nghệ mới vào thực tế. Quan điểm của Delta là những doanh nghiệp tư nhân giàu tiềm lực phải đầu tư, phải hy sinh đi đầu trong đổi mới công nghệ.

Cách nghĩ này cũng nhận được sự ủng hộ từ đối tác của chúng tôi là các chủ đầu tư tư nhân lớn, đặc biệt phải kể đến Tập đoàn Vingroup. Họ đã tạo điều kiện, cùng giúp sức để Delta ứng dụng thành công một số công nghệ thi công, công nghệ vật liệu đầu tiên ở Việt Nam. Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của các chủ đầu tư. Các tập đoàn tư nhân lớn đồng quan điểm dám chấp nhận rủi ro, mạo hiểm nỗ lực đẩy mạnh công nghệ sẽ là liên minh quan trọng thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Hiện nay, Chính phủ nhận định rõ sức mạnh của kinh tế tư nhân và có nhiều chính sách khuyến khích các tập đoàn tư nhân tiên phong trong đổi mới công nghệ. Tôi cho rằng Chính phủ đã quyết định sáng suốt khi ưu tiên những dự án lớn như đấu thầu đường cao tốc Bắc - Nam cho các doanh nghiệp lớn trong nước hội đủ các điều kiện, chứng minh được năng lực thông qua đấu thầu minh bạch. Các doanh nghiệp tư nhân lớn đi tiên phong chấp nhận hy sinh và rủi ro cần được Nhà nước nâng đỡ, tạo điều kiện để phát triển, làm đầu tàu.

Mới đây, Ban Kinh tế Trung ương đã kêu gọi “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. Trong lĩnh vực xây dựng, ông thấy có những khó khăn vướng mắc gì trong cơ chế chính sách cần hoàn thiện ?

Nhiều vấn đề chính sách bất cập, văn bản pháp luật chồng chéo đã được cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến sửa đổi trong thời gian vừa qua. Riêng tôi, với tư cách tổng thầu xây dựng, xin nêu ra vấn đề nợ đọng trong xây dựng. Các chủ đầu tư lớn như tập đoàn Vingroup, Sun Group rất đàng hoàng, sòng phẳng song cũng có nhiều chủ đầu tư còn trì hoãn hoàn thành nghĩa vụ thanh toán đối với nhà thầu. Công trình đã xong, được Nhà nước cho phép nghiệm thu, bán cho dân, đưa vào sử dụng nhưng họ cố tình trốn tránh ký nghiệm thu với nhà thầu, lấy cớ chưa xong thủ tục; nghiệm thu rồi, vẫn tiếp tục chây ì không trả nợ. Vấn đề này gây nên nhiều phức tạp trong kinh doanh xây dựng, khiến một số doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, gây xáo trộn thị trường.

Nợ công thì còn phải bàn, nhưng đối với các nhà đầu tư bất động sản tư nhân thì cần phải có chế tài rõ ràng trong các quy định của pháp luật. Thứ nhất, việc nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng phải dựa trên cơ sở nghiệm thu của tất cả các nhà thầu thi công. Khi công trình đã được Bộ Xây dựng cho phép nghiệm thu đưa vào sử dụng rồi thì đương nhiên nghiệm thu xong với nhà thầu. Thứ hai, chủ đầu tư muốn các căn hộ được cấp sổ đỏ thì phải chứng minh được đó là tài sản của mình, xác minh được vấn đề tài chính đã giải quyết, các nhà thầu đã được thanh toán đầy đủ. Ngoài ra, tôi cũng kiến nghị nên đặt ra quy định yêu cầu chủ đầu tư tư nhân phải có thực lực - có vốn đối ứng do ngân hàng nắm giữ ít nhất 10-20% giá trị hợp đồng để bảo đảm trách nhiệm thanh toán đầy đủ của chủ đầu tư đối với nhà thầu.

Xin cảm ơn ông!

VIỆT HƯNG (thực hiện)

Nguồn


Xem thêm