Chương trình xây dựng chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020
Nhằm đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 323 năm 2017 phê duyệt Chương trình xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng trong nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020.
Với mục tiêu phát triển liên kết chuỗi, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao giá trị, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Qua đó, thu hút các nguồn lực để tham gia đầu tư chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dịch vụ kỹ thuật, tư vấn, đánh giá, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm, thủy sản.
Trong đó, tập trung xây dựng 3 chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng tiêu thụ nông sản an toàn là chuỗi thủy sản, chuỗi thịt heo và chuỗi rau, củ, quả. Kết hợp phát triển hệ thống cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông sản được quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn. Đồng thời, xây dựng thương hiệu chợ thực phẩm an toàn tại 3 chợ đầu mối và 50 chợ truyền thống đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM. Từ đó, nâng cao ý thức đối với thương nhân, tiểu thương trong hoạt động thương mại, đối với doanh nghiệp trong sản xuất và đối với người tiêu dùng trong lựa chọn, mua sắm hàng hóa.
Đối với chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng tiêu thụ thịt heo, xây dựng hai loại mô hình chuỗi liên kết thịt heo là liên kết dọc (công ty) và liên kết ngang (hợp tác xã và tổ hợp tác chăn nuôi). Đảm bảo cung cấp thịt heo an toàn được kiểm soát theo chuỗi chiếm khoảng 30% nhu cầu của người dân thành phố. Cụ thể, 6 nội dung trong phát triển chuỗi liên kết bao gồm khảo sát, chọn lựa và phát triển vùng nguyên liệu; tổ chức nhập nội và cải thiện đàn heo giống; tổ chức các mô hình liên kết sản xuất heo thịt cung ứng cho thị trường thành phố; tổ chức cơ sở giết mổ, đóng gói và bảo quản sản phẩm; tổ chức giám sát an toàn thực phẩm; xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu.
Đối với chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng tiêu thụ rau, củ, quả an toàn sẽ đầu tư xây dựng 4 loại mô hình chuỗi giá trị rau quả có sự tham gia của hợp tác xã, doanh nghiệp. Đến năm 2020, phấn đấu các sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi tham gia khoảng 50% thị phần của thành phố. Trong đó, tập trung vào các chủng loại rau có sản lượng tiêu thụ lớn tại TP.HCM như khổ qua, dưa leo, bắp cải, cà rốt, cà chua, khoai tây, cải thìa, cải ngọt... và một số chủng loại rau có lợi thế xuất khẩu như các loại rau gia vị, bí đao, đậu bắp, đậu đũa, khổ qua, mồng tơi…
Đối với chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng tiêu thụ thủy sản an toàn, phấn đấu đạt trên 50% tổng sản lượng thủy sản và sản phẩm thủy sản cùng loại được tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Đảm bảo kiểm soát vật tư đầu vào, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm theo một bộ tiêu chuẩn được xây dựng và đồng thuận giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng hình thành được các tổ hợp tác và hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, cung ứng.
HOÀI AN
Xem thêm