Fintech Việt Nam đón chào startup GPAY vừa được cấp phép


Hướng tới mục tiêu hạn chế các giao dịch tiền mặt, trong những năm gần đây dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với 32 công ty thanh toán kỹ thuật số. GPay mới đây là đơn vị thứ 33 được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

maxresdefault.jpg

Theo Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, Công ty Cổ phần Thanh toán G (GPAY) được cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm: Dịch vụ Cổng thanh toán điện tử; Dịch vụ Hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Dịch vụ Ví điện tử.

GPay được Công ty đầu tư G-Group – công ty đầu tư chuyên các lĩnh vực như truyền thông trò chơi, bảo mật, dịch vụ tài chính và mạng xã hội thành lập năm 2018 với số vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. GPay cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh theo mô hình Uber với đội ngũ nhân viên điều phối và giao dịch. Khi khách hàng có nhu cầu chuyển, rút hay nộp tiền, nhân viên GPay sẽ đến trực tiếp nơi khách hàng yêu cầu để nhận thực hiện giao dịch. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng để thanh toán các hóa đơn điện, nước, mua thẻ cào…

Tính đến năm 2019, tổng giá trị giao dịch của GPay đạt 50 triệu đô la và hiện diện tại 42 tỉnh, thành phố. GPAY đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới tới 63 tỉnh thành phố của Việt Nam và cung cấp toàn diện các dịch vụ thanh toán và tài chính bao gồm cổng thanh toán, ví điện tử, thu hộ chi hộ và đầu tư số ... cho hơn 5 triệu người dùng vào năm 2023.

Theo ông Nguyễn Thuần Chất, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Gpay cho biết: “GPay được hỗ trợ từ hệ sinh thái G-Group với hơn 20 triệu người dùng trên các nền tảng tài chính, cộng đồng game, mạng xã hội và các công ty công nghệ. Chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và tuyển dụng nhân tài, kỳ vọng sớm đạt được vòng tài trợ Series A”. Hiện công ty đang tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư tài chính và đối tác là doanh nghiệp cho vòng tài trợ Series A.

Theo Nghị định 80/2016, trung gian thanh toán được cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thanh toán và các dịch vụ trung gian thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các công ty để có được giấy phép này phải đáp ứng nhiều điều kiện về phương án kinh doanh, cơ cấu nhân sự, hạ tầng và có vốn điều lệ tối thiểu từ 50 tỷ đồng.

Các công ty thanh toán điện tử được cấp phép gần đây nhất vào năm 2019 bao gồm Payme, FinViet, EPay, PayTech, Dibee và Smart Net. Trong số đó, có 12/33 công ty được rót vốn thậm chí bị mua lại bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình là ứng dụng VNPAY được SoftBank Vision Fund và GIC (Singapore) tài trợ, MoMo nhận được tài trợ khủng từ Warburg Pincus trong lần gọi vốn thứ 3, Moca - đối tác chiến lược của Grab, Payoo - được mua lại bởi NTT Data, eMonkey – đã bán lượng lớn cổ phần cho Alibaba, 1Pay - được mua lại bởi Ascend Money - chi nhánh Ant Financial của Thái Lan. Đáng chú ý, Tập đoàn Vingroup cũng mua lại MonPay.

Trước bối cảnh toàn cầu đối mặt với đại dịch Covid-19, chính phủ các nước khuyến nghị người dân tăng cường mua sắm trực tuyến là cơ hội cho các dịch vụ thanh toán điện tử nở rộ. GPay cũng đang tăng tốc để đạt được mục tiêu 5 triệu người dùng vào năm 2023.

PV


Xem thêm