Hợp tác sản xuất gel rửa tay xuất khẩu từ đề tài nghiên cứu khoa học
Ngân sách Sở KH&CN TP.HCM đầu tư cho đề tài nghiên cứu Nano bạc là 200 triệu đồng nhưng chỉ riêng hợp đồng với liên doanh Pomax và BV Pharma đã mang về lợi nhuận 600 triệu đồng.
Ngày 20/5, lễ ký kết hợp đồng hợp tác điều chế hỗn dịch nano bạc - ứng dụng sản xuất gel rửa tay khô giữa Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTPLabs) cùng liên doanh Pomax và BV Pharma đã diễn ra dưới sự chứng kiến của đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Đây là kết quả hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ theo mô hình 3 nhà (nhà nghiên cứu - nhà nước - doanh nghiệp), xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học của SHTPLabs với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Vật liệu nano bạc từ lâu đã được biết đến với tính chất diệt khuẩn hiệu quả, đã được nghiên cứu rộng rãi nhiều năm qua trên thế giới cũng như trong nước. Phát triển cùng xu thế này, nhóm nghiên cứu tại Phòng Thí Nghiệm nano thuộc SHTPLabs đã nghiên cứu quy trình chế tạo nano bạc và ứng dụng trong sản phẩm gel rửa tay.
Thạc sỹ Mai Ngọc Tuấn Anh, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết: “Điểm khác biệt trong sản phẩm nano bạc của nhóm nghiên cứu là chế tạo bằng phương pháp xanh thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất có thể gây dị ứng da tay. Sản phẩm diệt khuẩn hiệu quả với nồng độ ức chế tối thiểu thấp, chế tạo ở nồng độ cao, từ 400 đến 1000 ppm ( ppm = phần triệu )”.
Từ những ưu điểm đó, vật liệu nano bạc được ứng dụng trong gel rửa tay khô không cồn hoặc ít cồn, với nồng độ nano bạc trong sản phẩm thấp hơn 10 ppm nhưng có khả năng diệt 99% vi khuẩn. Những điểm mới này đã được công nhận qua Bằng độc quyền giải pháp hữu ích đối với sáng chế “Chế phẩm rửa tay diệt khuẩn dạng gel và Quy trình chế tạo chế phẩm này”.
Sản phẩm nước rửa tay thương hiệu Silver Green sử dụng vật liệu nano của SHTPLabs đã được phân phối từ những ngày bùng nổ dịch Covid-19. Sau những kết quả thương mại hóa sản phẩm này, SHTPLabs đã ký hợp đồng cung cấp vật liệu nano bạc với Công ty Cổ phần Pomax để phát triển sản phẩm Gel rửa tay khô DrOH, cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.
Trong mùa dịch, sản phẩm gel rửa tay đã xuất khẩu được 2 triệu chai sang châu Âu và Mỹ. Đơn hàng tiếp theo sang những thị trường này trong tháng 5 là từ 4-6 triệu chai.
“Điểm thách thức đối với SHTPLabs trong hợp tác này là phải xây dựng công nghệ điều chế hỗn dịch nano bạc với khối lượng lên đến hàng tấn, đáp ứng nhu cầu thương mại của doanh nghiệp“, ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc SHTPLabs, cho biết. Tuy nhiên với tinh thần phát triển sản phẩm nghiên cứu vượt xa khỏi phòng thí nghiệm để trở thành sản phẩm thương mại thực sự, nhóm nghiên cứu đã có nhiều giải pháp sáng tạo để thực hiện.
Theo chia sẻ của ông Thành thì ngân sách Sở KH&CN TP.HCM đầu tư cho đề tài nghiên cứu Nano bạc là 200 triệu đồng nhưng hiện tại, chỉ với hợp đồng liên doanh Pomax và BV Pharma đã mang về lợi nhuận 600 triệu đồng. Đây là minh chứng cho sự thành công của hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ theo mô hình 3 nhà.
Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết, lợi nhuận thu về từ những đề tài nghiên cứu khoa học của SHTPLabs là hơn 3 tỷ đồng trong năm 2019 cùng với đó là hơn 50% đề tài đang sẵn sàng chuyển giao, hợp tác với các doanh nghiệp.
Trong lúc tiến tới mở rộng hợp tác để phát triển thêm sản phẩm mới, các sản phẩm nội địa tại SHTPLabs đã phát triển thành công cũng bước đầu tiếp cận được với thị trường doanh nghiệp.
“SHTPLabs hiện đang đóng vai trò là đơn vị tiếp nhận các yêu cầu nghiên cứu, phát triển và chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm cho các doanh nghiệp. Việc nghiên cứu hướng đến liên kết với các đơn vị sản xuất ở các địa phương, tạo thành mối liên kết vùng trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới”, ông Thành nói thêm.
Năm 2019, SHTB Labs đã ký kết hợp tác với Trung tâm Công nghiệp thuộc Viện CISRO của Úc về việc hợp tác phát triển các vật liệu nano ứng dụng trong cảm biến và y sinh, trong đó có sản phẩm van tim nhân tạo từ các vật liệu nano mà Úc đang nghiên cứu. Đồng thời trung tâm nghiên cứu này cũng hợp tác với Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhằm gắn kết giữa hai đơn vị trong việc phát triển công nghệ MEMS và đào tạo nguồn nhân lực.
PV
Xem thêm