Hà Lan: đất nước đô thị thông minh
Nếu bạn muốn hiểu mức độ ảnh hưởng của các thành phố thông minh có thể lan rộng đến đâu, hãy nhìn sang Hà Lan. Là một quốc gia có 26% diện tích nằm dưới mực nước biển, Hà Lan là “vườn ươm” cho những dự án kỹ thuật lớn. Ngày nay, quốc gia này sử dụng dữ liệu để đưa đất nước vào một tương lai bền vững.
Tại Amsterdam, bạn sẽ tìm thấy những ví dụ nổi bật nhất về các sáng kiến thành phố thông minh trong cả nước. Với hơn 800.000 người, Amsterdam nổi tiếng là một trung tâm thương mại và văn hóa. Nếu phải tìm một nơi minh hoạ tốt nhất nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc xây dựng thành phố thông minh, chắc chắn đó phải là Amsterdam - vốn đã có nhiều nỗ lực trong một thập kỉ qua.
Bắt đầu với dữ liệu
Amsterdam bắt đầu các sáng kiến thành phố thông minh khi sử dụng phân tích dữ liệu để cải thiện đời sống đô thị, phát triển các dịch vụ tích hợp và duy trì một cộng đồng bền vững. Quá trình này mất gần 10 năm, bắt đầu với việc kiểm kê khối lượng thông tin đã có. Amsterdam có 32 bộ ngành khác nhau, tạo ra 12.000 bộ cơ sở dữ liệu.
Sau bước đánh giá ban đầu, thành phố đã làm việc để tận dụng và tích hợp những thông tin này và khởi động gần 100 dự án thí điểm. Những nỗ lực trên đã giành được nhiều giải thưởng, bao gồm giải thưởng Thủ đô của Đổi mới từ Ủy ban châu Âu năm 2016. Amsterdam cũng nằm trong danh sách 10 thành phố tiên tiến nhất trên toàn thế giới trong một bảng xếp hạng của Đại học Navarra (Tây Ban Nha). Hà Lan còn được KPMG xếp hạng là quốc gia chuẩn bị tốt nhất cho tương lai công nghệ.
“Chúng tôi muốn tìm hiểu thông qua thực tiễn,” theo Florien van der Windt, đại diện của Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan. Bà cũng tin rằng để thành công, bất kỳ dự án nào cũng cần phải là sự hợp tác giữa chính phủ, các công ty cơ sở hạ tầng và các nhà đổi mới công nghệ.
Các dự án thí điểm của Amsterdam mang lại nhiều tham vọng và phủ rộng trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ, một sáng kiến thu gom rác được thiết kế nhằm mục đích giảm chất thải và ô nhiễm gây ra do các tuyến xe chở rác kém hiệu quả, vốn cũng gây ra tắc nghẽn giao thông tại các tuyến đường hẹp. Giống như ở hầu hết các thành phố khác, rác thải và rác tái chế ở Amsterdam được thu gom riêng, vốn gây nên lãng phí. Vì vậy, AEB Amsterdam, nơi điều hành hệ thống xử lý chất thải lớn nhất thế giới, đã giải quyết vấn đề này thông qua một dự án cho phép người dân tách rác thành bốn túi màu khác nhau (nhựa sinh học, nhựa, thủy tinh và giấy).
Các chương trình thí điểm khác cũng đã thay đổi cách thành phố vận hành, qua đó thay đổi hành vi của công dân. Amsterdam là một trong những thành phố đầu tiên thay thế đồng hồ đỗ xe trên đường bằng các ứng dụng trả tiền qua điện thoại thông minh.
Các dự án khác cũng đang tìm cách tận dụng sự phổ biến của điện thoại thông minh. Bắt đầu với khoản đầu tư 50 triệu USD, Viện giải pháp đô thị tiên tiến Amsterdam đã khởi xướng một dự án được gọi là Beautiful Noise. Ý tưởng là thu thập và phân tích trong thời gian thực những thông tin tạo ra bởi khách truy cập và người dân trên các trang web như Twitter và Instagram về những gì diễn ra trong thành phố, qua đó gửi các thông báo liên quan ví dụ như lưu lượng khách đông tại Rijksmuseum.
Hiệu quả toàn quốc
Các sáng kiến thành phố thông minh dựa trên dữ liệu tương tự đã lan rộng trên cả nước. Ở phía nam, tại Eindhoven, đô thị này đã thực hiện một số dự án thông qua sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học, với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống. Ví dụ, thành phố lắp đặt Wi-Fi trên cột đèn, máy quay video và hơn 60 micro trên tuyến đường Stratumseind để phát hiện các hành vi gây rối trật tự hay có dấu hiệu bất hợp pháp và cảnh báo cảnh sát. Chính quyền địa phương cũng đã thử nghiệm thay đổi ánh sáng trên đường phố để tác động đến tâm trạng của đám đông và thậm chí cả mùi hương như mùi cam để tạo nên bầu không khí thoải mái.
An toàn là một trong những động lực chính cho các dự án thành phố thông minh. Ở Woensdrecht, sẽ rất khó để bạn đạp xe tới thành phố lân cận Bergen op Zoom trong những tháng mùa đông vì bị khuất tầm nhìn. Vì vậy, thành phố đã lắp đặt 65 đèn LED thông minh trên đường, thứ sẽ tự động bật khi xe hơi hoặc xe đạp đến gần và sau đó tắt khi không có giao thông.
Sustainder, một công ty Hà Lan sản xuất đèn thông minh, cho biết công nghệ không dừng lại ở việc điều khiển đèn thông minh, mà còn có thể dùng cảm biến để nhận biết khi nào có xe đâm vào đèn đường. Các tính năng khác bao gồm cảm biến đo chất lượng không khí, bộ thu phát mạng lưới Wi-Fi và các điểm truyền 5G trong tương lai.
Quan điểm về nhà ở cũng sẽ thay đổi. Một giáo sư tại Đại học Công nghệ Eindhoven, Theo Salet, đang nghiên cứu về ý tưởng ngôi nhà bê tông in 3D. Những ngôi nhà như vậy có thể tiết kiệm năng lượng nhiều hơn so với những ngôi nhà truyền thống. Trong khi đó, Elphi Nelissen, một giáo sư khác đang nghiên cứu một mô hình khu phố thông minh mang tên Brainport. Nó được thiết kế với 1,500 nhà ở cho 3,000 cư dân.
Ở những nơi khác, ví dụ như thành phố Enschede ở phía đông Hà Lan, các cảm biến xung quanh thị trấn sẽ theo dõi vị trí của du khách qua sóng wifi. Ý tưởng không phải là để theo dõi họ, mà là để tìm hiểu về cách mọi người đi du lịch quanh thành phố, những nơi họ dành nhiều thời gian nhất và tần suất họ quay trở lại. Ý tưởng này dẫn đến các sáng kiến như một ứng dụng tặng thưởng cho người dùng khi họ đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi làm chứ không phải xe hơi.
Tại Utrecht, một thành phố có khoảng 300.000 người ở trung tâm của đất nước, chính phủ đã đầu tư hơn 90 triệu USD trong bốn năm qua vào khoảng 80 dự án. Số tiền này giúp người dân thừa hưởng những tiện ích thông minh, bao gồm thùng rác thông minh, đèn đường thông minh, cảnh báo trộm và giám sát truyền thông xã hội. Nó cũng giúp nhận biết ô tô đậu trái phép và tự phát hành vé đỗ xe, vốn có thể không được nhiều người hưởng ứng nhưng giúp thành phố tiết kiệm và thu thuế.
Đầu tư dài hạn
Một bài học lớn mà các dự án thành phố thông minh ở Hà Lan đã dạy cho các doanh nghiệp và chính quyền thành phố là các sáng kiến thông minh cần phát triển không ngừng. Ví dụ, tại Amsterdam, thành phố đã sử dụng dữ liệu GPS từ TomTom để giúp quản lý giao thông. Nó ban đầu dựa trên một mô hình được xây dựng năm 2011. Tuy nhiên, thành phố đã phải cập nhật hệ thống vào năm 2016 bởi vì vào thời điểm đó, Amsterdam có số lượng xe ít hơn 25% và xe tay ga nhiều hơn 100% so với năm 2011.
Các dự án này còn cho thấy một thực tế: Sự chuyển đổi nên được duy trì trong thời gian dài thay vì kì vọng vào một thay đổi tức thời. Dĩ nhiên, các dự án phải bắt đầu bằng việc tích hợp thông tin đã có để tạo ra các giải pháp thực tế.
Hiệp (Theo Digitaltrends)