Mô hình khởi nghiệp với nông nghiệp sạch


Các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp sạch hiện nay tập trung chủ yếu trên đối tượng là rau ăn lá kết hợp với việc phát triển hệ thống canh tác gồm có hệ thống trồng rau thủy canh tĩnh, thủy canh hồi lưu, aquaponic, khí canh, tưới nhỏ giọt trên nền giá thể... Các mô hình đều có một số điểm chung như khi thực hiện đó là canh tác trong nhà màng kết hợp hệ thống giảm nhiệt như lưới cắt nắng hay tưới phun sương, ứng dụng các hệ thống quản lý môi trường canh tác một cách nghiêm ngặt...

Nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Nguyễn Thị Thu Hằng, Phạm Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Huy Hoàng Phi, Dương Nhật Phú, Nguyễn Xuân Dũ, Trường đại học Sài Gòn cho rằng, một xu hướng khác trong khởi nghiệp nông nghiệp sạch là canh tác theo phương pháp canh tác tự nhiên. Mô hình canh tác tự nhiên là mô hình hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, nguồn phân bón chủ yếu được sử dụng là phân bón hữu cơ được ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với các ưu thế từ địa bàn, khiến cho vốn đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp tự nhiên thấp và giá thành sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Nhóm nghiên cứu đề xuất một mô hình có thể giải quyết các vấn đề nêu trên, quy mô sản xuất được áp dụng với diện tích từ 5.000 m2, phương pháp canh tác ứng dụng phương pháp tự nhiên, củng cố và phát triển hệ sinh thái bản địa kết hợp với hệ thống quản lý thông minh giúp tiết kiệm nước và cân bằng điều kiện canh tác.

Nhà lưới chống côn trùng canh tác rau an toàn - hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu

Việc áp dùng nhà lưới chống côn trùng đúng quy chuẩn có thể hạn chế sự tấn công từ các loại sâu bệnh hại, từ đó giảm và ngưng việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Nhà lưới trong mô hình là kiểu nhà lưới kín, sử dụng khung thép, độ cao 2,5 - 3 m, lưới sử dụng là lưới chống côn trùng đạt tiêu chuẩn kích thước lỗ từ 100 g/cm3, đảm bảo độ bền và độ thông thoáng phù hợp với yêu cầu phát triển cây rau ăn lá.

Phân bón hữu cơ

Lượng phân chuồng hoai mục trong canh tác rau an toàn chiếm 90% tổng lượng phân bón sử dụng (trong cả hai giai đoạn bón lót và bón thúc), phân chuồng hoai mục đa phần có nguồn gốc từ phân bò và phân gà. Mô hình được xây dựng tại huyện Củ Chi, do đó, lượng phân chuồng phát sinh từ các nông hộ chăn nuôi bò và gà tại khu vực là rất lớn, đáp ứng được nhu cầu phân bón, đồng thời chi phí vận chuyển thấp.

Diệt cỏ bằng phương pháp che phủ

Phương pháp diệt cỏ truyền thống không thể tránh khỏi sự lệ thuốc và lạm dụng các loại thuốc diệt cỏ có nguồn gốc hóa học.

Phương pháp che phủ dựa trên nguyên lý loại bỏ các điều kiện thích hợp cho sự phát triển của cỏ như cách ly ánh sáng, loại bỏ không gian phát triển. Vật liệu che phủ có thể là các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, lá cây... Với quy mô canh tác lớn, các thùng giấy hay màng phủ nông nghiệp có thể được sử dụng với hiệu quả diệt cỏ hoàn toàn sau 7 ngày che phủ. Ngoài ra, với phương pháp này, dinh dưỡng của đất có thể được cải thiện bởi nguồn dinh dưỡng từ sự hoai mục của cỏ.

Hệ thống giám sát IoT - phương pháp quản lý canh tác và tiết kiệm

Nông nghiệp ứng dụng IoT là việc số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh đến chế biến, tiêu dùng thông qua các thiết bị cảm biến, công nghệ điều hành và tự động hóa. Với việc lắp đặt các bộ cảm biến (bao gồm cảm biến nhiệt độ, ẩm độ, pH đất) kết hợp với phần mềm quản lý, việc giám sát các điều kiện canh tác được tốt hơn, tiết kiệm lượng nước tưới hiệu quả và năng suất cây trồng ổn định.

Từ thực tế sản xuất rau ăn lá trên địa bàn TP.HCM, mô hình đã được nghiên cứu và chuyển đổi cho phù hợp với các yêu cầu sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Với quy mô canh tác 5.000 m2, mô hình cần 3 lao động để duy trì hoạt động tốt, ngoài ra, nguồn vốn khởi điểm dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng/m2.

Trước thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, nguồn cung ứng rau ăn lá có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng có nhu cầu thị trường rất lớn. Vì vậy, khởi nghiệp từ nông nghiệp an toàn, sạch vẫn là cơ hội và thách thức đối với thế hệ trẻ hiện nay. Mô hình được đề xuất đáp ứng được các yêu cầu sản xuất rau an toàn và phù hợp với các điều kiện thực tế trong sản xuất rau an toàn tại TP.HCM.

Theo nhóm nghiên cứu, trong quá trình vận hành mô hình, khi sản xuất các loại rau, cho thấy đáp ứng của từng loại rau ăn lá đối với các loại phân chuồng khác nhau. Vì vậy, cần có những nghiên cứu chi tiết hơn về cách sử dụng phân chuồng hoai mục cho từng loại rau và cần bổ sung thêm nguồn phân xanh, phân ủ từ rác thải hữu cơ để tăng năng suất cây trồng đạt hiệu quả tối ưu.

Theo Phương Mai - Khoa học phổ thông

Bài gốc

Xem thêm