Gọi… máy kéo, kiểu Uber ở Nigeria
Công ty John Deere và Hello Tractor của Nigeria có sẵn 10.000 máy kéo, cung cấp thêm công cụ làm nông cho các hộ sản xuất.
Máy kéo là một trong những phương tiện sản xuất cần thiết với các hộ gia đình ở Nigeria. Dĩ nhiên, chi phí sẽ là một vấn đề đáng lưu tâm. Nhưng một chương trình cho thuê máy kéo với cách vận hành tương tự như Uber có thể là giải pháp thức thời.
Trong vòng 5 năm tới, John Deere sẽ triển khai 10.000 máy kéo ở Nigeria, bán chúng cho các nhà thầu để từ đó cho các hộ nông dân nhỏ thuê dựa trên nền tảng từ một công ty có tên Hello Tractor. Nông dân có thể yêu cầu một máy kéo thông qua tin nhắn hoặc đại lý. Nền tảng công nghệ sẽ tìm kiếm máy kéo đạt yêu cầu và theo dõi quá trình sử dụng.
“Bằng cách này, người nông dân sẽ dễ dàng canh tác hơn, và nhà thầu cũng sẽ quản lý một cách hiệu quả hơn.” Đó là phát biểu của Jason Brantley, giám đốc điều hành khu vực cận Sahara của John Deere.
Một chiếc máy kéo có thể rút ngắn thời gian gieo trồng từ 40 tiếng (thủ công) xuống còn 8 tiếng. Chi phí thuê máy kéo cũng rẻ hơn so với thuê nhân công. Lao động cũng ngày càng khan hiếm tại khu vực này khi người dân có xu hướng chuyển đến các thành phố để sinh sống.
Mặt khác, trồng bằng máy kéo cũng giúp tăng năng suất và sản lượng. Theo Brantley, năng suất có thể tăng lên gấp bốn lần hoặc nhiều hơn trên cùng một thửa đất nhờ vào biện pháp cơ giới hóa.
Khi Oliver, một nhà đầu tư Mỹ, lập nên Hello Tractor vào năm 2014, công ty ban đầu dự định sản xuất các máy kéo giá rẻ. Hiện công ty đã chuyển sang phát triển các công nghệ có thể áp dụng cho máy kéo của hãng khác, ví dụ như John Deere.
Sử dụng công nghệ tích hợp từ các đối tác như Aeris và CalAmp, nền tảng này có thể biết khi nào máy kéo được bật và quãng đường di chuyển của nó. Bằng cách này, John Deere sẽ dễ dàng hợp tác với các ngân hàng hơn để kết hợp các khoản vay chi phí thấp cho các hộ sản xuất. Công ty cũng hợp tác với chính phủ Nigeria, nơi cung cấp một khoản trợ cấp sẽ giữ lãi suất thấp.
Oliver tin rằng dự án mà họ đang phát triển có thể thay đổi mô hình cơ giới hóa ở châu Phi, hiện tại đang hoạt động từ việc chính phủ mua máy kéo cho tới việc phân phối máy cho người dân. Ông nghĩ rằng nên có sự tham gia của các công ty tư nhân với tiềm lực về mặt tài chính và công nghệ để đảm bảo vòng đời cho thiết bị cũng như chi phí tổng thể.
Khi dân số Nigeria tăng nhanh, việc thêm máy kéo có thể giúp tăng nguồn cung thực phẩm địa phương. Việc triển khai ban đầu sẽ đưa khoảng 9 triệu hecta đất vào sản xuất, cung cấp thêm 37 triệu tấn lương thực. Theo Brantley, mục tiêu của công ty không phải là bán càng nhiều máy càng tốt, mà là đưa máy kéo đến càng nhiều hecta đất càng tốt. “Sau cùng, đó mới là yếu tố tạo nên phát triển bền vững,” ông nói.
Hello Tractor hiện cũng đang làm việc tại Kenya, Mozambique, Sénégal, Tanzania và Bangladesh với hy vọng sẽ hợp tác với John Deere và các nhà sản xuất khác để mở rộng quy mô ở các quốc gia này, rộng hơn nữa là khu vực châu Phi và châu Á.
Hiệp (Theo Fastcompany)