Một công nghệ lọc nước biển giá rẻ tiềm năng


Các công nghệ lọc nước biển truyền thống luôn đắt tiền và gây ô nhiễm môi trường. Điều đó có thể sẽ trở thành quá khứ khi một startup từ Phần Lan đem đến một giải pháp đầy khả thi.

Một công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời đang được phát triển để biến nước biển từ Đại Tây Dương thành nước uống. Đó là điều người ta thấy được tại một container gắn các tấm pin mặt trời tại ven biển Namibia (một quốc gia ở miền nam châu Phi).

Namibia đang đối mặt với một đợt hạn hán kéo dài. Tổng thống nước này gần đây đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp thứ hai trong vòng ba năm vì tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Vấn đề này có thể được giải quyết nhờ vào công nghệ mới đang được phát triển. Hệ thống ứng dụng nguyên lý thẩm thấu ngược để khử muối, vốn không phải là một kiến thức mới. Điểm đột phá nằm ở khả năng vận hành bằng năng lượng mặt trời, qua đó giảm được lượng khí thải carbon so với một nhà máy khử muối truyền thống. Xét trên toàn bộ vòng đời của hệ thống, giải pháp này cũng có lợi về mặt chi phí.

“Chi phí vận hành về cơ bản bằng 0 vì năng lượng mặt trời là miễn phí.” Đó là phát biểu của Antti Pohjola, CEO của Solar Water Solutions, một công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở ở Phần Lan. Hoạt động khử muối thường tiêu tốn một lượng điện lớn vì nguyên lý thẩm thấu ngược đòi hỏi phải giữ nước ở áp suất không đổi. Với công nghệ mới này, nước được giữ ở áp suất phù hợp một cách độc lập, nên nó có thể hoạt động mà không cần kết nối với lưới điện hoặc sử dụng một hệ thống pin đắt tiền để lưu trữ năng lượng.

Với những vùng hẻo lánh, đặc biệt là các cộng đồng trên các đảo nhỏ, hệ thống này có thể thay thế việc khử mặn bằng động cơ diesel vốn tốn nhiều chi phí và gây ô nhiễm. Theo Pohjola, công ty tập trung vào các khu vực không có cơ sở hạ tầng về điện. Tại các vùng nông thôn (ví dụ ở Kenya), công ty đã lắp đặt hệ thống lọc nước ngầm để trở thành nước uống phục vụ sinh hoạt. Quy trình cũng lọc nước thông qua màng lọc loại bỏ vi khuẩn, vi rút và các chất gây ô nhiễm khác, qua đó có thể tạo ra 3.500 lít nước mỗi giờ.

Về mặt vĩ mô, giải pháp này có thể giúp giải quyết các thách thức về nước tại các quốc gia như Namibia, nơi có thể chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trong tương lai.

Hiệp (Theo Fastcompany)

Xem thêm