Ngân hàng số sẽ phát triển mạnh ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025
Theo báo cáo của nhà cung cấp phần mềm Backbase và Công ty Khảo sát thị trường toàn cầu IDC, ngân hàng kỹ thuật số ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có thể sẽ phát triển rất nhanh trong 5 năm tới với hơn 3/5 (khoảng 63%) khách hàng sẵn sàng chuyển sang neobanks.
Báo cáo cho biết khu vực này dự kiến sẽ có 100 tổ chức tài chính mới vào năm 2025 do được thúc đẩy bởi tự do hóa ở một số thị trường và và việc cấp giấy phép ngân hàng mới.
Đại dịch do virus corona gây ra đã làm nổi bật tính tiện lợi của ngân hàng kỹ thuật số trong bối cảnh có 70% khách hàng xem các giao dịch trên kỹ thuật số là tẻ nhạt, và chỉ có 30% khách hàng hoạt động trên các kênh ngân hàng kỹ thuật số do ngân hàng cung cấp.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng hiện có trên khắp khu vực APAC đang phải đối mặt với vấn đề cấp thiết cần chuyển đổi số do nhu cầu tăng lên của khách hàng, nhu cầu về tính sẵn có, truy cập và kiểm soát các tương tác kênh kỹ thuật số.
Tuy nhiên theo báo cáo phân tích, các ngân hàng hiện có đã không thể tận dụng các đối tác tiềm năng của hệ sinh thái vì phần lớn (80%) trong số 250 ngân hàng hàng đầu vẫn thích sở hữu toàn bộ chuỗi giá trị với doanh nghiệp do bên thứ ba đóng góp chỉ ở mức 2%.
Tuổi trung bình của các hệ thống ngân hàng lõi kế thừa trong 100 ngân hàng đầu khu vực APAC vẫn ở mức 17,5 năm. Mặt khác, hơn 35 ngân hàng kiểu mới (neobanks) trên toàn khu vực được xây dựng dựa trên các hoạt động đổi mới sáng tạo, đi trước các ngân hàng truyền thống về tính linh hoạt, khả năng tự phục vụ, nhu cầu của khách hàng và cá nhân hóa. Do đó, với sự xuất hiện của những neobanks và sự gián đoạn kỹ thuật số hơn nữa trong ngành, 38% doanh thu của các ngân hàng truyền thống sẽ đối mặt nguy cơ bị cạnh tranh bởi các ngân hàng số vào năm 2025.
Báo cáo cho rằng số hóa và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là trọng tâm, với 44% trong số 250 ngân hàng hàng đầu đang hoàn thành chuyển đổi liên kết lõi “connected core” vào năm 2025.
NGỌC LAN
Xem thêm