Xu thế bảo hộ sáng chế và nghiên cứu khoa học về trí tuệ nhân tạo
Sự lớn mạnh và tầm ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có hệ thống bảo hộ sáng chế.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), hệ thống bảo hộ sáng chế được tạo ra với mục đích trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nhờ khai thác và thúc đẩy khoa học công nghệ, đồng thời đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên. Tuy nhiên, thế giới luôn vận động kéo theo sự xuất hiện của những hiện tượng mới, yêu cầu hệ thống pháp luật kịp thời thích ứng. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa ý thức xã hội và tồn tại xã hội từ trước đến nay.
Vì lẽ đó, hệ thống sáng chế sẽ không thể tránh khỏi tầm ảnh hưởng sâu rộng của làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ. Do vậy, để duy trì cơ chế bảo hộ sáng chế theo đúng mục tiêu ban đầu khi tạo ra hệ thống này, chúng ta nên đánh giá những khả năng mà trí tuệ nhân tạo sẽ tác động tới hệ thống sáng chế, từ đó quyết định hướng đi phù hợp cho tương lai.
Trí tuệ nhân tạo buộc các quốc gia phải thay đổi quy định về bảo hộ sáng chế
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống như an ninh quốc phòng, viễn thông, giáo dục, y tế, giải trí… giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác nghiên cứu và triển khai, bảo hộ sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo cũng góp phần khuyến khích tạo ra những công nghệ AI mới tiến bộ hơn.
Theo số liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), từ năm 2006 đến 2017, số lượng đơn sáng chế liên quan đến AI tăng gấp 6,5 lần từ 8.515 đơn trong năm 2006 lên 55.660 đơn trong năm 2017. Tuy nhiên, lượng đơn đăng ký sáng chế AI tăng nhanh cũng đặt ra không ít vấn đề liên quan đến pháp luật về bảo hộ sáng chế.
Từ năm 2019, WIPO đã bắt đầu thảo luận các ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo tới hệ thống sở hữu trí tuệ. Trong đó, WIPO đã định hình một vài vấn đề nổi cộm và kêu gọi các quốc gia cùng tham gia thảo luận cho ý kiến. Cụ thể là việc quy định loại công nghệ trí tuệ nhân tạo nào là đối tượng được bảo hộ sáng chế; Cách diễn giải và áp dụng ba tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế khi thẩm định công nghệ trí tuệ nhân tạo; Có nên sửa đổi, bổ sung pháp luật sáng chế để phù hợp với đặc điểm riêng biệt của công nghệ trí tuệ nhân tạo hay không.
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, một số quốc gia đã thay đổi quy định về bảo hộ sáng chế, tạo ra cơ chế bảo hộ thông thoáng hơn dành cho công nghệ về khoa học máy tính. Đầu năm 2019, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) ban hành một vài hướng dẫn sửa đổi quy chế thẩm định đối tượng bảo hộ sáng chế. Hướng dẫn quy định cụ thể hơn về các đối tượng được coi là “abstract ideas” (ý tưởng trừu tượng) không được bảo hộ sáng chế, bao gồm: khái niệm toán học; phương pháp thực hiện các hoạt động của con người; phương pháp suy luận trí óc.
Theo đó, quy định này đã mở rộng phạm vi đối tượng bảo hộ, cho phép bảo hộ sáng chế liên quan đến lập trình thuật toán mà trước đây bị xếp vào nhóm đối tượng “ý tưởng trừu tượng”. Ngoài ra, USPTO còn tạo ra cơ chế linh hoạt tối đa khi chấp nhận những giải pháp được xem là “ý tưởng trừu tượng” nhưng có khả năng tích hợp vào ứng dụng thực tế (practical application) là đối tượng bảo hộ sáng chế. Thậm chí ngay cả khi giải pháp kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu về tính ứng dụng thực tế thì vẫn được tiếp tục đánh giá tính sáng tạo, xem xét khả năng có được bảo hộ hay không.
Có thể thấy, đối với các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, pháp luật sáng chế có xu hướng mở rộng quy định về đối tượng bảo hộ sáng chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, một vấn đề mới khác được đặt ra đó là bảo hộ sáng chế do AI tạo ra. Cuối năm 2019, Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) đã nhận được một đơn đăng ký sáng chế (số đơn EP3564144) dành cho hộp đựng thực phẩm do thực thể trí tuệ nhân tạo tên là Dabus sáng tạo ra. Người nộp đơn đăng ký sáng chế là tiến sĩ Stephen Thaler - người tạo ra Dabus.
Mặc dù giải pháp kỹ thuật này đáp ứng đủ các điều kiện bảo hộ sáng chế, tuy nhiên căn cứ theo Điều 58 Công ước Sáng chế châu Âu quy định tác giả sáng chế phải là con người. Do đó, Cơ quan Sáng chế châu Âu đã từ chối bảo hộ đăng ký sáng chế này. Vụ việc đã dấy lên làn sóng tranh luận cho câu hỏi: có nên bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo của AI hay không?
Có nhiều giải pháp kỹ thuật liên quan đến AI xuất hiện, nhưng người nộp đơn không đề cập tác giả sáng chế là trí tuệ nhân tạo vì đa số pháp luật các nước đều yêu cầu tác giả sáng chế phải là con người. Trong khi đó, theo dự báo trong tương lai sẽ có nhiều đơn đăng ký sáng chế mà tác giả là trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, hệ thống sáng chế quốc gia cần cân nhắc đặt ra những quy định giải quyết vấn đề này mà vẫn đảm bảo động lực khuyến khích công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển.
Trong bài viết “The Artificial Inventor Project” (WIPO Magazine), tiến sĩ Ryan Abbott cho rằng nên ghi nhận tác giả sáng chế là trí tuệ nhân tạo. Việc chỉ cho phép con người là tác giả sáng chế trong khi thực tế sản phẩm là do máy móc tạo ra sẽ mang đến nguy cơ làm mất giá trị sức sáng tạo của con người, khi mà con người không cần suy nghĩ sáng tạo mà thay vào đó là nhờ tới sự thông minh của máy móc. Công nhận trí tuệ nhân tạo là tác giả sáng chế không đương nhiên trao quyền năng pháp lý cho máy móc vì AI không thể sở hữu và thực thi các quyền tài sản, quyền nhân thân phát sinh từ sáng chế. Người sở hữu công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ chính là người sở hữu sáng chế do trí tuệ nhân tạo đó tạo ra.
Trí tuệ nhân tạo xâm phạm quyền đối với sáng chế
Số lượng đơn đăng ký sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo tăng lên dẫn tới khả năng xuất hiện nhiều tranh chấp, kiện tụng trong tương lai và sẽ gặp phải không ít khó khăn trong giải quyết tranh chấp. Không chỉ là xâm phạm tới quyền tác giả, việc trí tuệ nhân tạo xâm phạm quyền đối với sáng chế đặt ra yêu cầu với hệ thống pháp luật cần có các quy tắc cụ thể về xác định trách nhiệm pháp lý, giải quyết xâm phạm.
Công nghệ máy học, học sâu, mạng thần kinh nhân tạo là những công nghệ trí tuệ nhân tạo có khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như quyền tác giả, quyền đối với sáng chế. Việc huấn luyện một mạng thần kinh nhân tạo bắt chước theo một quy trình đã được bảo hộ sáng chế có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền sáng chế.
Giả dụ có một sáng chế về xử lý hình ảnh làm tăng độ phân giải của bức ảnh chụp. Trong khi đó, một mạng thần kinh nhân tạo được thiết kế để nhận dạng biểu cảm khuôn mặt sẽ được học từ khối lượng dữ liệu hình ảnh khổng lồ được đưa vào. Trong số lượng dữ liệu hình ảnh đầu vào có chứa các file hình ảnh đã xử lý nét bằng sáng chế kể trên.
Trong suốt quá trình học qua các dữ liệu hình ảnh đầu vào, mạng máy thần kinh nhân tạo không chỉ học cách phân biệt biểu cảm khuôn mặt mà đồng thời còn có thể bắt chước quy trình làm sắc nét hình ảnh và cho ra kết quả tương tự. Về nguyên tắc, trường hợp này có thể được coi là hành vi sử dụng sáng chế mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Như vậy, mạng thần kinh nhân tạo đã xâm phạm quyền đối với sáng chế.
Pháp luật của đa số các quốc gia đều quy trách nhiệm pháp lý của hành vi xâm phạm do trí tuệ nhân tạo gây ra cho cá nhân, tổ chức xác định. Pháp luật châu Âu quy định “hành vi sử dụng sản phẩm chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra”, như vậy chủ thể sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ phải chịu trách nhiệm cho những xâm phạm do trí tuệ nhân tạo gây ra? Điều này sẽ có thể dẫn đến việc không còn ai muốn sử dụng phần mềm hay trí tuệ nhân tạo nữa.
Đồng thời, quy tắc này cũng không thực sự triệt để vì trong nhiều trường hợp người sử dụng không thể đoán biết trước hành vi của mình sẽ dẫn tới xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Thực tế cho thấy, trong các vụ kiện trí tuệ nhân tạo xâm phạm quyền đối với sáng chế, nguyên đơn thường khởi kiện công ty phát triển hoặc kinh doanh sản phẩm chứ không kiện người sử dụng.
Chính các nhà phát triển máy móc trí tuệ nhân tạo mới có thể đoán trước khả năng xâm phạm của AI, đặc biệt là trong trường hợp hoạt động của AI xảy ra sự cố. Tuy nhiên, đối với những công nghệ trí tuệ nhân tạo tự động hoàn toàn như xe tự hành thì liệu con người có thể đoán biết được xâm phạm nào có thể xảy ra hay không? Nếu câu trả lời là không thì trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này được xác định như thế nào?
Có thể thấy, các quy tắc pháp lý truyền thống không đủ căn cứ để giải quyết các xâm phạm quyền đối với sáng chế do trí tuệ nhân tạo thực hiện. Thực trạng này mang tới thách thức cho các nhà lập pháp và hoạch định chính sách cần nghiêm túc nghiên cứu để đưa ra giải pháp phù hợp và kịp thời.
Trí tuệ nhân tạo mang lại những giải pháp công nghệ tiến bộ vượt bậc với tốc độ phát triển nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo là ngành công nghệ có tính phức tạp và chuyên môn cao, tiềm ẩn nhiều thách thức đối với hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung và hệ thống sáng chế nói riêng. Chính vì vậy, hệ thống sở hữu trí tuệ cần phản ứng linh hoạt và nhạy bén, hạn chế tối đa tác động tiêu cực nhưng vẫn đảm bảo khuyến khích đổi mới sáng tạo các công nghệ mới.
PV
Xem thêm