Nhà khoa học trẻ sở hữu gần 30 công trình nghiên cứu quốc tế


Từ một 'kẻ tay ngang', Mai Văn Thanh Tâm đã sở hữu 28 công trình nghiên cứu khoa học quốc tế và vô số giải thưởng lớn nhỏ trong lĩnh vực khoa học phân tử và vật liệu nano.

46.jpg

Một năm thành công nở rộ

Tháng 12/2019, giải đặc biệt giải thưởng “Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ở ĐHQG-HCM năm học 2018-2019” đã được trao cho đề tài nghiên cứu tính toán và mô phỏng động hóa học cho các quá trình đốt cháy và chuyển hóa trong khí quyển. Công trình do PGS.TS Huỳnh Kim Lâm (ĐH Quốc tế - ĐHQG-HCM cùng NCS Mai Văn Thanh Tâm (hiện đang công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (ICST) - thuộc Sở KH&CN TP.HCM) thực hiện.

Tập trung vào nghiên cứu động học chi tiết cho các phản ứng quan trọng trong khí quyển và các quá trình đốt cháy nhiên liệu, đề tài giải quyết những thách thức về cơ chế phản ứng, hướng tới ứng dụng thực tế trong việc tối ưu hóa quá trình như cải thiện hiệu suất đốt cháy cũng như kiểm soát khí thải.

Trong năm qua, nhà khoa học trẻ Mai Văn Thanh Tâm còn giành thêm cho mình nhiều thành tích ấn tượng như giải thưởng Odon Vallet năm học 2018-2019 của Tổ chức khoa học và giáo dục gặp gỡ Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong học tập.

Anh cũng đạt được học bổng hỗ trợ học tập của chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước năm 2019 của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup và là một trong 2 ứng viên được chọn phát biểu trong buổi lễ trao học bổng này vào ngày 15/12/2019 tại Hà Nội.

Giai đoạn 2018 - 2019 cũng là giai đoạn đặc biệt thành công với Tâm khi anh góp tên trong gần 20 công trình nghiên cứu khoa học quốc tế. Ở tuổi 32, Tâm sở hữu 28 công trình khoa học quốc tế, trong đó anh là tác giả chính của 19 công trình.

PGS.TS Huỳnh Kim Lâm cùng NCS Mai Văn Thanh Tâm nhận giải đặc biệt giải thưởng “Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ở ĐHQG-HCM năm học 2018-2019”

PGS.TS Huỳnh Kim Lâm cùng NCS Mai Văn Thanh Tâm nhận giải đặc biệt giải thưởng “Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ở ĐHQG-HCM năm học 2018-2019”

Tâm cũng được công nhận là một trong 2 gương cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của Sở KH&CN TP.HCM giai đoạn 2015 - 2019. Những kết quả này tiếp tục làm dày thêm bộ sưu tập thành tích vốn đã rất đáng ngưỡng mộ của nhà nghiên cứu trẻ sinh năm 1988.

ICST - Bệ phóng cho những niềm đam mê khoa học

Nhìn bảng thành tích đồ sộ của Thanh Tâm, nhiều người hẳn sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng anh chỉ là “kẻ tay ngang” với hóa lượng tử.

Học chuyên ngành Hóa lý tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM – ĐH Quốc gia TP.HCM, Thanh Tâm bắt đầu bén duyên với ngành hóa lượng tử khi gặp GS.TS Nguyễn Minh Thọ (Đại học KU Leuven, Bỉ). GS Thọ cũng là trưởng phòng thí nghiệm Khoa học phân tử và vật liệu nano của ICST.

Cuộc gặp gỡ, trò chuyện đầy thú vị với thầy Nguyễn Minh Thọ đã thổi bùng lên niềm đam mê nghiên cứu khoa học của chàng sinh viên trẻ. Một tuần sau khi bảo vệ xong khóa luận tốt nghiệp, Mai Văn Thanh Tâm quyết định nộp đơn xin vào làm việc trong phòng thí nghiệm Khoa học phân tử và vật liệu nano của ICST.

Sau 10 năm công tác tại ICST, Thanh Tâm cho rằng đây là một trong những quyết định quan trọng nhất cuộc đời mình. Chính môi trường nghiên cứu ở đây cùng với những sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban lãnh đạo Viện cùng các bậc đàn anh, đồng nghiệp đã góp phần quan trọng đưa anh tới với những thành công hiện tại.

Mai Văn Thanh Tâm cùng nhóm nghiên cứu ICST tham dự hội nghị Hóa học lý thuyết và tính toán lần 1 tại Đài Loan - Thái Lan - Việt Nam

Mai Văn Thanh Tâm cùng nhóm nghiên cứu ICST tham dự hội nghị Hóa học lý thuyết và tính toán lần 1 tại Đài Loan - Thái Lan - Việt Nam

“Năm 2017 đến nay Viện mở chương trình “vườn ươm” cho các chủ nhiệm đề tài chưa là tiến sĩ với mức hỗ trợ 150 triệu đồng/đề tài nhằm ổn định thu nhập, cũng như giúp nghiên cứu viên an tâm công tác, gắn bó lâu dài với Viện. Viện còn là nơi “ươm mầm” cho các nghiên cứu sinh trong và ngoài nước về lĩnh vực khoa học tính toán”, Tâm chia sẻ.

Thanh Tâm cho biết anh phải mất đến gần 3 năm để làm quen, học thêm kinh nghiệm từ các anh chị em trong nhóm cũng như tự học các kỹ năng nghiên cứu cần thiết. Và quá trình nghiên cứu không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. “Có lần công bố của nhóm bị các tạp chí từ chối 3 lần trước khi được đăng trên tạp chí Journal of Physical Chemistry A thuộc hội Hóa học Mỹ”, anh Tâm nhớ lại.

Tuy nhiên, nhờ có sự ủng hộ của đồng nghiệp mà Tâm đã vượt qua được nhiều khó khăn, thách thức và cùng với nhóm nghiên cứu đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ. Hiện, anh đang giữ vị trí quan trọng trong nhóm nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm Khoa học phân tử và vật liệu nano của ICST.

Nhìn lại hành trình nghiên cứu khoa học của mình, anh Tâm khẳng định điều quan trọng nhất với những nhà nghiên cứu trẻ là ngọn lửa đam mê.

Với kinh nghiệm của một người đi trước, Tâm cho biết các kiến thức trên giảng đường đại học là cần thiết và quan trọng nhưng khi lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học thì các bạn trẻ phải tự học thêm rất nhiều thứ từ sách vở, từ đồng nghiệp.

“Ở giai đoạn đầu bước vào con đường nghiên cứu, các bạn sẽ rất bỡ ngỡ, cảm thấy công việc này rất khó vì quá nhiều thứ mình chưa biết hoặc chưa hiểu. Thậm chí các bạn còn cảm thấy nản lòng, kể cả tôi cũng từng như vậy. Tuy nhiên, miễn là duy trì được nhiệt huyết, các bạn sẽ thấy nghiên cứu khoa học là một công việc tuyệt vời”, Tâm trải lòng.

Phạm Sơn


Xem thêm