“Sức sống mới” cho nông nghiệp hậu COVID-19


Công nghiệp 4.0 đang có bước khởi đầu triển vọng trong ngành sản xuất, chế tạo và nông nghiệp ở Việt Nam...

46.jpg

Đại dịch COVID-19 dù có tác động tiêu cực nhưng ở góc độ nào đó cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp có thêm động lực đổi mới sáng tạo nhanh hơn trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh và hoạt động quản trị…

Làn sóng công nghệ số sau dịch bệnh có thể sẽ mang lại tiềm năng chuyển đổi Việt Nam thành một nền kinh tế hoạt động với hiệu quả vượt trội của châu Á và mang lại mức sống cao hơn cho tất cả người dân Việt Nam trong những thập kỷ tới.

Dịch bệnh đòi hỏi gia tăng ứng dụng công nghệ số

Công nghiệp 4.0 đang có bước khởi đầu triển vọng trong ngành sản xuất, chế tạo và nông nghiệp ở Việt Nam. Ngoại trừ các hộ nông dân, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đã ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất. Nhìn chung, các doanh nghiệp cho thấy sự sẵn sàng ứng dụng công nghệ số cao nhất về cơ sở vật chất và logistics. Tuy nhiên, họ lại có ít sự chuẩn bị về tài chính, chiến lược và sản xuất thông minh.

Kết quả ước lượng 2 phương pháp REM và PSM đều cho thấy, kinh tế số có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến năng suất lao động (NSLĐ) của ngành nông nghiệp, theo đó 1% tăng lên của tỷ lệ lao động sử dụng Internet trong doanh nghiệp ngành này có thể làm NSLĐ tăng lên 0,001% (PP REM – mức thấp nhất trong các ngành sản xuất) đến 0,002% (PP PSM), phản ảnh vai trò của kinh tế số trong ngành này còn rất hạn chế.

Đại dịch COVID-19 với các biện pháp giãn cách xã hội là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp gia tăng ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất kinh doanh nhanh hơn, tích cực hơn.

Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp ứng dụng số hóa trong sản xuất và tiêu thụ chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các ứng dụng của công nghệ số không chỉ hỗ trợ cho việc lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ, phân tích thông tin môi trường, hỗ trợ phân tích, đánh giá năng suất, chất lượng và đề xuất các giải pháp tối ưu cho nhà nông…

Công nghệ số sẽ thúc đẩy tự động hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi tới khâu phân phối sản phẩm, chuyển từ hệ thống phân phối truyền thống sang buôn bán trực tuyến, kết nối người tiêu dùng với người sản xuất. Cải thiện chất lượng dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh để ra quyết định đầu tư trồng trọt, quyết định sản xuất nông nghiệp.

Thế nhưng, điểm nghẽn lớn nhất khi ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là vốn. Đầu tư thấp trong nông nghiệp là một thực tế kéo dài từ năm 2000 cho đến nay. Cả đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp đều ở mức rất thấp.

Trên 90% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số doanh nghiệp hoạt động.

Hiện nay, vốn bình quân của các doanh nghiệp nông nghiệp đạt khoảng 200 triệu đồng, bằng 1/3 mức trung bình chung của tất cả các ngành kinh tế. Trên 90% số doanh nghiệp nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng, 6% có vốn từ 10 đến 50 tỷ đồng, và chỉ có 1% có mức vốn trên 200 tỷ đồng. Do đó, nông nghiệp muốn thoát khỏi mức “xóa đói giảm nghèo”, vươn lên thành ngành định danh thương hiệu quốc gia thì cần phải tháo gỡ được nút thắt về vốn.

Kích hoạt diện mạo mới

Hiện nay, công nghệ số đã và đang đi vào sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp thông minh đã được triển khai ở nhiều khu vực, đặc biệt cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao bao gồm các loại thủy sản, hoa và trái cây như mô hình trồng rau an toàn và hoa ở Đà Lạt; mô hình 1.000 ha trồng hoa ở Mê Linh, Vĩnh Phúc; mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở TP.HCM về trồng trọt, chăn nuôi bò và gia súc, thủy sản (cá, tảo và vật liệu trong xử lý môi trường), nhân giống cây lâm nghiệp.

Mô hình trồng rau, hoa quả, chăn nuôi thủy sản ở thành phố Hà Nội; mô hình nhà lưới, vườn ươm cây giống ở Bến Tre, Nghệ An; hay như mô hình sản xuất cây giống, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Bà Rịa, Vũng Tàu...

Các ứng dụng của công nghệ số góp phần làm tăng sản lượng nông nghiệp, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao, đồng đều, tạo ra năng suất sản phẩm lớn nhất trên mỗi đơn vị tài nguyên sử dụng, từ đó làm tăng năng suất lao động nông nghiệp ở Việt Nam.

Với vị thế và bối cảnh Việt Nam sau đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và thời gian tới, sẽ còn nhiều tiềm năng cho nền kinh tế số Việt Nam – trong cả các ngành nông nghiệp. Để cơ hội chuyển hóa thành “vận hội”, các doanh nghiệp cần có chiến lược tái cấu trúc sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả dựa vào các ứng dụng công nghệ số ngay từ bây giờ.

Chính phủ phải có “phong cách” số, thích nghi với nền tảng số, xã hội số để có thể tạo dựng một hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho phát triển số, đặc biệt là các mô hình và phương thức kinh doanh kiểu mới. Bởi vậy, trước hết cần phải có một bản chiến lược khung để làm nền tảng cho các định hướng và hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số. Mục tiêu mà Việt Nam hướng tới là đồng bộ số hóa ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và phải bắt đầu từ hoạt động quản trị nhà nước.

Chính phủ cần tạo dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để các doanh nghiệp hòa nhập và nắm bắt được xu hướng và thế mạnh của kỷ nguyên công nghệ số.

minhhoa.jpg

Đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng CNTT/viễn thông (điện toán đám mây, mạng và bảo mật dữ liệu cũng như các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm cả cho hàng hóa trung gian), thanh toán điện tử và ngân hàng điện tử (tương tự như thuế điện tử, hải quan điện tử và thanh toán điện tử của chính phủ,…), sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện sự sẵn sàng đối với kỷ nguyên công nghệ số.

Để phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, quy mô lớn cần nhiều vốn, thời gian thực hiện kéo dài, thời gian thu hồi vốn lâu, vòng quay vốn chậm và có nhiều rủi ro. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp nông nghiệp hạn chế về năng lực thế chấp, hoặc chứng minh tính khả thi, thu nhập ổn định của dự án cần vay vốn. Hơn nữa, cơ cấu vốn huy động của các nhân hàng có tỷ trọng vốn trung và dài hạn thường thấp, các ngân hàng còn bị ràng buộc về tỷ lệ dùng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thường thấp; đồng thời, các ngân hàng còn bị ràng buộc về tỷ lệ dùng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, và các nguyên tắc an toàn tín dụng khác.

Do đó, chính sách khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các tổ chức khoa học và công nghệ đầu tư vào nông nghiệp là điều nên có. Song song đó là việc phát triển hệ thống giáo dục đào tạo, đẩy mạnh đào tạo nghề nông cho nông dân trong việc nâng cao năng lực tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Bốn kịch bản kinh tế số tác động đến ngành nông nghiệp giai đoạn 2020-2030

KỊCH BẢN 1: Nền kinh tế chuyển đổi số chậm, tốc độ tăng trưởng NSLĐ nông nghiệp sẽ đạt trung bình 5,96% trong giai đoạn 2020-2030, và kinh tế số đóng góp khoảng 0,21% (nghĩa là kinh tế số đóng góp khoảng 3,5% vào 100% tăng trưởng NSLĐ của ngành nông nghiệp).

KỊCH BẢN 2: Nền kinh tế đã chuyển đổi số sẽ gia tăng ứng dụng công nghệ số và phát triển ngành CNTT: trong giai đoạn 2020-2030, tốc độ tăng trưởng NSLĐ nông nghiệp sẽ đạt trung bình 6,3%, và đóng góp của kinh tế số khoảng 0,55% (chiếm khoảng 8,7%).

KỊCH BẢN 3: Nhà xuất khẩu số khi ngành CNTT Việt Nam phát triển dựa vào hoạt động thuê ngoài cho các quốc gia khác, tuy nhiên sự áp dụng các công nghệ số nội bộ ở khắp các ngành còn thấp: tốc độ tăng trưởng NSLĐ nông nghiệp sẽ đạt trung bình 5,99% trong giai đoạn 2020-2030, và đóng góp của kinh tế số khoảng 0,21% (chiếm khoảng 4%).

KỊCH BẢN 4: Nhà tiêu dùng số khi ngành công nghiệp của Việt Nam sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT từ các quốc gia khác, trong giai đoạn 2020-2030, tốc độ tăng trưởng NSLĐ nông nghiệp sẽ đạt trung bình 6,08%, và đóng góp của kinh tế số khoảng 0,33% (chiếm khoảng 5,4%).

TS. Nguyễn Thị Cẩm Vân - Thành viên nhóm nghiên cứu ấn phẩm đánh giá kinh tế việt nam thường niên 2019 của trường đại học Kinh tế Quốc dân


Xem thêm