Trong nguy có cơ: Đại dịch là cơ hội một không hai để các công ty tìm tòi và thử nghiệm những sáng tạo vô biên!
Đối mặt với chuỗi cung ứng bị đứt gãy hay nhu cầu sụp đổ và những biện pháp cách ly, các công ty buộc phải tìm ra những con đường hoàn toàn mới để có thể sống sót.
Khi núi lửa Tambora phun trào tháng 4/1815, đám mây bụi từ thảm họa núi lửa lớn nhất trong lịch sử nhân loại lớn đến nỗi đã che phủ mặt trời và khiến nhiệt độ toàn cầu giảm từ 0,4 đến 0,7 độ C, mùa màng khắp nơi bị tàn phá. Vì giá thực phẩm tăng, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và nạn đói và cả những căn bệnh về đường hô hấp, nhiễm trùng phổi. thảm họa cũng giết chết hàng nghìn con ngựa vì chủ của chúng không thể cung cấp đủ thức ăn cho chúng.
Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh u tối đó, Karl von Drais, 1 nhà phát minh người Đức, đã ấp ủ giấc mơ về 1 cỗ máy có thể thay thế sức ngựa. Ngày nay, "cỗ máy chạy" của ông chính là chiếc xe đạp.
Cũng giống như thảm họa Tambora, đại dịch Covid-19 là thiên tai bất ngờ ập đến và thế giới không có bất cứ biện pháp phòng tránh nào. Nhưng đại dịch cũng mang đến những cơ hội tuyệt vời khi thúc đẩy sự sáng tạo. Đối mặt với chuỗi cung ứng bị đứt gãy hay nhu cầu sụp đổ và những biện pháp cách ly, các công ty buộc phải tìm ra những con đường hoàn toàn mới để có thể sống sót.
Điều đầu tiên mà các doanh nghiệp phải thay đổi là chi phí. Đối với các công ty quy mô lớn, triển khai bất cứ thứ gì mới mẻ cũng đều đòi hỏi một lượng vốn lớn. Ở thời điểm hiện tại, trong khi các công ty rất cần tiền mặt để có thể đảm bảo thanh khoản khi mà doanh thu cạn kiệt, những khoản đầu tư mới sẽ là thứ cuối cùng mà hầu hết các ông chủ sẽ nghĩ đến. Nhưng một vài người đang tìm ra những cách mới để làm những điều mới mẻ mà không cần tốn quá nhiều chi phí.
CEO của 1 công ty bán lẻ thực phẩm lớn ở Mỹ cho biết nhờ lựa chọn và đóng hàng thâu đêm tại cửa hàng, hãng đã có thể tăng lượng hoàn thành đơn hàng trực tuyến thêm 50% mà không cần phải đầu tư thêm vốn. Evergrande, 1 công ty bất động sản lớn của Trung Quốc, thôi thúc nhân viên sale sử dụng mạng xã hội và công nghệ thực tế ảo để bán nhà trong thời kỳ cách ly xã hội, và kết quả là doanh thu tháng 2 đã tăng hơn gấp đôi, lên 6,4 tỷ USD. Mới đây 1 khách nước ngoài đã trả 7,4 triệu USD cho 1 căn nhà ở London sau khi chỉ tham quan qua mô hình ảo 3D. Matterpost, công ty có trụ sở tại Canada, cho biết máy ảnh 3D của hãng đang bán rất chạy.
Theo Henry Chesbrough, giáo sư trường kinh doanh Haas School của ĐH California, ngoài chuyện đắt đỏ thì các sáng tạo của doanh nghiệp thường rất hạn hẹp, do đó thường đi kèm chi phí cơ hội. Hầu hết các công ty lớn sẽ giữ kín các sáng chế của mình. Nhưng trong thời đại dịch, những "hòm châu báu" đó được mở ra và chia sẻ với các công ty khác.
Điều này đặc biệt đúng trong ngành dược phẩm, khi nhiều công ty vốn là đối thủ của nhau nhưng giờ lại bắt tay với nhau để chạy đua với thời gian hòng tìm ra vaccine và thuốc điều trị Covid-19. IBM đang dẫn đầu 1 nhóm các công ty sẽ sử dụng nguồn lực siêu máy tính để tìm kiếm liệu trình chữa bệnh. Ngày 21/4 vừa qua, Microsoft – tập đoàn từng ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận "Walled-garden" (tạm dịch là "bức tường bảo mật", đề cập đến các công nghệ hay nền tảng "đóng"), vừa tuyên bố hãng ủng hộ phong trào chia sẻ dữ liệu mở.
Trong khi đó giáo sư Karim Lakhani của trường kinh doanh Harvard chú ý đến sự thay đổi trong cách tiếp thu ý kiến đóng góp của các công ty. Thông thường các công ty lớn sẽ ưa thích lời khuyên của người trong cuộc và những công ty tư vấn cao cấp hơn so với đám đông, nhưng điều đó đang thay đổi. Công ty thiết bị viễn thông Ericsson của Thụy Điển giờ đang đầu tư nhiều hơn vào các phần mềm mã nguồn mở và tương tác mở với khách hàng nhằm đẩy nhanh quá trình áp dụng công nghệ 5G.
Điều này mang đến cơ hội trời cho cho những công ty như Tongal, 1 chợ trực tuyến cho các tác phẩm video sáng tạo mà nhiều tập đoàn đa quốc gia tìm đến. Số lượng nhà sáng tạo đăng ký mới trong tháng 3 đã tăng gấp 5 lần so với tháng 2, và số người dùng chủ động hàng tháng tăng 150%. Topcoder, nền tảng cung cấp các tài năng công nghệ, cũng chứng kiến điều tương tự.
Nhưng điều quan trọng nhất, hữu ích nhất của "cuộc cách mạng" hiện nay chính là các công ty đều phải tăng tốc. Họ được khuyên hãy vứt các dữ liệu cũ đi, thử nghiệm những thứ mới một cách thường xuyên và nhanh chóng.
Đối mặt với tình trạng các kênh phân phối hàng đầu đột ngột đóng cửa, Sysco, 1 công ty phân phối thực phẩm lớn của Mỹ, đã xây dựng 1 chuỗi cung ứng và hệ thống thanh toán hoàn toàn mới để phục vụ các cửa hàng rau củ trong chưa đầy 1 tuần. Những sáng kiến trước đây thường xuyên bị trì hoãn giờ bỗng nhiên được triển khai với tốc độ rất nhanh, thậm chí là qua đêm.
Cuộc khủng hoảng buộc các lãnh đạo doanh nghiệp phải đi nhanh hơn và thử nghiệm những ý tưởng mới đầy rủi ro trên những nhóm khách hàng lớn. Như ông chủ của 1 công ty trong danh sách Fortune 500 nhận xét mới đây, "chúng tôi đang học hỏi rất nhiều điều bằng cách triển khai mọi thứ nhanh chóng, bỏ qua hàng tháng phân tích và họp hành liên miên như trước dây".
Bất chấp bán lẻ là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất, Nike chứng kiến doanh số bán online trên toàn cầu tăng hơn 30% trong 3 tháng kết thúc vào tháng 2 vừa qua nhờ chuyển đổi số nhanh chóng và tận dụng triệt để mạng xã hội sau khi đã có kinh nghiệm ở thị trường Trung Quốc trong giai đoạn dịch mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc.
Các công ty cũng thử nghiệm những kênh phân phối mới. Với nhân công khan hiếm và khách hàng thích hàng được giao bởi 1 cỗ máy hơn là bởi con người, các dịch vụ giao hàng tự động đã được các ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba, JD.com và Meituan sử dụng. Theo Edward Tse, chuyên gia tại công ty phân tích Gao Feng, dịch vụ giao hàng tự động sẽ trở nên phổ biến trong 12-18 tháng tới, nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán trước đây. Zipline, 1 startup ở California hiện đã có dịch vụ giao mẫu máu và các mẫu xét nghiệm y tế khác bằng drone ở châu Phi, giờ đây muốn làm điều tương tự với các mẫu xét nghiệm virus corona ở Mỹ. Google cũng tăng cường sử dụng drone Wing để giao thuốc men và những đồ thiết yếu khác ở vùng nông thôn Virginia.
Theo như Gary Hamel, giáo sư trường kinh doanh London, trong những cuộc khủng hoảng nhỏ, quyền lực thường di chuyển về trung tâm, tập trung trong tay những nhà lãnh đạo cấp cao nhất. Nhưng trong đại khủng hoảng như Covid-19, quyền lực lại hướng tới vùng ngoại biên và sẽ ở đó cho đến khi đại dịch qua đi.
Tham khảo The Economist
Xem thêm