Nhà đầu tư ngoại: 'Chẳng cớ gì Việt Nam không thể vươn tầm thế giới'


Nhà sáng lập quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore chia sẻ với Zing về niềm tin vào kinh tế Việt Nam và khẳng định sẽ đầu tư nhiều vào Việt Nam trong vài năm tới.

68841-bb39b8a033cb11e8997f6f40ad320bc5.jpg

Ông Amit Anand, nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở ở Singapore Jungle Ventures, đánh giá Việt Nam có triển vọng tốt trong vòng 5-10 năm tới và có thể "thu hút công nghệ và các chuyên gia giỏi nhất để đạt đến tầm cỡ thế giới trong nhiều lĩnh vực".

Jungle Ventures là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Đông Nam Á. Quỹ đã tham gia đầu tư tại các quốc gia như Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Australia và Việt Nam.

Hồi tháng 8/2019, Jungle Ventures rót 6 triệu USD vào KiotViet của Citigo - startup chuyên cung cấp giải pháp phần mềm quản lý bán hàng POS của Việt Nam. KiotViet hiện là công ty lớn nhất tại thị trường này với hơn 70.000 cửa hàng đang hoạt động trong hệ thống.

"Thập kỷ của Đông Nam Á"

Một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang khuyến khích doanh nghiệp chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang những nước khác, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á. Theo ông, những khó khăn trong việc thay thế Trung Quốc trên chuỗi cung ứng toàn cầu là gì?

Ông Amit Anand: Công nghệ và tài năng là hai yếu tố cần có để cạnh tranh trong bất cứ ngành công nghiệp nào. Thế giới ngày nay đã dân chủ hóa công nghệ và toàn cầu hóa tài năng. Các chuyên gia giỏi sẵn sàng đến bất cứ nơi nào có nhiều cơ hội và ít cạnh tranh.

Theo tôi, chẳng có lý do gì mà Việt Nam và các nước Đông Nam Á không thể thu hút công nghệ cùng những chuyên gia giỏi nhất để đạt đến tầm cỡ thế giới trong nhiều ngành công nghiệp.

Ông nghĩ sao về triển vọng của các quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh hiện tại?

Tôi tin rằng các nước Đông Nam Á sẽ có triển vọng tốt. Khu vực này có đến 615 triệu dân với số lượng lớn người trẻ tài năng và tham vọng.

Thêm vào đó, dịch Covid-19 sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đời sống sang trực tuyến của khu vực này. Người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, doanh nghiệp cũng phải nhờ đến các phần mềm để đối phó với những thay đổi lớn.

Vì thế, chuyển đổi kỹ thuật số trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi tin rằng 10 năm tiếp theo sẽ là thập kỷ của Đông Nam Á.

Ông Amit Anand

Ông Amit Anand

Với góc nhìn của một nhà đầu tư, ông cho rằng các quốc gia khu vực, nhất là Việt Nam, cần làm gì để thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?

Như đã nói, công nghệ và tài năng là hai yếu tố chính dẫn đến thành công trong mọi lĩnh vực. Khu vực Đông Nam Á có rất nhiều tài năng nhưng thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, các quốc gia cần thu hút những chuyên gia nhiều kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới. Phần lớn thành công của Singapore đến từ việc nước này đã đưa các chuyên gia giàu kinh nghiệm về làm việc với người lao động địa phương để giúp họ học hỏi và nâng cao kỹ năng.

Môi trường thuận lợi với hoạt động kinh doanh cũng giúp các quốc gia trong khu vực thu hút FDI. Hãy nhìn vào Singapore. Họ không có 200 triệu dân hay rộng lớn như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, Singapore có nhiều chuyên gia giỏi và môi trường kinh doanh tốt. Theo tôi, các nước Đông Nam Á cần tạo ra một môi trường tốt và đảm bảo rằng những người có năng lực sẽ được giúp đỡ để phát triển tài năng.

Theo tôi, các quốc gia khu vực có thể học hỏi và hỗ trợ những công ty khởi nghiệp, từ đó khuyến khích các cá nhân thực hiện dự án mới và mở rộng tầm nhìn của họ.

Dẫn đầu khu vực

Ông nghĩ sao về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại?

Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất của khu vực. Các bạn có nhiều cơ hội tốt trong thị trường nội địa, phương pháp sản xuất với kỹ thuật ngày một nâng cao, sự hỗ trợ từ chính phủ và được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam nên hướng tầm nhìn ra bên ngoài thị trường nội địa. Tôi cho rằng họ hoàn toàn có khả năng trở thành những người dẫn đầu trong khu vực, thậm chí trên toàn cầu, ở một số lĩnh vực. Họ nắm trong tay động lực kinh doanh rất lớn. Đó là yếu tố cốt lõi đứng sau bất cứ thành công nào.

Dân số Việt Nam là 96 triệu người với 70% người dưới 35 tuổi. Các bạn có dân số trẻ nhất trong khu vực, quá trình đô thị hóa và số hóa thần tốc cùng với tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam dẫn đầu khu vực với 7%. Tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến năm 2020 vẫn duy trì dương 3-4%.

Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế đầu tiên mở cửa lại nền kinh tế nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tôi tin rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong những năm tiếp theo. Hồi năm ngoái, Jungle Ventures đã có khoản đầu tư đầu tiên vào startup Việt Nam - công ty cung cấp giải pháp phần mềm quản lý bán hàng POS KiotViet.

64a704ad58edb1b3e8fc.jpg

Sẽ đầu tư nhiều vào Việt Nam

Ngoài KiotViet, Jungle Ventures có kế hoạch đầu tư thêm vào các doanh nghiệp Việt Nam khác không?

Đương nhiên rồi, chúng tôi sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư vào Việt Nam trong vài năm tới. Các khoản đầu tư này không chỉ nhằm khai thác thị trường địa phương mà còn vì triển vọng của những công ty như KiotViet. Chúng tôi muốn đưa KiotViet vươn lên tầm cao mới tại Việt Nam và thậm chí trở thành thương hiệu POS hàng đầu ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, chúng tôi đang tìm kiếm để đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, công nghệ tài chính và thương mại điện tử tại Việt Nam.

Ông cho rằng Việt Nam có lợi thế gì khi cạnh tranh với các nước khác trong khu vực?

Việt Nam là quốc gia kiểm soát dịch Covid-19 tốt nhất trên thế giới và có thể mở cửa lại nền kinh tế sớm. Cơ hội này đến đúng vào thời điểm các bạn đang có số lượng người trẻ và người sử dụng điện thoại di động lớn.

Việt Nam đã có bước nhảy vọt ở rất nhiều lĩnh vực. Số người sử dụng điện thoại di động sẽ cao hơn số người dùng điện thoại cố định. Đi cùng với đó là quá trình chuyển đổi kỹ thuật số thần tốc trong vòng 5-10 năm nữa.

Hơn nữa, tôi đã gặp rất nhiều nhà sáng lập ở Đông Nam Á, khoảng 300 người mỗi năm. Tôi nhận thấy những nhà sáng lập đến từ Việt Nam đều có niềm đam mê và sự quyết tâm lớn. Các bạn có những nhà sáng lập rất tài năng và có thể giúp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Ngoài ra, Việt Nam nên hỗ trợ lĩnh vực công nghệ và khuyến khích xây dựng công ty khởi nghiệp bằng cách cấp vốn sớm hoặc giúp những doanh nghiệp này thuê thêm nhân tài. Những cách làm này sẽ giúp thu hút thêm FDI.

Phương Thảo

Theo Zing


Xem thêm