Trí tuệ nhân tạo chỉ là trào lưu sớm nở, tối tàn?


Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, CEO VietAI, cần có cách nhìn nhận đúng đắn về trí tuệ nhân tạo trước khi bắt đầu và phát triển các dự án về AI.

z1967279889303_f4f1d973e43f66ca24ab67f66a4c31dc.jpg

Ngày 10/7, khóa đào tạo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát triển dự án khởi nghiệp đã diễn ra tại Saigon Innovation Hub thuộc Sở KH&CN TP.HCM. Đây là khóa đào tạo được tài trợ 100% kinh phí từ Sở KH&CN TP.HCM với sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm dày dặn trong việc ứng dụng AI vào các dự án khởi nghiệp.

Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo TP.HCM 2020 (HAI 2020).

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, phát biểu khai mạc khóa đào tạo

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, phát biểu khai mạc khóa đào tạo

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cuộc thi HAI 2020 nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng AI trong các lĩnh vực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống. Cuộc thi do Sở KH&CN phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông; Đại học Quốc gia TP.HCM và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) tổ chức.

Đối tượng tham gia bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp,… và phục vụ cộng đồng xã hội.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng cũng chia sẻ thêm, trong khuôn khổ cuộc thi, Sở KH&CN TP.HCM sẽ tổ chức các khóa huấn luyện cũng như mời các chuyên gia trong lĩnh vực AI đến tập huấn và hỗ trợ cho các dự án. Các khóa huấn luyện sẽ giúp học viên có thêm nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm để phát triển dự án của mình. 

Ông Nguyễn Ngọc Tú, CEO VietAI, chia sẻ với các học viên về phương pháp hình thành và phát triển ý tưởng thành sản phẩm trong lĩnh vực AI

Ông Nguyễn Ngọc Tú, CEO VietAI, chia sẻ với các học viên về phương pháp hình thành và phát triển ý tưởng thành sản phẩm trong lĩnh vực AI

Trong sáng 7/10, các học viên đã được giảng viên Nguyễn Ngọc Tú, CEO VietAI, giới thiệu tổng quan về trí tuệ nhân tạo với những xu hướng đang nóng hiện nay như xe tự hành, nhà thông minh hay thiết bị thông minh dân dụng.

Theo ông Tú, trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện từ những năm 1927 và luôn tồn tại xung quanh chúng ta, mọi người có thể nhận thấy những công cụ hàng ngày như nồi cơm điện hay máy giặt.Ông Tú cũng cho biết, theo dự báo của Mc Kensey Global, đến năm 2030, trí tuệ nhân tạo sẽ đem lại 13.000 tỷ USD cho hoạt động kinh tế toàn cầu, đóng góp vào tăng trưởng thế giới ngang mức mà nhiều công nghệ mang tính biến đổi khác từng làm.

Chuyên gia này cũng cho rằng, khi xây dựng một startup hay một dự án về AI thì trước tiên phải xác định được thực tế AI có thể làm và không thể làm gì. Sau đó, cần xem xét các nguồn lực về nhân sự thấu đáo và nên dành thời gian thực hiện các thử nghiệm điều chỉnh cho đến khi thành công.

Học viên thảo luận, chia sẻ về dự án của mình

Học viên thảo luận, chia sẻ về dự án của mình

"Dữ liệu chính là nguồn sống của AI tuy nhiên để sử dụng hiệu quả thì đừng "ném" dữ liệu cho đội nhóm AI và tự cho rằng nó sẽ có giá trị. Những dữ liệu thô có những vấn đề cần giải quyết trước khi đưa nó cho AI từ nhãn dán hay định dạng", ông Tú nhấn mạnh.

CEO VietAI cũng đưa ra khuyến cáo, chúng ta không nên quá lạc quan về AI như trí thông minh nhân tạo siêu việt sẽ xuất hiện, robot sát thủ sẽ sớm ra đời, cũng không nên quá bi quan cho rằng trí thông minh nhân tạo không làm được gì, chỉ là trào lưu sẽ sớm bị tàn.

"Trí tuệ nhân tạo không thể làm được mọi thứ, nhưng nó có khả năng giúp thay đổi nhiều lĩnh vực, nhiều ngành công nghiệp", ông Tú nhấn mạnh.

Trong chiều 10/7, các học viên sẽ được học về những kiến thức nền tảng khi bắt đầu một startup; Tổng quan về hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Các giai đoạn phát triển của một startup; Gọi vốn và thuyết trình đầu tư; Đặc thù nguồn lực cho dự án khởi nghiệp… 

Hoàng Anh


Xem thêm