Học sinh Việt làm mũ cách ly di động sáng tạo


Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) giới thiệu mũ cách ly di động của hai bạn trẻ Đỗ Trọng Minh Đức, học sinh lớp 11 trường Montverde Academy (Mỹ) và Trần Nguyễn Khánh An, học sinh lớp 8 trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy.

1594096639-100.jpg

Sản phẩm độc đáo được giới thiệu là thiết bị mũ bảo vệ đường hô hấp, giúp cách ly y tế di động giúp người đeo vừa phòng ngừa nhiễm/lây bệnh cho người khác trong khi vẫn có thể làm việc bình thường, không phải cách ly tập trung 14 ngày như quy định.

Mũ chống dịch thương hiệu Việt

Hai bạn trẻ Đức và An cùng sáng tạo mũ cách ly chống dịch, đặt tên Vihelm với ý nghĩa Vi là Việt Nam, còn Helm là mũ. Ý tưởng ra đời từ đề tài được thầy cô giao cho: làm mũ lọc không khí có nhiều tính năng, từ đó tạo được sự tiện nghi và thoải mái nhằm tăng cường năng suất lao động cho người dùng trong bối cảnh Covid-19 còn kéo dài.

Bên cạnh đó, Đức sau khi về nước từ Mỹ cũng phải đến cơ sở cách ly trong 14 ngày, nhìn hình ảnh bác sĩ với đồ bảo hộ kèm mũ, mặt nạ rất ngột ngạt, tạo nên sự mệt mỏi khi phải làm việc liên tục mà lại tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm cao, cũng thôi thúc Đức cùng An lên ý tưởng cho sản phẩm.

Vihelm là chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp, được bơm không khí liên tục qua một màng lọc giúp ngăn chặn và không để virus đi xuyên qua mũ trong khi đội. Sản phẩm cũng được thiết kế một hệ thống quạt làm thoáng khí, không gây đọng hơi nước bên trong do đó không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người dùng.

Nhà khoa học trẻ Nguyễn Đình Nam là người hướng dẫn đề tài, đã gợi ý hai bạn trang bị thêm một số tính năng như cảm biến đo nhiệt độ, mini camera và trong phiên bản cải tiến mới nhất còn có hộp găng tay chuyên dụng cùng thiết kế mũ kèm mặt nạ.

Găng tay gắn trên mũ giúp chạm với đến các bộ phận trên mặt, giúp dụi mắt hay ăn uống mà vẫn mà không cần cởi bỏ mũ. Mũ cũng kèm theo khay đựng đồ ăn để y bác sĩ chuẩn bị sẵn những phần ăn nhẹ, nhanh chóng nạp năng lượng để có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Ngoài ra còn có bộ lọc không khí, bộ duy trì áp suất giúp cân bằng không khí trong mũ; lỗ nhỏ trên đỉnh đầu giúp người đội gãi đầu khi cần thiết; và những chi tiết nhỏ nhằm hỗ trợ người đội một cách tốt nhất, từ đó có thể mang trong nhiều giờ mà không bị bí, tắc hay khó chịu.

Tiềm năng thương mại hóa rộng mở

Ý tưởng độc đáo cùng cách triển khai đi sát với thực tế, giúp sản phẩm của Đức và An được đánh giá cao. Từ cuối tháng 6, hai bạn trẻ đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ thế giới. Thầy Nam hướng dẫn còn gợi ý thực hiện nghiên cứu số liệu quốc tế, dựng kịch bản truyền thông, lên mô hình kinh doanh, đưa sản phẩm lên Kickstarter và định hướng để thương mại hóa.

Sau khi được giới thiệu tại UNDP, sản phẩm của nhóm được nhiều công ty ở Hàn Quốc ngỏ ý muốn đầu tư để sản xuất số lượng lớn. Mới đây, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cũng đã tổ chức buổi giao lưu trao đổi với hai bạn về sản phẩm này.

Khánh An cho biết nhóm sẽ mang sản phẩm đi dự Cuộc thi sáng chế quốc tế iCAN ở Canada vào tháng 8 tới. Trong khi đó, Minh Đức chia sẻ dự án thành công nhờ một phần rất lớn bởi thầy hướng dẫn, từ ý tưởng ban đầu đã phát triển thành một sản phẩm như hiện tại, và cho biết sẽ tiếp tục cải tiến để hoàn thiện hơn.

Nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm hiện đang tìm kiếm các chuyên gia hỗ trợ về ý tưởng vật liệu cũng như đầu tư tài chính để có được chiếc mũ Vihelm ở phiên bản hoàn chỉnh nhất.

Trung Quân


Xem thêm