Nuôi dưỡng hệ sinh thái Fintech Việt Nam
Trong những năm gần đây, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với số lượng các công ty Fintech tăng gần gấp bốn lần từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 150 công ty ở thời điểm NHNN thực hiện khảo sát vào tháng 10/2019.
Các công ty Fintech tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ trọng lớn với 32 tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) đã được NHNN cấp giấy phép và đang hoạt động, lĩnh vực P2P Lending với số lượng khoảng 40 công ty, ngoài ra là các công ty cung cấp giải pháp khác như quản lý tài sản, chấm điểm tín dụng, các giải pháp xác thực khách hàng, các nền tảng ứng dụng công nghệ blockchain…
Nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam ở khía cạnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường cạnh tranh cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng, NHNN đã chủ động tiếp cận lĩnh vực này thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech vào tháng 3/2017 với mục tiêu nuôi dưỡng và hoàn thiện hệ sinh thái lành mạnh cho sự hình thành và phát triển của các công ty Fintech tại Việt Nam.
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định công nghệ sẽ là giải pháp hàng đầu đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong đó xác định hệ thống ngân hàng Việt Nam cần chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại; phát triển hạ tầng CNTT, an ninh, an toàn bảo mật; khuyến khích hợp tác trong mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa ngân hàng và tổ chức Fintech; tạo môi trường pháp lý thích hợp cho việc phát triển các tổ chức Fintech an toàn, hiệu quả…
Trong năm 2019, NHNN cũng như Ban Chỉ đạo Fintech NHNN đã triển khai và tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số chính sách quản lý nhà nước có liên quan tới lĩnh vực này. Theo đó, NHNN đã hoàn thiện Đề án về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát đối với Fintech (Regulatory Sandbox) trình Thủ tướng Chính phủ. Cơ chế quản lý thử nghiệm nhằm tạo khuôn khổ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech và ngân hàng được tham gia thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới với các biện pháp giám sát và kiểm soát rủi ro phù hợp từ các cơ quan quản lý. Dự kiến trong năm 2020, cơ chế thử nghiệm này sẽ sẵn sàng để chào đón các doanh nghiệp Fintech và ngân hàng tham gia.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, Sandbox chỉ là một trong những cách tiếp cận quản lý đối với các doanh nghiệp Fintech hoặc ngân hàng có các giải pháp, sản phẩm đổi mới sáng tạo muốn được tham gia thử nghiệm. Việc hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp lý vẫn được tiến hành song song. Như vậy, khuôn khổ pháp lý sẽ tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện một cách rõ ràng, minh bạch, hỗ trợ cho sự phát triển an toàn, lành mạnh của các công ty Fintech tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền (nghị định có hiệu lực từ ngày ban hành). Theo đó, quy định mới cho phép việc ứng dụng công nghệ hiện đại để định danh khách hàng từ xa, không cần gặp mặt trực tiếp khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch ngân hàng như mở tài khoản, phát hành thẻ… để tiến tới thực hiện xác thực và định danh khách hàng điện tử (e-KYC). Liên quan nội dung này, NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an để kết nối cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ xác thực khách hàng điện tử một cách chính xác, an toàn, giảm tình trạng gian lận đối với các dịch vụ ngân hàng.
Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) phục vụ việc chia sẻ thông tin giữa ngân hàng và Fintech cũng đang được NHNN nghiên cứu xây dựng nhằm gia tăng tiện ích cho các khách hàng cá nhân và DN. Năm 2019 vừa qua, NHNN cũng đã triển khai thành công dự án thử nghiệm dịch vụ kết nối hệ thống giữa một số ngân hàng và công ty Fintech trên nền tảng Open API để làm cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý cho vấn đề này.
Không dừng lại ở đó, để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nuôi dưỡng hệ sinh thái Fintech bền vững ở Việt Nam, NHNN cũng đã hoàn thành nghiên cứu một số lĩnh vực trọng tâm của Fintech, bao gồm: công nghệ Blockchain/sổ cái phân tán (DLT); cho vay ngang hàng (P2P Lending); giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API); Công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử (e-ID/e-KYC)… trên cơ sở kết quả nghiên cứu để có giải pháp tham mưu Thủ tướng Chính phủ trong hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo nền tảng phù hợp cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Fintech, NHNN đã ký một số thỏa thuận hợp tác (MoU) về đổi mới tài chính với một số NHTW và Cơ quan quản lý tài chính trên thế giới như Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC) Hàn Quốc, NHTW Singapore (MAS), NHTW Thái Lan (BOT) và NHTW Lào (BOL) để tăng cường trao đổi thông tin, đào tạo kỹ năng, cũng như làm cầu nối giữa các nhà đầu tư các nước với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước, đồng thời hỗ trợ mở rộng thị trường ra nước ngoài của doanh nghiệp trong nước.
Một sự kiện nổi bật trong năm 2019 không thể không nhắc tới là NHNN tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng Công nghệ tài chính – Fintech Challenge Vietnam” lần thứ hai nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho các Công ty Fintech trong nước và nước ngoài phát triển các ý tưởng, giải pháp Fintech đột phá, hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ ngân hàng cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng và phổ cập tài chính (financial inclusion) tại Việt Nam.
Đây là nỗ lực của NHNN trong việc tạo sân chơi để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các ngân hàng và các đối tác thương mại khác.
Thực tế, trải qua hai mùa tổ chức, cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo cộng đồng Fintech với 141 công ty năm 2018 tăng lên 208 công ty đến từ 28 quốc gia trong năm 2019. Sự kiện đã trở thành sân chơi hiệu quả và uy tín cho cộng đồng Fintech trong và ngoài nước.
Kết thúc cuộc thi, các công ty Fintech thắng cuộc đã nhận được nhiều quan tâm từ cộng đồng ngân hàng và ký kết được các hợp đồng hợp tác như: Công ty Weezi Digital Việt Nam (quán quân trong năm 2018) đã nhận được sự quan tâm hợp tác của rất nhiều các đối tác ngân hàng (đã ký kết hợp đồng hợp tác chính thức với VietinBank trong việc phát triển sản phẩm Kiosk bán hàng tự động và cung cấp giải pháp nhận diện khuôn mặt thông qua công nghệ sinh trắc học). Ngoài ra, giải pháp của Weezi Digital đã được triển khai trong hệ thống của Tập đoàn VinGroup tại Việt Nam và công ty cũng đang trong quá trình đàm phán hợp đồng với ABBank để cung cấp giải pháp tương tự cho ngân hàng. Hay hai công ty Việt Nam giành giải Nhất trong FCV 2019 là Công ty Trusting Social (cung cấp giải pháp chấm điểm tín dụng và e-KYC) cũng đã ký nhiều hợp đồng hợp tác với các NHTM; Công ty Kilimo Finance cũng bắt đầu có những thảo luận hợp tác với một NHTM lớn trong nước để cung ứng giải pháp Fintech cho tài trợ chuỗi cung ứng nông sản ở Việt Nam.
Liên quan đến tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các doanh nghiệp Fintech của Việt Nam, báo cáo mới nhất “Fintech in Asean: from Start-up to Scale-up” do Ngân hàng UOB, PwC và Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) công bố cho thấy, Singapore là quốc gia có tỷ lệ vốn đầu tư vào Fintech lớn nhất khu vực ASEAN (51%) và lượng vốn đầu tư vào thị trường Fintech tại Việt Nam chiếm 36%. Giá trị tuyệt đối của các thương vụ đã công bố đạt 410 triệu USD trên tổng số 800 triệu USD được đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2019.
Con số này cho thấy mặc dù lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển, song lĩnh vực này đã nhận được sự quan tâm lớn do sự năng động của các doanh nghiệp Fintech và sự hỗ trợ tích cực cho đổi mới sáng tạo của Chính phủ, giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù các nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn khi rót vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sau các thương vụ đình đám như WeWork, Uber và Lyft… nhưng hy vọng, với định hướng rất rõ ràng về thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta, với những chính sách cụ thể thúc đẩy và nuôi dưỡng hệ sinh thái Fintech lành mạnh của NHNN và các cơ quan liên quan, trong một vài năm tới, Việt Nam sẽ xuất hiện những doanh nghiệp Fintech Kỳ lân (Unicorns) có thể cạnh tranh mạnh mẽ và vươn tầm hoạt động ra nhiều thị trường ở nước ngoài.
Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech NHNN