SIHUB với 'đại công trình' liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu
Hội nhập toàn cầu không chỉ là startup Việt gọi vốn được bao nhiêu khi sang nước ngoài mà là câu chuyện liên kết cả một hệ sinh thái, tạo ra những giá trị kinh tế cho đất nước. Nếu không làm được điều đó, khởi nghiệp sẽ chỉ là phong trào.
Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub (SIHUB), thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đã thẳng thắn chia sẻ những quan điểm về vấn đề startup Việt với hội nhập toàn cầu. Đây cũng là chương trình đơn vị đang âm thầm thực hiện, trợ lực cho startup nói riêng và các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố nói chung.
Minh chứng cho điều này là chương trình Runway To The World - 2020 hướng đến kết nối toàn cầu mà Sihub triển khai từ tháng 3/2018. Mô hình của Saigon Innovation Hub đã có 40 tỉnh - thành phố, 6 quốc gia học tập, 12/17 startup gọi được vốn thành công (có startup gọi vốn hơn 1 triệu USD). Bộ Ngoại giao Israel đã chọn SIHUB là hình mẫu để giới thiệu với thế giới năm 2019, hàng chục đoàn ngoại giao, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, chuyên gia cũng đã tham gia các hoạt động mang tính liên kết tại Sihub thông qua các chương trình pitching, mentor, gọi vốn,…
Runway To The World là một chương trình quy mô với yếu tố quốc tế hóa được thể hiện rõ nét, mang đậm thương hiệu của Sihub. Sau 2 năm triển khai, với những kết quả có được, ông đánh giá thế nào về chương trình này?
Hội nhập là yêu cầu tất yếu trong bất cứ một nền kinh tế nào. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là hoạt động kinh tế. Vì thế, khởi nghiệp phải tham gia chuỗi cung ứng chung toàn cầu. Runway To The World là một chương trình nhằm mục đích định vị hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP.HCM với khu vực. Thông qua việc liên kết với các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế, chúng ta có thể tận dụng nguồn lực thế giới như chuyên gia, nhà cố vấn, nhà đầu tư,…cho câu chuyện khởi nghiệp của mình. Hợp tác quốc tế cũng là đầu ra, là thị trường cho các startup trong nước, cũng như học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp sáng tạo của nước ngoài.
Trong tầm nhìn của SIHUB, Runway To The World không chỉ là câu chuyện mang các startup trao đổi với nhau mà bản chất cuối cùng là sự giao thoa các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới. Một startup không chỉ trao đổi với startup mà là một hệ thống như nhà quản trị, nhà đầu tư tài chính, nhà khoa học… Thành công của Runway To The World là thí điểm để Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập các chương trình tương tự với quy mô cả nước.
Từ những bước đi đầu tiên, chúng tôi chỉ trao đổi với Hàn Quốc, sau đó mở rộng với Thái Lan, Singapore, Malaysia, Mỹ,… Hiện có 2, startup kỳ lân của Hồng Kông muốn tham gia vào chương trình này. Đặc biệt, họ lại tiếp cận chương trình từ Thái Lan. Điều này chứng tỏ, Runway To The World đã mở rộng uy tín, các nước khác bắt đầu tham gia vào, với tính bền vững và có thể phát triển được.
Sức sống của chương trình được quyết định bởi hai yếu tố là khả năng mở rộng và đi vào chiều sâu. Chúng tôi khởi sự mô hình này với nguồn kinh phí hạn chế, dẫn đến việc kết nối nguồn lực khó khăn.
Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai đã có 17 nhóm startup tham gia chương trình trao đổi quốc tế, trong đó có 12 nhóm gọi vốn thành công (có startup gọi được hơn 1 triệu USD). Tỉ lệ gọi vốn trên 50% là điều mà chưa có chương trình nào làm được. Tuy nhiên, đó không phải là giá trị lớn nhất của chương trình này.
Như ông nói thì startup gọi vốn thành công chưa phải là mục tiêu chính của Runway To The World. Vậy mục tiêu tối thượng của chương trình là gì, thưa ông?
Đúng vậy. Nếu chỉ coi startup gọi được vốn thì đó chỉ giải được bài toán trước mắt cho doanh nghiệp. Cái lâu dài, đó là liên kết cả một hệ sinh thái khởi nghiệp với các hệ sinh thái toàn cầu. Nhiều startup Việt Nam được sử dụng nguồn lực thế giới, thông qua chương trình ươm tạo, mentor quốc tế, thị trường quốc tế, đối tác thế giới,…
Ở góc độ nhà khoa học, bản chất cuối cùng của cuộc chơi khởi nghiệp thương mại hóa của nhà khoa học. Phần lớn người khởi nghiệp là xuất thân từ trường ĐH, từ doanh nghiệp. SIHUB đã liên kết với các tổ chức quốc tế đưa ĐH, tổ chức quản lý nhà nước ra nước ngoài học cách hình thành các mô hình ươm tạo trong ĐH, phát triển đội ngũ khởi nghiệp từ ĐH, thương mại hóa kết quả nghiên cứu,…
Trong tháng 5 này, chúng tôi sẽ ra mặt trung tâm giao dịch Việt Nam - Hàn Quốc, hoạt động như một sàn giao dịch giữa các nhà đầu tư tài chính với các startup, trưng bày hàng hóa các doanh nghiệp khởi nghiệp hai nước tại SIHUB. Đó là kết quả của hợp tác quốc tế trước đó, từ các cuộc trao đổi startup, hợp tác ươm tạo, chuyển giao công nghệ….
Các nhà đầu tư các nước tham gia, Runway To The World sẽ hình thành công cụ kết nối tài chính. Đây là bước đệm để chúng tôi, phát triển các chương trình đào tạo, huấn luyện các startup lên sàn chứng khoán (IPO) hợp tác với Thụy Sỹ, Hàn Quốc.
Hai dự án Meettech và Matching Incubator là hai dự án mà chúng tôi sẽ thực hiện tại nước ngoài trong tháng 5 tới nhằm giải quyết vấn đề của các tập đoàn, công ty lớn. SIHUB sẽ mang cả hệ sinh thái để trao đổi. Cụ thể như, doanh nghiệp Việt bế tắc giải quyết lò đốt rác, họ sẽ đặt hàng để hệ sinh thái khởi nghiệp Israel giải quyết vấn đề đó.
Hay như doanh nghiệp Việt muốn tạo thực phẩm chức năng từ cây dược liệu ở Phú Yên, họ có thể đặt đầu bài cho hệ sinh thái khởi nghiệp Hàn Quốc giải quyết. Đó mới là thị trường câu chuyện thị trường mang tính xuyên quốc gia mà SIHUB đang hướng tới, chứ nếu chúng ta trong đầu chỉ nghĩ đến câu chuyện trao đổi startup thì quá nhỏ.
Gầy dựng, phát triển một mô hình phát huy hiệu quả, mang lại giá trị cho cộng đồng không dễ dàng, nhất là khi SIHUB lại trực thuộc một đơn vị Nhà nước?
Kể từ ngày thành lập vào tháng 9/2016, chúng tôi tạo ra nhiều mô hình hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng bản thân chúng tôi cũng là một mô hình. Vì tất cả cán bộ, nhân viên của chúng tôi không phải là người làm chuyên sâu về khởi nghiệp. Chúng tôi vận hành SIHUB đi theo mô hình phù hợp với Việt Nam mà không rập khuôn theo bất cứ quốc gia nào. Thời gian đầu chúng tôi cũng bị cuốn theo các hoạt động ươm tạo, tổ chức cuộc thi mang tính phong trào.
May mắn, chúng tôi là một đơn vị của Sở Khoa học và Công nghệ, là những người có cái nhìn tổng thể về thị trường khoa học công nghệ, và đổi mới sáng tạo. Chúng tôi hiểu bản chất đầu vào đầu ra trong thị trường này. Chúng tôi đã thay đổi. Sihub không chú tâm vào ươm tạo mà liên kết quốc tế để ươm tạo doanh nghiệp. Không tổ chức cuộc thi phong trào mà chú trọng vào hoạt động đào tạo, kiến thức STEM cho hàng nghìn giáo viên, học sinh, giảng viên ĐH. Điều quan trọng nhất, chúng tôi tạo ra những giá trị bền vững, chứ không phải tức thời trong một thời điểm nào đó.
SIHUB không làm những điều tương tự như các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác mà hợp tác với họ để thúc đẩy cả hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi lên. Sở Khoa học và Công nghệ là điểm kết nối hỗ trợ. Mô hình này đã chứng minh sự đúng đắn bằng việc đã có 40 tỉnh - thành phố, 6 quốc gia học tập, 12/17 startup gọi được vốn thành công (có startup gọi vốn hơn 1 triệu USD), Bộ Ngoại giao Israel đã chọn SIHUB là hình mẫu để giới thiệu với thế giới năm 2019, hàng chục đoàn ngoại giao, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, chuyên gia tham gia các hoạt động mang tính liên kết tại Sihub thông qua các chương trình pitching, mentor, gọi vốn…
Quan trọng hơn hết là những chương trình của SIHUB có thể đóng góp về mặt chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước tạo ra môi trường tốt nhất cho startup hoạt động, làm sao để doanh nghiệp khởi nghiệp Việt không bị “chảy máu” sang Singapore, tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn để hút đối tác quốc tế tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Những chương trình hợp tác về đổi mới sáng tạo của TP.HCM với Phần Lan, Thụy Điển, chương trình về AI (trí tuệ nhân tạo) của thành phố là những minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Chính sách đúng có giá trị hơn gấp nhiều lần so với việc startup gọi được vốn.
Là một trong những đối tác quan trọng của Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Sihub đã tham gia như thế nào vào chương trình này?
Có thể nói, Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam được xem như quy hoạch tổng thể của nhà nước về thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các trung tâm khởi nghiệp ở mỗi miền sẽ là đơn vị làm kế hoạch, chính sách. Còn triển khai chương trình hành động là các đối tác.
Sihub với những hạ tầng, nguồn lực của mình sẽ phát triển các dự án ươm tạo liên kết với quốc tế, chương trình mentor, sàn giao dịch trực tuyến,…Mục tiêu sau cùng của chúng tôi với dự án này là liên kết quốc tế, tạo ra thị trường, hàng hóa và hội nhập toàn cầu.
Muốn làm được điều đó, mỗi thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, hay cụ thể hơn là startup phải có sức hấp dẫn thông qua sản phẩm, dịch vụ, ý tưởng độc đáo,…để lôi kéo đối tác nước ngoài. Chúng ta phải hiểu quốc tế đang cần gì, muốn gì để cùng nhau tạo ra hàng hóa, đóng góp vào kinh tế, xã hội cho đất nước. Đi ngoài những điều này, thì khởi nghiệp cũng chỉ là hoạt động phong trào.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Vĩnh Hàn
Xem thêm