Ý chí thép của "nữ tướng" người Việt trong công ty khởi nghiệp y khoa ở Thung lũng Silicon
Dáng người thanh mảnh, giọng nói nhỏ nhẹ… nhưng đằng sau ngoại hình đó là một cô gái đầy mạnh mẽ trong cuộc sống lẫn sự nghiệp.
Nguyễn Thanh Thy Uyên – “nữ tướng” của một công ty khởi nghiệp y khoa ở Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) – trải lòng với Tuổi Trẻ về hành trình của mình.
* Từ nhỏ Uyên từng học văn hóa và học đàn piano cùng lúc. Bạn sắp xếp thời gian như thế nào?
– Tôi có cơ duyên được lướt những phím piano cổ điển chuyên nghiệp từ năm 6 tuổi và thường bắt đầu một ngày mới bằng việc tập đàn lúc 5h30 mỗi sáng.
Từ cấp I, tôi theo đuổi hai chương trình cùng lúc. Nếu học văn hóa buổi sáng thì học đàn buổi chiều và ngược lại. Mẹ tôi là giáo viên nên từ nhỏ tôi đã được tập tính kỷ luật cao.
Ngẫm lại, những năm cấp II có lẽ là lúc tôi áp lực nhất vì vừa nỗ lực học lớp chuyên, vừa được chọn tham gia nhiều cuộc thi piano.
Dưới sự hướng dẫn của người thầy Nga nổi tiếng Igor Chystokletov, tôi may mắn đạt ít nhiều thành tích như giải Tài năng trẻ toàn quốc, học bổng toàn phần Trường Quốc gia âm nhạc…
* Qua Mỹ ở độ tuổi trung học, bạn gặp thử thách gì?
– Giai đoạn đầu sang Mỹ, tôi bị sốc văn hóa lẫn ngôn ngữ! Mặc dù được học tiếng Anh từ trước, tôi vẫn gặp nhiều bỡ ngỡ, hoang mang vì không hiểu bạn bè xung quanh nói gì.
Tôi nghĩ thử thách này rất phổ biến, nhưng luôn nhắc bản thân phải nhớ rằng mình may mắn hơn rất nhiều người, vì vậy phải cố gắng vượt qua để một ngày nào đó có điều kiện sẽ san sẻ lại kiến thức, kinh nghiệm của mình cho người khác.
Việc rất thấm thía điều đó cũng là lý do sau này tôi muốn đem tiếng Anh chuyên ngành y khoa về quê nhà vì nói những thuật ngữ trong y khoa còn khó hơn nói tiếng Anh đời thường rất nhiều. Việc phát âm sai trong y khoa sẽ vô cùng nguy hiểm.
* Đang làm trong lĩnh vực ngân hàng thì bạn lại đột ngột chuyển sang lĩnh vực y khoa?
– Có một câu chuyện vui là khi sang Mỹ tôi vẫn rất đam mê piano nhưng thời điểm đó gia đình không có đủ tiền cho tôi theo đuổi. Với đầu óc non nớt của đứa trẻ mới lớn, tôi nghĩ phải học cái gì đó để có thể kiếm thật nhiều tiền, mà ngân hàng thì chắc chắn có nhiều tiền rồi (cười).
Và tôi được cấp học bổng toàn phần để vào đại học ngành tài chính. Sau khi hoàn thành, tôi quyết định lấy tiếp bằng về tâm thần học với ước mơ có thể nối tiếp con đường mẹ đã làm, đó là chăm sóc và nâng cao điều kiện y tế cho các trẻ mồ côi.
Lúc ở Việt Nam, mẹ tôi nhiều năm duy trì một lớp dạy đọc và viết miễn phí cho trẻ em nghèo. Lớn lên song song cùng những mảnh đời bất hạnh khiến tôi có sự đồng cảm nhất định với họ, nhất là các khó khăn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.
Khi công tác tại Bệnh viện Marin General, tôi may mắn làm việc trực tiếp với một người quản lý rất có tâm lẫn tầm, dày dạn kinh nghiệm, từ đó có thêm động lực để theo đuổi ước mơ khởi nghiệp trong ngành y khoa.
* Bạn có thể chia sẻ về “đứa con tinh thần” Med2lab, một công ty khởi nghiệp đang lên ở Thung lũng Silicon?
– Tôi gia nhập Med2lab với vai trò đồng sáng lập và CEO. Med2lab được thành lập năm 2016 với mục tiêu đem công nghệ để phục vụ giảng dạy cho các bác sĩ. Thay vì phải thuê phòng và người giả để thực hiện các thao tác y tế, với Med2lab bác sĩ có thể thực hiện các thao tác trên bệnh nhân ảo, từ đó rút kinh nghiệm để nâng cao tay nghề và kiến thức.
Chúng tôi may mắn nhận được những khoản đầu tư nhất định. Sau hai năm, Med2lab đã phục vụ hơn 4.000 thành viên cho Bệnh viện nhi Boston, đồng thiết kế hệ thống giảng dạy cho 500 bác sĩ phẫu thuật của UCSF. Năm 2018, chúng tôi được Trường Y khoa Stanford góp vốn đầu tư và cộng tác chính để tiếp tục phát triển sản phẩm.
Song song đó, tôi cũng lập Vietnovo (nay đổi tên là Apollo Care) là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập ban đầu để giúp trẻ em nghèo và mồ côi tại Việt Nam.
Cùng với cộng sự của mình, chúng tôi sẽ đưa chương trình giảng dạy về Việt Nam và kết hợp với việc phát triển chương trình chăm sóc sức khỏe cho các trẻ nghèo và mồ côi.
* Nữ giới – nhất là người đã lập gia đình như Uyên – thì khởi nghiệp có những điều gì cần lưu ý?
– Tôi quan sát và nhận thấy không có nhiều nữ giới can đảm dấn thân khởi nghiệp, nhất là về công nghệ và y khoa. Nữ giới làm khởi nghiệp công nghệ vốn đã chịu nhiều định kiến, nữ giới có gia đình lại chịu nhiều áp lực hơn. Nhưng tôi nghĩ trên thế giới đã có biết bao gương mặt nữ tài năng thì tại sao mình không làm được?
May mắn là hiện có các đấng mày râu rất ủng hộ, đồng cảm cho người phụ nữ của mình theo đuổi sự nghiệp và chia sẻ chuyện gia đình. Tôi may mắn lấy được người chồng như vậy.
* Vì sao bạn quyết định trở về hợp tác, giảng dạy ở một số trường tại VN?
– Trong một chuyến đi thăm các bệnh viện ở TP.HCM với đoàn bác sĩ Mỹ vào tháng 6-2017, tôi cảm nhận được sự tận tụy của họ. Dù không phải người Việt Nam nhưng họ lại chẳng quản mưa gió, tự bỏ tiền túi ra để âm thầm làm công việc truyền đạt kiến thức ở vùng đất xa nửa vòng trái đất. Điều họ làm khiến tôi tự hỏi tại sao mình là người Việt mà lại không đóng góp được điều tương tự.
Với những kinh nghiệm đã có, tôi hi vọng sắp tới sẽ triển khai được dự án nâng cao trình độ tiếng Anh y khoa và cách quản lý hệ thống bệnh viện, nhân sự; cùng sự tiếp cận các công nghệ cao trong y khoa thành công tại Việt Nam để có thể đào tạo ra một đội ngũ bác sĩ tương lai với trình độ ngang tầm quốc tế.
Người phụ nữ đa tài
Thy Uyên từng thi đậu thủ khoa, đoạt học bổng toàn phần Trường chuyên Năng khiếu văn hóa nghệ thuật (1989), học bổng toàn phần khoa cổ điển piano hệ chính quy khối A Trường Chuyên quốc gia âm nhạc TP.HCM (1991)…
Khi qua Mỹ, Thy Uyên tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh và ngân hàng với học bổng toàn phần, sau đó lấy thêm bằng cử nhân chuyên ngành tâm thần học và nghiên cứu tại ĐH Massachusetts (bằng khen danh dự của thống đốc bang). Bạn lấy bằng thạc sĩ về quản trị bệnh viện và lãnh đạo tại ĐH California – San Francisco (UCSF).
Công Nhật (Theo Tuổi trẻ)