Trả tiền cho Facebook cũng không cứu được quyền riêng tư cho bạn

Bạn nghĩ thế nào về việc trả tiền cho Facebook để bảo mật thông tin cá nhân thay vì đang bị bán cho những bên thứ ba và nhận quảng cáo tràn lan ở Facebook của mình?

Trong phiên họp điều trần của ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg trước Quốc hội Mỹ vào ngày 10/04/2018 vì những sai phạm dẫn đến bê bối liên quan đến công ty Cambridge Analytica, hai thượng nghị sĩ, ông Orrin Hatch và Bill Nelson đã hỏi liệu Mark Zuckerberg có cho phép người dùng Facebook trả tiền cho dịch vụ, thay vì dựa vào việc thu thập dữ liệu để phục vụ cho cho mô hình kinh doanh hiện tại của Facebook.

Mark Zuckerberg trả lời “sẽ luôn có một phiên bản Facebook miễn phí.” Điều này có nghĩa, trong tương lai có thể sẽ có hai phiên bản của Facebook, một phiên bản trả tiền và một phiên bản miễn phí.

Hiện nay, có rất nhiều ý kiến đề xuất nên chuyển từ thời đại mạng xã hội được dùng miễn phí nhưng thông tin các nhân được dùng cho mục đích quảng cáo sang mô hình internet trả tiền cho dịch vụ. Nói cách khác chúng ta nên kiếm tiền từ chính thông tin cá nhân của mình.

Hãy xem hàng năm, thông tin của chúng ta đóng góp vào doanh thu hàng năm của Facebook như thế nào?

Năm 2017, Facebook kiếm được 40,1 tỷ USD và có 2,2 tỷ người dùng, như vậy mỗi người có thể phải trả 18,50 USD mỗi năm.

Trong phiên điều trần, Nghị sĩ Paul Tonko đã đề xuất một cách tiếp cận khác: "Tại sao Facebook không trả tiền cho người dùng vì dữ liệu cá nhân vô cùng quý giá của họ?"

 
Paid-for-advertising-on-Facebook.jpg

Tuy nhiên, việc kiếm tiền từ thông tin dữ liệu Facebook của mỗi người không hề đơn giản.

Kiếm tiền từ dữ liệu Facebook của bạn rất khó bởi vì không giống như tiền có giá trị ngay lập tức, dữ liệu chỉ có giá trị khi đã được thu thập trong một khoảng thời gian dài. Ví dụ: nếu Facebook gợi ý cho bạn xem quảng cáo về các loại giày thể thao, đồ nội thất hiện đại hay bất cừ món đồ nào là vì Facebook đã xác định bạn có thể mua những sản phẩm này.

Nhưng Facebook xác định điều này không dựa trên thông tin mà nó thu thập được trong hôm qua, trong tuần trước hoặc trong 1 năm, mà Facebook dựa trên việc thu thập thông tin kể từ khi bạn tạo tài khoản Facebook, nghĩa là từ rất lâu. Vì vậy, những gì có giá trị nhất đối với Facebook không phải là việc bạn truy cập vào trang web, click hay quan tâm tới thứ gì trong thời gian gần mà là cả một quá trình sử dụng internet của bạn trong nhiều năm.

Ngoài ra, Facebook hay Google cùng chung một mô hình kinh doanh, họ thu thập tất cả những thông tin từ đơn giản tới phức tạp, từ nhỏ tới lớn để tìm hiểu về sở thích, lối sống của chúng ta. Từ những mẩu thông tin rời rạc, đơn lẻ, Facebook hay Google phân tích, lắp ráp lại thành một khối thông tin hoàn chỉnh để đánh giá về thói quen và cuộc sống của bạn. Vì vậy, nếu bạn bán thông tin cá nhân, bạn sẽ bán như thế nào và bán cho ai?

Cuối cùng, giá trị thông tin của bạn đối với Facebook và giá trị của Facebook đối với bạn, không chỉ phụ thuộc vào thông tin nào được thu thập, mà còn phụ thuộc vào cách thông tin được sử dụng như thế nào. Vụ bê bối Cambridge Analytica là minh hoạ hoàn hảo về điều này.

Facebook-data-how-to-download-data-information-937354.jpg

Ngay cả khi chúng ta vượt qua tất cả những khó khăn được đề cập ở trên, để kiếm tiền từ thông tin cá nhân của mình, bạn sẽ cần phải biết chính xác nó sẽ được sử dụng như thế nào.

 

Mặc dù Facebook có thể cung cấp tuỳ chọn việc bạn sẽ trả tiền để không bị lấy thông tin, không phải nhận quảng cáo nhưng có thể thông tin của bạn vẫn được Facebook thu thập. Mark Zuckerberg cho rằng có thể sẽ có một phiên bản của Facebook không miễn phí, nhưng Mark không bao giờ ám chỉ rằng Mark có thể ngừng thu thập dữ liệu của bạn.

Việc bạn không xem quảng cáo có thể khiến bạn lướt Facebook, lướt web dễ chịu hơn, nhưng nó sẽ không giải quyết được vấn đề về quyền riêng tư của bạn ở Facebook.

Để loại bỏ các quảng cáo thông qua việc trả tiền sẽ không hiệu quả bằng việc Facebook phải đưa ra những quy định về việc thu thập và phổ biến thông tin cá nhân. Việc trả tiền để không xem quảng cáo sẽ không ngăn cản được một vụ bê bối như Cambridge Analytica tiếp theo. Vì vậy, trước tiên chúng ta hãy học cách bảo vệ thông tin cá nhân của mình trước khi nghĩ đến việc trả tiền hay không.

Dương Quán Hạ (Theo venturebeat)