Cuộc sống tại nơi ‘thượng cổ công nghệ’
Câu chuyện về một vùng quê ở nước Mỹ, vốn là nơi đặt đài thiên văn vô tuyến với những công nghệ tối tân từ thập niên 50 từ thế kỉ 20, lại là nơi bị hạn chế đến mức tối đa những thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng đến hoạt động của đài thiên văn vô tuyến.
Liệu các cư dân ở vùng quê này sẽ sinh sống như thế nào, và liệu họ có cảm thấy thiếu thốn hay không? Hãy cùng tham quan vùng quê này qua bài viết dưới đây.
Ẩn sau khu rừng ở vùng nông thôn bang Tây Virginia là một ngôi làng mà khi mới nghe nói đến chắc ai cũng cảm thấy nghịch tai - Green Bank, tên ngôi làng nằm gọn trong thung lũng Applachia này - là địa điểm mà chính phủ Hoa Kỳ đã lập Trạm Quan sát Thiên văn Vô tuyến Quốc gia vào thập niên 1950; một nơi được dùng làm trạm quan sát thiên văn thì không thể thiếu công nghệ, nhất là thiên văn vô tuyến thì cần công nghệ đặc thù hơn nữa; nhưng hầu hết mọi người cho rằng công nghệ đã ‘bỏ quên’ ngôi làng này.
Vậy đầu đuôi sự tình như thế nào? Để duy trì độ chính xác của các cỗ máy vô tuyến khổng lồ dùng để dò tìm dấu hiệu sinh vật sống ngoài trái đất, chính phủ Hoa Kỳ đã ban lệnh cấm tất cả các hoạt động vô tuyến ở Green Bank và những vùng đồi lân cận từ năm 1958.
Điều đó có nghĩa là mạng wi-fi, cột phát sóng, và các thiết bị phát năng lượng điện từ như lò vi sóng hay ti vi đều không được phép sử dụng trong khu vực Green Bank. Để đảm bảo kính thiên văn hoạt động ổn định hơn nữa, chính phủ thiết lập Vùng Cấm Sóng Vô tuyến Quốc gia rộng đến 33.670 km2, biến vùng này thành nơi cống hiến cho khoa học nhưng lại không thể khai thác những công nghệ của khoa học.
Các cư dân ở Green Bank vẫn có thể tiếp cận công nghệ ở mức hạn chế tối đa. Người dân có thể dùng mạng internet thông qua cáp nối với máy tính đặt trong những lồng Faraday - một dụng cụ bằng đồng bao quanh thiết bị điện tử nhằm chặn sóng vô tuyến thoát ra ngoài làm ảnh hưởng hoạt động của kính thiên văn vô tuyến. Trong vòng bán kính 4,8km kể từ các kính thiên văn, ngay cả lò vi sóng cũng phải được đặt trong lồng Faraday.
Các nhà khoa học phải làm việc với những chiếc máy tính bọc đồng như vậy (bất chấp việc những chiếc máy ấy chuyên dùng để nghiên cứu khoa học), và họ - cũng như mọi người dân ở Green Bank - không được phép sử dụng điện thoại, bất kể chúng ‘thông minh’ đến đâu.
Chính vì hạn chế về mặt ứng dụng công nghệ khiến cho vùng Green Bank không hấp dẫn các ngành công nghiệp, dẫn đến hệ quả là mức sống người dân ở đây không được cao. Thu nhập bình quân đầu người ở mức dưới 17.500 đôla Mỹ, thấp hơn 41% mức trung bình của quốc gia.
Trong khi đó, tỉ lệ hộ nghèo lên đến 51% so với mức 15% trên cả nước. Mọi điều cả tốt lẫn xấu của nước Mỹ đều có ở ngôi làng nhỏ thuộc bang Tây Virginia này, rằng nơi này là khởi nguồn của những thành tựu và tiến bộ khoa học đi trước thời đại và đồng thời cũng là nơi mà sự khốn khó lên đến đỉnh của đất nước.
Cư dân tại đây là những nhà thiên văn học danh tiếng thế giới, những thợ săn gấu, những vị mục sư, những người “cực kì mẫn cảm với sóng điện từ” dời đến sống ở làng với lí do họ dị ứng với tần số sóng vô tuyến.
Một đặc trưng thú vị ở Green Bank là người ta có thể mang theo điện thoại thông minh, nhưng chúng sẽ không bắt được sóng; không chỉ thế, sử dụng điện thoại di động ở Green Bank là phạm pháp và có thể khiến chủ sở hữu phải hầu tòa.
Mặc dù vậy, Green Bank cũng là nơi thu hút hàng trăm nhiếp ảnh gia đến để tác nghiệp. Hầu hết các thợ săn ảnh đến đây nhằm ghi lại hình ảnh những cỗ máy tinh vi thăm dò vũ trụ thẳm sâu.
Chúng ta hãy cũng xem cuộc sống tại nơi ‘thượng cổ về công nghệ’ qua bộ ảnh của hai nhiếp ảnh gia người Áo, Paul Kranzler và Andrew Phelps. Hai ông đã dành 2 tháng sống ở Green Bank để thực hiện bộ ảnh này.
Quốc Huy (Theo Fastcodesign)