Cái giá phải trả cho tiện ích công nghệ
Cuộc đua “trợ lý ảo” sẽ chẳng có hồi kết khi các gã khổng lồ công nghệ đang “đổ xô” vào các sản phẩm thông minh, mang những tính năng như người thật nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Tiện ích là thế, thông minh là thế nhưng cái giá phải trả cho các tiện ích công nghệ này liệu có đáng?
Những tín đồ công nghệ chắc không thể bỏ qua cú “hit” nổ ra tại sự kiện Google I/O 2018, khi Google ra mắt Duplex - một hệ thống AI tân tiến có thể nói chuyện điện thoại như một con người nhằm mục đích hẹn lịch ăn tối hay cắt tóc cho người sử dụng.
Công cụ này bắt chước giọng nói của con người tự nhiên đến mức người ở đầu dây bên kia điện thoại chẳng hề biết rằng mình đang nói chuyện với một nhân vật vô tri. Tuy nhiên, việc đưa vào sử dụng tính năng này đang dấy lên nhiều tranh cãi.
Chỉ cần tưởng tượng đơn giản khi một công cụ thông minh có thể giả giọng của người dùng là bạn và dùng chính giọng nói đó để gọi điện cho người yêu bạn hay đi vay tiền người khác thì hậu quả liệu có ai đoán trước được.
Trước đó, vào năm 2016, cái tên Google Assistant cũng nổi như cồn khi công cụ trợ lý ảo này được thiết kế nhằm thực hiện các tác vụ đời thực thông qua điện thoại.
Nếu bạn đã từng dùng Apple Siri thì Google Assistant cũng tương tự như vậy.
Có lẽ không ít người lầm tưởng rằng khi ta ra lệnh cho Siri hay Google Assistant thì các công cụ thông minh này sẽ hiểu được ta muốn gì và thực hiện theo. Thế nhưng, thực chất, chúng chỉ có nhiệm vụ ghi âm tất cả những gì chúng ta nói và gửi về nhà cung cấp là Apple và Google. Ở đó, các dữ liệu mới được phân tích và trả lại kết quả để các công cụ này thực hiện.
Như vậy, các nhà cung cấp lại chính là người thâu tóm toàn bộ hành động của người sử dụng đồng thời họ cũng truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng để ra lệnh cho các công cụ này thực hiện theo yêu cầu.
Google Home cũng không nằm ngoài danh sách “trợ lý ảo thông minh” của Google. Đây là sản phẩm loa gắn tường “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” những gì chúng ta nói.
Bằng sáng chế mới nhất được đăng tải trên New York Times cho thấy các sản phẩm loa thông minh như Google Home hay Amazon Echo đều có thể ghi nhận, phân tích và tạo dữ liệu về cuộc sống, thói quen hàng ngày của người dùng nhằm mục đích quảng cáo.
Ví dụ, nếu người dùng nói chuyện qua điện thoại với một người bạn rằng “Tôi đang cần một chiếc vali để đi chơi mùa hè này” thì ngay sau đó các mẩu quảng cáo về vali, và các gợi ý về hành trang du lịch sẽ lập tức hiện trên trình duyệt web của người dùng đó.
Chưa dừng lại ở đó, Google Home còn có thể tạo lập hồ sơ chi tiết cho từng thành viên trong gia đình người sử dụng bao gồm các thông tin về giới tính, tuổi, sở thích, tính cách, khả năng ngôn ngữ.
Thậm chí, thiết bị này còn có tính năng cảm biến và theo dõi âm thanh, giám sát được cả thói quen đến cảm xúc của người dùng, dự đoán được có bao nhiêu người đang ở nhà, gia đình có thường xuyên ngồi ăn cùng nhau hay không…
Như vậy, ất cả những thông tin riêng tư, các hoạt động, thói quen hàng ngày của chúng ta đều dễ dàng “moi được” bằng chính các thiết bị tiện ích ta đang sử dụng. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng chúng ta đang vô hình trung đánh đổi những thông tin cá nhân của mình để lấy những tiện ích công nghệ.
Bê bối lộ thông tin của 50 triệu người dùng mới đây của Facebook đã ngầm cho ta câu trả lời. Sự kiện này đã khiến cả thế giới hoang mang về việc thông tin cá nhân đang bị khai thác và sử dụng trái phép không những bởi Facebook mà còn nhiều bên thứ 3 khác nữa.
Các thông tin cá nhân này được sử dụng cho mục đích quảng cáo thì chắc ai cũng rõ, nhưng những rò rỉ nặng nề hơn như thông tin tín dụng, hồ sơ, bằng lái, số chứng minh thư mà rơi vào tay kẻ khác thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn rất nhiều lần.
Như vậy, cái giá phải trả cho các công nghệ tiện ích lại chính là các thông tin, dữ liệu cá nhân của chúng ta, kéo theo đó là những hậu quả khôn lường. Đôi khi, những tiện ích mang lại đó không bù nổi cái giá phải bỏ ra.
Pham Thu Ha