Người đầu tiên dùng trí não điều khiển cánh tay robot
Anh Johnny Matheny, người Mỹ, là người đầu tiên trên thế giới sống với cánh tay robot tiên tiến, được điều khiển bởi trí não con người.
Từ khi được lắp cánh tay robot vào tháng 12 năm ngoái đến nay, Matheny đang hằng ngày nỗ lực huấn luyện cánh tay robot của mình làm các thao tác trong cuộc sống thường ngày. Matheny dùng cánh tay giả của mình làm vườn, nấu ăn và thậm chí dạy cánh tay giả chơi một bài hát trên đàn piano.
Matheny từng bị mất cánh tay năm 2005 vì mắc ung thư hiếm gặp trong mô liên kết cánh tay. Sau khi trải qua hơn 2 năm với 5 cuộc đại phẫu thuật và 27 lần xạ trị, các bác sỹ quyết định cho anh một sự lựa chọn khác, đó là làm quen với cánh tay giả mới có tên Modul Prosthetic Limb (MPL).
Đây là sản phẩm của một nhóm nghiên cứu tại ĐH Johns Hopkins, Mỹ. Toàn bộ chi phí nghiên cứu và sản xuất đều nằm trong chương trình do Lầu Năm Góc tài trợ.
Cánh tay robot này hoàn toàn khác với những cánh tay robot thông thường bởi nó có thể điều khiển được bằng trí não. Cấu tạo của MPL thuộc dạng mô-đun với 26 khớp, trong đó 17 khớp có thể di chuyển độc lập. Cũng nhờ cấu tạo mô-đun nên cánh tay có thể dễ dàng tháo lắp và thay thế cho các vị trí như bàn tay, cẳng tay hoặc toàn bộ cánh tay.
Tuy nhiên, Matheny không được phép làm cánh tay bị ướt và không được phép lái xe khi đeo nó.
Chia sẻ về khoảng thời gian đầu thử nghiệm cánh tay, Matheny tỏ ra khá phấn khích. Anh mô tả bản thân giống như một người liên tục chuyển động cả về tâm trí lẫn cơ thể.
Mặc dù vậy, cánh tay robot với giá triệu đô này mới chỉ là một dự án nghiên cứu. Matheny sẽ sớm phải trả lại chiếc cánh tay này sau một năm.
Ông Mike McLaughlin, Kỹ sư trưởng thuộc Phòng Thí nghiệm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins tin tưởng, nghiên cứu này sẽ mở ra cơ hội phát triển cơ thể con người theo chiều hướng khỏe và linh hoạt hơn trong trong tương lai.
Về lâu dài, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể phát triển thêm nhiều cánh tay robot, đáp ứng nhu cầu về bộ phận giả cho bệnh nhân.
Vũ Phong - Báo Chính phủ