Sự biến động của nền báo chí Việt Nam trong vòng xoáy công nghệ (phần 1)

Công nghệ phát triển tạo ra những thay đổi sâu rộng trên nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội khắp thế giới. Báo chí cũng không nằm ngoài vòng xoáy mãnh liệt này, với vô số những đổi thay, thậm chí có những thời điểm sự thay đổi diễn ra ở tốc độ chóng mặt mà nhiều người khi đã đi qua ngoái lại nhìn vẫn chưa hết sững sờ.

press_01.jpg

Và tất nhiên, vòng xoáy tác động này chưa hề dừng lại…

Từ hình thức, cách thức thực hiện, quá trình nhận tin, đưa tin, xem tin, đến nội dung, văn phong, phương thức truyền tải của các tờ báo đều biến động do những tác động của công nghệ. Tuy vậy, những thay đổi lớn nhất, tiêu biểu nhất có thể kể đến như sau:

 

Hình thức báo

 
untitled-111_xhfn.jpg

Hình thức báo không có quá nhiều thay đổi từ khi nền báo chí Việt nam ra đời (1865) đến đầu những năm 2000. Thời sơ khai, báo được in khổ lớn trên nền đen trắng.

 

Đến những năm 1960, tại miền nam Việt nam đã xuất hiện báo in màu, nhưng sau đó đến tận những năm 1995 báo in màu mới phổ biến và hình thức báo được chú trọng hơn, khổ báo đa dạng hơn, chất lượng giấy in mực in rõ nét hơn nhất là ở các số báo đặc biệt.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của công nghệ thông tin tại Việt nam đầu những năm 2000 giống như một cơn lốc xoáy thay đổi hẳn làng báo trên nhiều phương diện. Rất nhanh sau sự ra đời của tờ quehuongonline - báo điện tử đầu tiên bằng tiếng Việt vào năm 1997, hàng loạt các tờ báo điện tử mới đã xuất hiện.

Hình thức báo thay đổi hoàn toàn!

 
Anh 23.png

Những con chữ ảo diệu trên màn hình cùng khả năng cho phép tìm kiếm thông tin, tin tức siêu nhanh và hình ảnh, video sống động đã nhanh chóng chiếm vị thế thượng phong của báo giấy.

 

Lượng xuất bản báo in sụt giảm ước tính khoảng 5-8% mỗi năm trong giai đoạn 2008-2012, và đây cũng là xu hướng giảm chung của toàn cầu.

Trong khi đó, báo điện tử bùng nổ cả về số lượng lẫn lượng độc giả. Thời gian đầu, báo điện tử được xây dựng cho người đọc trên máy tính, máy tính bảng. Từ những năm 2010, điện thoại smartphone lên ngôi, công nghệ lại tiếp tục ‘điều chỉnh’ hình thức trình bày của báo chí.

 
VnExpress-Template-for-Blogspot-_-Designed-by-BacSiWindows-Com.png

Đến nay hầu hết các trang báo – cũng như những trang web khác, đều có cả phiên bản máy tính và điện thoại, đồng thời linh hoạt kết nối với các trang mạng xã hội như facebook, twitter, youtube...

 

Báo giấy vẫn tồn tại, nhưng ngày càng bị ‘đè bẹp’ bởi báo điện tử và rất nhiều các kênh thông tin trực tuyến, các mạng xã hội khác.

Đối tượng tham gia

Với báo chí truyền thống trước khi internet xuất hiện, gần như chỉ tồn tại hai chủ thể chính: nhà báo, và độc giả. Nhà báo đưa tin, viết bài, độc giả đón nhận thông tin. Những phản hồi của khán giả, nếu có, phải mất nhiều thời gian gửi qua đường bưu điện và hiếm hoi mới được xuất hiện trên mặt báo.

 
images270929_anh2a.jpg

Phía sau hậu trường, số lượng các nhân viên tham gia vào quá trình để xuất bản báo khá đông đảo: đội ngũ in ấn, minh họa, vận chuyển, giao báo, bên cạnh vô số quầy báo khắp các tuyến phố.

 

Điều đó diễn ra từ thưở báo chí còn sơ khai cho đến tận những năm 2000. Nhưng internet xuất hiện đã khiến mọi thứ thay đổi.

Các tờ báo đối mặt với hàng loạt đối thủ cạnh tranh mới. Ngoài các trang báo điện tử là những đối thủ chính thức thuộc làng báo, hàng loạt các hot blogger, các trang mạng xã hội, các kênh thông tin, truyền thông trực tuyến xuất hiện rầm rộ lấy đi phần lớn số lượng độc giả của hầu hết các báo.

Đội ngũ hậu cần và những người làm các công việc liên quan để tờ báo đến tay độc giả hiển nhiên giảm dần, do sự sụt giảm của lượng báo giấy phát hành.

Hành vi của độc giả cũng chịu những sự tác động đáng kể của công nghệ. Rất nhanh chóng, độc giả chuyển thói quen đọc báo giấy sang báo mạng và các diễn đàn, các mạng xã hội do những đặc tính ưu việt không thể phủ nhận của báo mạng và các sản phẩm truyền thông qua internet.

 
untitled5.jpg

Hơn thế, nhờ công nghệ, độc giả cũng có thể bày tỏ ý kiến, thái độ, hay chỉ đơn giản là thể hiện sự quan tâm của mình đối với đủ mọi vấn đề trong bất kì thời gian nào.

 

Thậm chí, nhờ các mạng xã hội, mỗi độc giả có thể dễ dàng trở thành một nhà báo trên trang riêng của mình nếu muốn.

Độ phủ sóng của thông tin biến động

Khi công nghệ internet chưa xuất hiện ở Việt nam, các bài báo, nhất là phóng sự, thường khá dài và hiệu ứng của những bài báo tiêu điểm cũng diễn ra trong thời gian dài hơn do lượng thông tin lan truyền trong xã hội không quá lớn.

Nhưng từ khi có internet, các bài báo có xu hướng ngắn lại theo thị hiếu của độc giả. Cơn bão thông tin với vô số ‘con sóng’ tin tức chồm lên nhau khiến thời gian mỗi bài báo tạo được hiệu ứng thường ngắn hơn, nhưng độ lan tỏa lại cao gấp hàng ngàn lần so với trước đó.

 
giật-tít-2.png

Đặc biệt, những năm gần đây mạng xã hội nở rộ, có những bài báo được lan tỏa với tốc độ còn nhanh hơn tên lửa!

 

Thông tin ngập tràn mà công nghệ đem đến cũng khiến làng báo chí trở nên đa dạng hơn, phản ứng nhanh lẹ hơn với thời cuộc. Càng ngày, xu hướng đưa tin trực tiếp theo sát diễn biến sự việc càng nở rộ. Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều hơn các trang báo ‘mì ăn liền’, lá cải – mà người ta vẫn cho rằng đó là những sản phẩm tất yếu của thời công nghệ thông tin.

Cùng với hệ thống báo truyền thống, sự tham gia của báo ‘mì ăn liền’ và báo mạng khiến gần như mọi đối tượng của cuộc sống đều đi vào trang báo, hay nói cách khác, thông tin trên báo chí thực sự đã ‘đa dạng như cuộc sống’.

Nhưng những tác động của công nghệ không chỉ dừng lại ở hình thức, ở chủ thể, khách thể tham gia trong lĩnh vực báo chí, mà nó còn tác động sâu sắc đến toàn bộ qui trình làm báo, đến nội dung của mỗi tờ báo nói riêng hay toàn bộ hệ thống báo chí nói chung. Những tác động này được thể hiện cụ thể như thế nào, chúng ta có thể xem tiếp ở Phần 2.