Nhật ký innovation: Buổi tối với Dr. Home


 
MVIMG_20190817_214733.jpg

Đây là giáo sư Hùng Nguyễn – nhà nghiên cứu về lãnh đạo chánh niệm của đại học Columbia, Mỹ.

Ông dạy MBA, đào tạo nhiều lãnh đạo cao cấp, và là người sáng lập viện Mindkind – một nơi hướng dẫn các doanh nghiệp “lãnh đạo bằng sự thông thái để thành công bằng tình yêu thương”. Nhưng ông thích được gọi là Dr. Home. Tối cuối tuần, Dr. Home tổ chức một bữa cơm kỳ lạ, với những người quen nhưng đã rất lạ trong bữa cơm ấy: bữa cơm chánh niệm.

Bung đến nơi khi 10 người khác đã có mặt và đang đứng quanh cái bàn ăn nhỏ. Dr. Home mỉm cười, và bảo mọi người đi vòng quanh bàn. Mỗi người sẽ chọn trong số vài trăm tấm ảnh đang bày ra khắp nơi, một tấm nói về “sự buồn đau” và một tấm mà mình thấy là “nguồn cảm hứng”. Rồi ngồi xuống, cạnh một người mà mình chưa quen. Bữa ăn tối bắt đầu bằng việc mời mọi người nói những điều mà mình thấy biết ơn trong cuộc sống.

Bung thấy biết ơn, vì mỗi lần gặp mặt, là vô cùng nhiều nỗ lực của tất cả mọi người. Ai cũng sẽ có nhiều lý do để không đến, có nhiều lựa chọn cho buổi tối cuối tuần hơn. Nhưng mọi người chọn đến ăn cơm với nhau.

Bung cũng biết ơn vũ trụ, luôn đưa đến những người mà chắc chắn là Bung cần gặp nhất trong thời điểm hiện nay. Một cái ôm của Dr. Home, có lẽ, nhiều năng lượng và đánh tan những mệt nhoài của cuộc náo loạn báo chí Sài Gòn, những trăn trở của những startup bị nhà đầu tư trở mặt, và cả của những tâm tư của những người lo lắng về biển Đông…

Sau mỗi chia sẻ, mọi người sẽ cùng mời nhau thở một hơi thở, thật dài, thật sâu và thật ý thức về việc mình đang sống, đang tận hưởng tinh tuý của đất trời, món quà quý giá nhất mà chúng ta được thừa hưởng của mẹ thiên nhiên.

Bữa cơm, có siêu nhân khởi nghiệp của hệ thống Yola Tú Ngô, có chuyên gia tư vấn cấp cao của McKinsey, có hiệu trưởng trường đào tạo ngoại ngữ, có nhà đầu tư thiên thần, có cả một tiến sĩ người Nhật vừa về xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo của đại học Fulbright Việt Nam. Nhưng không có ai nói chuyện công việc. Ai cũng sẻ chia những bận tâm rất con-người-xã-hội của mình.

Dr. Home kể câu chuyện, về một người bạn của mình, chọn đối diện với các nỗi đau của bản thân, và của xã hội. Và điều này, tác động rất lớn đến ông. Chẳng hạn, trước đây, khi thấy một người vô gia cư xin ăn ngoài đường phố, ông sẽ cố bước thật nhanh và không nhìn lại. Nhưng ông biết, có một nỗi đau xã hội ở đó. Và bây giờ, ông chọn sẽ dừng lại, nhìn thẳng vào mắt người vô gia cư đó, để nói rằng, “tôi đang nhìn thấy anh, thấy sự có mặt của anh”. Có khi ông gửi chút tiền, có khi trò chuyện dăm ba câu, có khi lướt qua nhau rất nhanh. Nhưng, khi mà chúng ta không thể giải quyết hết mọi bất công xã hội, mọi nỗi đau của cuộc đời, thì chúng ta có thể chọn đối diện và góp tay xoa dịu nỗi đau mà mình vô tình gặp phải trên đường mình đi qua…

Bung nhớ cái cảm giác nghe bài nói chuyện trên TEDx của thầy Hùng, một bài ngắn có 17 phút, mà đẩy người nghe đi từ đỉnh cao đến vực sâu của cảm xúc. Thầy cầm một nắm tiền, vứt lên trời cho nó lả tả bay xuống. Đã hai lần trong đời, người được nhiều doanh nghiệp lớn nhất thế giới săn đón này, chứng kiến cảnh tiền hoá thành tờ giấy vụn…

Thầy bảo, chúng ta đang sống trong một thế giới VUCA, viết tắt tiếng Anh là Volatility - biến động, Uncertainty - bất ổn, Complexity - phức tạp và Ambiguity - mơ hồ. Nên sự mệt mỏi, là đến từ bên trong, từ những náo loạn của tâm. Nên cần được giải độc từ khía cạnh này.

Thầy lại hỏi Bung hai câu: “Nếu bỏ qua hết tiền tài, danh vọng, thì Bung sẽ muốn làm cái gì nhất?” – “Và Bung sẽ sống vì điều gì và chết vì điều gì?”.

Cả hai câu này, Bung xin giữ phần trả lời lại, không kể ở đây, nhưng các bạn có thể thử trả lời.

Sáng nay, Bung sẽ nhìn vào mắt của mấy ông chú vô gia cư sáng sớm đã ngồi uống rượu ở ngã tư Lý Chính Thắng – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cho mấy ổng biết rằng, Bung có quan tâm tới họ, như những người vô tình xuất hiện trên cuộc đời Bung. Bung sẽ không làm lơ như họ không tồn tại và cố bước thật nhanh qua nữa.

Bây giờ Bung đi đăng ký lớp nhảy múa đây.

Bung Trần

Xem thêm