Ý tưởng giúp sinh viên học nhạc với giá rẻ giành giải Nhất CiC


Nhóm sinh viên đã tận dụng thời gian nhàn rỗi của các quán cà phê Acoustic vào ban ngày để giúp sinh viên có thể học nhạc, chơi nhạc, thảo luận về âm nhạc với chi phí thấp nhất.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất nhận phần thưởng từ đại diện Ban tổ chức. Nhóm đoạt giải Nhất được nhận phần thưởng 50 triệu đồng tiền mặt, 1 tỉ đồng đầu tư, gói ươm tạo 1 năm trị giá 100 triệu đồng.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất nhận phần thưởng từ đại diện Ban tổ chức. Nhóm đoạt giải Nhất được nhận phần thưởng 50 triệu đồng tiền mặt, 1 tỉ đồng đầu tư, gói ươm tạo 1 năm trị giá 100 triệu đồng.

Dự án này đã xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiêp (CiC) năm 2019, do Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với nhiều đối tác tổ chức sáng 14/09.

Dự án này có tên gọi Muzzy với mục tiêu giúp các bạn sinh viên yêu âm nhạc có thêm một lựa chọn với giá cả hợp lý khi học nhạc, chơi nhạc, thảo luận về âm nhạc với chi phí thấp nhất.

Trần Ngọc Thảo Vy, sinh viên năm 3, ĐH Kinh tế TP.HCM vốn là một người đam mê piano. Tuy nhiên, cô bạn này hiểu rằng để bỏ ra một khoản tiền mua đàn piano và tham gia các khóa đào tạo bài bản về âm nhạc quả thật là một rào cản với nhiều sinh viên. Nhiều sinh viên đành gác lại sở thích của mình vì không có đủ điều kiện tài chính.

Từ thực tế này, Vy và các đồng sự trong nhóm đã khảo sát khoảng hơn 6 phòng trà, quán cà phê Acoustic tại Quận 10 TP.HCM và nhận thấy, phòng trà rất đông khách vào ban đêm nhưng ban ngày lại rất vắng vẻ. Điều đó khiến các bạn sinh viên nghĩ đến việc tạo lập một website như một diễn đàn kết nối các phòng trà và các bạn sinh viên có nhu cầu học nhạc.

“Tiếp xúc với các chủ phòng trà, mình nhận thấy đa số họ vẫn có nhu cầu kiếm thêm thu nhập vào ban ngày. Bởi họ đã bỏ một chi phí không nhỏ để trả tiền thuê mặt bằng cũng như duy trì các chi phí hoạt động khác. Họ cũng sẵn lòng chia sẻ các kiến thức về âm nhạc”- Vy nói.

Chính lý do đó đã khiến nhóm bắt đầu phát triển nền tảng website nhằm kết nối sinh viên và các chủ phòng trà. Hiện nay, các thành viên nhóm đang phát triển website và ứng dung di động (app) để có thể sớm cho ra mắt trong thời gian tới.

Theo Lê Văn Nhất, thành viên nhóm cho biết, theo một khảo sát tại TP.HCM có khoảng 1000 trung tâm âm nhạc, 300 phòng trà Acoustic nhàn rỗi vào ban ngày. Đây là một thị trường lớn để có thể phát triển thành một dự án khởi nghiệp.

“Vì thế, nhóm chỉ thu một mức phí rất nhỏ của sinh viên và chủ các phòng trà khi họ tham gia dự án này. Đây là nền móng để nhóm phát triển dự án ở quy mô lớn hơn, cho nhiều đối tượng hơn”- Nhất nói.

Ông Phạm Nam Phong, Đại diện Ban giám khảo cuộc thi cho biết, đây là một ý tưởng rất thú vị và thiết thực của nhóm, vì đã tạo ra một hoạt động bổ ích, lành mạnh cho sinh viên. Tuy nhiên, ông Phong cũng nhắn nhủ nhóm dự án có thể phát triển cho đối tượng khác ngoài sinh viên để có thể đa dạng hóa khách hàng cũng như tăng nguồn thu.

“Hoạt động âm nhạc tại các phòng trà cần phong phú và có sức lôi cuốn hơn nữa để dự án có thể thu hút nhiều bạn trẻ đến với âm nhạc hơn”- ông Phong nhắn nhủ.

Ngoài dự án đoạt giải Nhất, tại vòng chung kết CiC 2019, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 3 giải khuyến khích cho các dự án xuất sắc khác.

CiC (Creative idea Contest) là sân chơi thường niên do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức dành cho các sinh viên cả nước. Cuộc thi đã thu hút 200 dự án của 500 thí sinh từ 84 trường ĐH cả nước. Các nhóm dự thi phải trải qua 4 vòng thi để chọn ra 10 dự án vào vòng chung kết.

Hà An


Xem thêm

 
Bài viếtdmsttin tức