Nhật ký innovation: Đến Trái đất để làm gì?


Mỗi lần ngồi nghe các bạn khởi nghiệp thuyết trình, Bung thường rớt vô một trong hai tâm trạng: hoặc rất hào hứng vì thấy các bạn giỏi quá, đam mê quá, muốn giải cứu thế giới quá; hoặc vô cùng chán nản khi thấy các bạn thực là… thiếu thực tế và chẳng có vũ khi gì trong tay mà cứ đòi xông pha giang hồ, có bạn còn lên trình bày những dự án mà có lẽ chẳng mang lại ích lợi gì mấy cho cuộc đời này.

Và những lúc đó, với nhóm thứ hai, cứ muốn nói mấy câu thật nặng, theo kiểu đạp phát cho tỉnh lại. Xong lại nhớ ngày xưa thầy mình dạy: “chỉ - không được chửi”. Nên lại lụi cụi hướng dẫn mấy bạn vài thứ cơ bản nhất để chuẩn bị lại cuộc đời, bắt đầu với câu hỏi: vì sao bạn đến trái đất này. Và luôn nhắc rằng: Khởi nghiệp không bao giờ là con đường duy nhất, và thậm chí, đó còn là con đường chán nhất trong những lựa chọn nghề nghiệp và dấu ấn của mình với đời…

Tuần rồi, ông Trần Đức Cảnh, nguyên là cố vấn tuyển sinh của đại học Harvard và thành viên hội đồng tư vấn giáo dục quốc gia, trong lúc dọn dẹp, tìm ra được bài văn của câu con trai mấy mươi năm trước, một bài văn được chấm 97/100 điểm kèm lời khen của cô giáo. Thấy vui, và nghĩ cũng sẽ có ích cho ai đó, ông cẩn thận ngồi dịch và gõ lại. Kèm theo đó là một thắc mắc lớn: “Tôi thắc mắc là nếu loại bài này ở trường Việt Nam thì cô thầy giáo đọc và nghĩ sao nhỉ?”:

“CÁO PHÓ

Dr. Duy Tran (Trần Đ. Duy) từ trần lúc 2:04pm ngày 10/5/2012 trong lúc cứu một chiếc Boeing 747 chở đầy trẻ mồ côi tông vào một bệnh viện nhi đồng, vì bị cơn lốc, trận động đất và đại hồng thủy xảy ra. Dr. Tran đã cứu mọi người, nhưng chết vì nhảy ra trước đở đạn cho tổng thống Mỹ.

Dr. Tran đã đắc cử tổng thống Mỹ năm 2010, 9 năm trước độ tuổi cho phép, nhưng xin từ chức sau 2 tháng để theo đuổi sự nghiệp bác sĩ giải phẩu thần kinh.

Dr. Tran làm nghề luật sư 2 năm, nhưng phải nghỉ vì công việc này ảnh hưởng đến lịch bay tại Trung tâm NASA.

Dr. Tran cũng là Nhà văn tư do, viết văn khi có thời gian, và đạt nhiều thành tích trong thời gian ngắn ngủi.

Dr. Tran lên mặt trăng 3 lần, dù tâm lý rất sợ độ cao. Thời gian trên mặt trăng, ông tìm ra cách chữa trị 6 loại bệnh. Ông nhận được giải thưởng Super Duper Nobel (hình họa).

Ông sửa một lỗ hổng trên bầu Ozon, thay thế bằng vật liệu nhân tạo.

Dr. Tran xử lý ô nhiễm đại dương, và biến rác thải thành xăng đốt rẻ và hiệu quả”.

Cô giáo khen: “Cuộc đời xuất chúng!”. Và đó như lời khuyến khích cho đứa trẻ này sống đầy đủ với những giấc mơ “giải cứu thế giới”, cho trí tưởng tượng bay cao, bay xa và, nói như Leo Burnett – người sáng lập hãng quảng cáo hàng đầu thế giới mang tên mình: “Nếu bạn mơ tới những vì sao, có khi chẳng đạt đến đâu, nhưng kiểu gì cũng không té xuống bùn đen”. Và thực tế, chàng trai trẻ “Dr.Tran” năm xưa, giờ sống một cuộc sống thú vị đầy màu sắc, chỉ vì đơn giản: cậu đã được khai mở hết tiềm năng của bản thân mình, bắt đầu bằng những giấc mơ.

Lại nhớ câu chuyện về cậu con trai của… Bung. Phong thích ngồi một mình ngoài biển, nhìn hoàng hôn rồi tự vấn nhiều thứ. Hồi lâu lắm rồi, nó đã viết như vầy:

“Mình đứng dưới trần nhà đầy hương của một ngôi chùa thiêng lắm, đực mặt ra. Đầu trống rỗng. "Mình muốn cái gì?". "Mình ước cái gì?". Không biết. Không hề biết. Mình cảm thấy thiệt là bèo bọt khi viết những điều chung chung như kiểu ước có tiền, sức khỏe,... Haiz.

Trên thế giới có 2 loại người, 1 là người biết được lý do mình xuống Trái Đất làm gì, 2 là những người vẫn còn đang tìm câu trả lời, thậm chí còn thắc mắc liệu họ có thuộc về Trái Đất không. Người ta hay đánh giá thành công dựa trên tiền tài, danh vọng,... Đối với mình, chỉ cần biết mình muốn làm gì, tưởng tượng ra được 5 năm sau mình đang làm gì thì đã gọi là thành công vãi ra rồi. 

Loanh quanh tìm câu trả lời. Không biết 5 năm sau, mình đang làm gì, mình ngồi nói về cái gì. Về marketing? Về design? Về tâm lý? Hay khởi nghiệp? Không biết. Nhưng mình sẽ tìm, tìm cho đến khi trả lời được thì thôi! 
Cái gì tìm hoài rồi sẽ ra hoy”.

Phong.jpg

Nó tìm chưa ra, nên đi làm thủ lĩnh của phong trào Fuck Up Nights Việt Nam – một cuộc đóng cửa tắt đèn nói những chuyện thách thức và thất bại trong cuộc sống để mà học hỏi và trưởng thành từ những va vấp này.

Thiệt ra, mọi thứ của thời đại bây giờ trôi đi nhanh quá, thay đổi nhanh quá, công việc, cuộc sống, công nghệ và gần như cái gì cũng nhanh hết. Nhưng có một thứ luôn luôn nhanh hơn: tốc độ của trí tưởng tượng. Trước khi biết mình đến trái đất để làm gì, hãy giải phóng trí tưởng tượng của mình đi, hãy cho mình nghĩ về một phiên bản điên nhất và hoang đường nhất của mình đi: làm tổng thống Mỹ thì có gì mà không được? làm siêu nhân thì có gì khó? Làm nhà sáng tạo đoạt giải Nobel hay làm siêu sao Hollywood cũng tốt. Bung lại càng mong các bạn có thể trở thành Elon Musk hay Bill Gates nữa.

Khởi nghiệp cũng vậy, cần một sự tưởng tượng cỡ này thì mới đi xa được, 

Xong tưởng tượng rồi, quay lại thực tế đi, và xây con đường để trở thành những phiên bản hoàn hảo này của mình, bắt đầu từ “bottom up” – những gì mình đang có, kết hợp với “top down” – những gì mà hình mẫu mong muốn đạt tới cần có. Xong cắm mặt mà cày thôi.

Bung Trần

Xem thêm