Thành phố thông minh và nỗi lo về an ninh mạng
Bảo mật vẫn là vấn đề “đau đầu” trong thời đại công nghệ. Chúng ta hẳn không quên những vụ thất thoát thông tin người dùng của Equifax hay Yahoo, gây thiệt hại hàng tỉ USD.
Thế nhưng đó sẽ là vấn đề mà các thành phố cần phải quyết liệt hành động nếu muốn xây dựng một thành phố thông minh. Càng nhiều cơ sở hạ tầng được kết nối, càng nhiều dữ liệu được chia sẻ, rủi ro an ninh mạng càng tăng cao và thiệt hại tiềm ẩn càng chồng chất. Từ giao thông công cộng đến hệ thống lọc nước đều dựa vào tính toàn vẹn của các kết nối không gian mạng đô thị.
Mối đe doạ rõ ràng nhất nằm trong mối quan hệ giữa xe tự lái và cơ sở hạ tầng giao thông thành phố. Điều gì sẽ xảy ra nếu các liên lạc như vậy bị gián đoạn hoặc nguy hiểm hơn, bị làm sai lệch? Ô tô và xe buýt có thể đâm nhau ở tốc độ cao, hoặc được điều khiển từ xa để tăng tốc trên vỉa hè và lao thẳng vào các công trình.
Một số công ty bảo mật đã chứng minh các mối nguy này bằng cách truy cập trái phép vào hệ thống, bật đèn pha từ xa, gạt cần chắn gió và thậm chí phanh xe trong khi xe đang chạy. Hãy tưởng tượng hàng trăm chiếc xe đều bị điều khiển từ xa như vậy.
Những kịch bản như thế là ác mộng của các kĩ sư. Thành thử, các nhà sản xuất ô tô cũng đều đã xây dựng các trung tâm hoạt động an ninh của riêng họ. Về mặt tổng quan, các trung tâm này theo dõi những kết nối bất chính và dự đoán khả năng bị truy cập trái phép trước khi nó xảy ra.
Nhưng ngoài những chiếc xe tự lái, thành phố thông minh cần một cách tiếp cận rộng hơn.
Vì lẽ đó, vào tháng trước, BlackBerry đã tuyên bố họ sẽ cung cấp một hệ thống quản lý thông tin bảo mật miễn phí cho các thành phố và nhà sản xuất ô tô làm việc trong các dự án thành phố thông minh. Ý tưởng của họ là sử dụng hệ thống mã hoá để xác thực các hướng dẫn và thông tin được truyền giữa các hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn, nếu phía trước là đèn đỏ, hệ thống sẽ gửi một tin được mã hoá và đảm bảo an toàn đến xe tự hành để nó dừng lại kịp lúc. Ngược lại, xe cứu thương có thể gửi liên lạc để bật đèn xanh và gửi cảnh báo cho các phương tiện khác trên đường.
Jim Alfred, người đứng đầu nhóm sản phẩm, chia sẻ rằng những liên lạc đó sẽ được tạo ra một cách nhanh chóng để không thể bị giả mạo. Hơn nữa, cách tiếp cận dựa trên đám mây sẽ đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của hệ thống, bao gồm các cảnh báo về tai nạn hoặc thay đổi đột ngột trong điều kiện đường xá phía trước.
BlackBerry cũng nói rằng các liên lạc giữa phương tiện và cơ sở hạ tầng sẽ được ẩn danh để duy trì quyền riêng tư. Các thử nghiệm ban đầu đã diễn ra vào đầu năm nay cùng với sự phối hợp của chương trình phát triển Invest Ottawa tại Canada.
Nhu cầu về một hệ thống liên lạc an toàn như vậy đã được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ lưu ý, nhưng chưa có tiêu chuẩn nào được đề xuất. Điều đó có nghĩa là chính quyền thành phố phải tự mình đảm bảo độ tin cậy và an toàn của các hệ thống đó.
Khi các dịch vụ mới như vậy xuất hiện, nó sẽ mở ra các hướng tấn công mới. Mozilla gần đây đã ghi nhận sự lỏng lẻo trong an ninh đối với các máy bay không người lái - vốn là một phương tiện mà các thành phố đang xem xét ứng dụng trong lĩnh vực pháp luật và y tế. Các công ty không thể tự mình xử lý được hết các bài toán bảo mật như vậy, do đó doanh nghiệp và chính phủ cần phải chung tay giải quyết.
Tại thành phố New York, một Trung tâm mạng toàn cầu mới đang được thành lập với mục đích như vậy dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn phát triển kinh tế thành phố New York. Mùa thu năm ngoái, thành phố đã chọn công ty Israel, SOSA, để thành lập và quản lý trung tâm, nơi sẽ tập hợp các nhà đầu tư mạo hiểm, các công ty khởi nghiệp an ninh và các công ty trong nhóm Fortune 500 để tìm kiếm giải pháp.
SOSA có ý định biến trung tâm trở thành bệ phóng cho các sáng kiến bảo mật mới, hướng đến nhóm khách hàng doanh nghiệp và cơ quan hành chính. Nhưng nó cũng sẽ tiêu tốn một khoản tiền đáng kể: 30 triệu USD huy động từ ngân sách thành phố và 70 triệu USD từ nguồn vốn tư nhân.
Rõ ràng, không phải mọi đô thị đều có thể thu hút các khoản đầu tư đáng kể như vậy. Do đó, nhu cầu về một tiêu chuẩn bảo mật đang nhanh chóng trở thành một trong những vấn đề cấp bách hơn đối với các thành phố mong muốn tích hợp các hệ thống thông minh. Đó sẽ là một xu hướng rất đáng để theo dõi trong tương lai.
Hiệp (Theo DigitalTrend)