Đưa doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào sàn chứng khoán


Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí việc có điều khoản riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

ndm0775jyfm-1564503882096733291878-crop-15645038863671754626314.jpg

Trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần này, ban soạn thảo đã đưa thêm 1 điều khoản dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo - một loại hình doanh nghiệp thời thượng trong Mục về chào bán chứng khoán riêng lẻ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh chủ đề này.

Tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức, diễn ra vào tuần trước, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí việc có điều khoản riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhưng cần có các quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không quy định doanh nghiệp này được huy động vốn qua thị trường chứng khoán để đảm bảo công bằng với các hàng hoá khác và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Rồi có ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi, quy mô của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo quy định tại luật này, để tránh trùng với quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

"Không đưa rác vào sàn chứng khoán"

Là một trong những người đầu tiên tiếp cận với Quốc gia khởi nghiệp do được đi công tác Phần Lan, Israel, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ: đoàn công tác đã mang về rất nhiều tài liệu và sau đó đề nghị biến thành đại phong trào khởi nghiệp. 

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng lưu ý: đừng quá hy vọng vào nó vì để gắn được với một phong trào khởi nghiệp tầm cỡ như các quốc gia đó (Phần Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Israel...) phải có một nền tảng khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, văn hóa và trí tuệ tầm cỡ.

"Trong khi kiểm chứng lại, chúng ta chưa có được điều này. Với nền tảng như hiện nay thì chúng ta cũng phải đi vào khởi nghiệp nhưng phải từ từ, thận trọng và phải chắt lọc chứ không thể hô hào xông lên rồi cuối cùng đổ một đống rác vào sàn chứng khoán là rất rủi ro", ông Nghĩa khuyến cáo.

Kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, Chính phủ luôn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và luôn chiếm khoảng 70% vốn trong doanh nghiệp. Mặc dù rất khuyến khích khởi nghiệp nhưng khi muốn rút vốn khỏi các doanh nghiệp này, Chính phủ phải thực hiện các thủ tục để niêm yết doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán và phải tuân thủ đúng chuẩn mực của sàn giao dịch chứng khoán chứ không phải muốn là cứ đưa bừa lên sàn.

Đồng tình với ông Nghĩa, bà Vũ Thị Kim Liên, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến nghị: "chúng ta không nên đưa ra những điều kiện phát hành riêng với loại doanh nghiệp này vì "cực kỳ rủi ro", nhưng chúng ta cũng nên tạo điều kiện để loại hình doanh nghiệp này được giao dịch trên thị trường thứ cấp". 

Bà Liên cũng thông tin thêm: "Vừa rồi Trung Quốc mới thành lập sàn theo mô hình Nasdaq dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và công nghệ. Vì các nước cũng thế thôi, chỉ có các quỹ mạo hiểm hoặc các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn mới đầu tư vào loại doanh nghiệp này chứ công chúng chưa biết gì về loại doanh nghiệp này để đầu tư, trong khi rất rủi ro", bà Liên khuyến cáo. 

Ông Bùi Thanh Tùng, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho rằng, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp này là rất tốt, nhất là trong lúc chúng ta đang thúc đẩy quá trình khởi nghiệp sáng tạo hiện nay, tuy nhiên chúng ta chưa nên để doanh nghiệp khởi nghiệp phát hành chứng khoán ra công chúng, chỉ nên để họ tham gia ở thị trường thứ cấp.

"Trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp chúng tôi thấy Hải Phòng có cả sàn hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tôi là cố vấn khi làm tư vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp mới nhận ra là doanh nghiệp của chúng ta không giống doanh nghiệp nước ngoài", ông Tùng cho biết. 

Theo nhận xét của vị đại biểu Quốc hội này, các giám đốc doanh nghiệp rất yếu về kiến thức pháp luật, thiếu các yếu tố văn hóa doanh nghiệp, kiến thức xã hội gần như bằng không. Các vị giám đốc doanh nghiệp này nhiều khi chỉ nghĩ rằng chỉ cần có một chút kinh phí và một chút kinh nghiệm là có thể làm doanh nghiệp. 

"Nếu cứ duyệt khởi nghiệp thế này thì không phải là đến 95% không thành công mà có khi lên đến 99% không thành công vì họ ko nắm được quy luật thị trường, hành lang pháp lý hay các vấn đề liên quan đến văn hóa doanh nghiệp. Như vậy nếu đưa vào thị trường rất nhiều rủi ro thì cũng nên hết sức quan tâm", ông Tùng cho biết.

Hỗ trợ tiếp cận vốn từ giai đoạn ý tưởng

Là cơ quan chủ trì Luật Chứng khoán, quan điểm của Bộ Tài chính là tạo điều kiện cho huy động vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ tiếp cận vốn từ giai đoạn ý tưởng. Việc tạo điều kiện chuyển dịch, giao dịch vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhưng vẫn bảo đảm yếu tố bình đẳng giữa các doanh nghiệp, để phản ánh xu thế mới của quốc tế cũng như của Việt Nam. 

Bộ Tài chính đề nghị giữ như quy định tại dự thảo Luật để có cơ sở pháp lý cho hoạt động chào bán chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cho chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. 

Do đây là vấn đề quá mới, phức tạp nên rất khó quy định chi tiết trong Luật các nguyên tắc, điều kiện và tổ chức vận hành thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Việc này nên giao Chính phủ quy định trên cơ sở đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đảm bảo tính linh hoạt để có thể triển khai thí điểm, tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi đưa vào Luật.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng thừa nhận: để các doanh nghiệp khởi nghiệp lên sàn khi "chưa có gì" mà huy động vốn ra công chúng là rất rủi ro. Vì khi mới thành lập, chỉ có những quỹ Thiên thần hoặc nhà nước hoặc một số doanh nghiệp thấy ý tưởng tốt thì mới tài trợ để doanh nghiệp phát triển ý tưởng. 

Chia sẻ kinh nghiệm thế giới đối với quản lý loại hình này, ông Bằng cho hay: "Sau khi hoạt động và nhìn thấy hiệu quả thì giai đoạn 2 mới đến các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia. Đến giai đoạn 3, nếu doanh nghiệp phát triển tốt mới được phát hành ra công chúng. Nguyên tắc của nước ngoài là như thế để đảm bảo an toàn".

Trên thực tế, hiện nay phong trào khởi nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ có nhu cầu vốn rất lớn với nhiều ý tưởng rất độc đáo nên các nước có mở ra thị trường thứ cấp để các doanh nghiệp giao dịch. 

"Chúng ta có quy định này là để giúp cho các Sở giao dịch chứng khoán mở ra khu vực giao dịch khởi nghiệp. Giao dịch chứ không phải phát hành ra đại chúng vì phát hành ra công chúng, doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu rất chặt chẽ", ông Bằng nhấn mạnh.

Theo Hoàng Xuân - VnEconomy

Bài gốc

Xem thêm