Nhật ký innovation: Chả có gì ngoài điều kiện


 
News-10-8-3.jpg
 

OK, chàng trai 17 tuổi, mới vừa từ nước ngoài về, thuê hẳn một công ty làm thương hiệu hạng nhất nhì làm hình ảnh, ký kết hợp tác toàn diện với VietJet và Grab để “phá vỡ giới hạn” giao hàng hỏa tốc TP.HCM – Hà Nội.

Ngầu héng. À không, vì anh chàng vô tình là… con trai của nữ tỷ phú đô la kiêm chủ hãng bay này… 

Tại lễ công bố hợp tác, bà Thảo nói đây sẽ là bước đi mới nhất trên con đường trở thành một “Consumer Airline” – hàng không  của Vietjet. À, nếu là chuyện này, tức là muốn biến VietJet thành một “hãng hàng không của người tiêu dùng”, tức là làm hết mọi thứ từ bay, cho vay, vận chuyển, thương mại điện tử… thì bà Thảo đã tuyên bố vụ này từ… hai năm trước.  

Còn trong một cuộc gặp mặt thân tình hơn, không được chuẩn bị trước, bà Thảo kể câu chuyện khác: “Các bạn đi du học, con trai tôi ở cùng nhà với con anh David Thái – chủ chuỗi cà phê Highland, các bạn cùng nhau nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp…”

Mọi người chép miệng: Đúng là chả có gì ngoài điều kiện.

Vì vậy, mà tin đồn râm ran sắp trở thành hiện thực là Grab Ventures – quỹ đầu tư của Grab, đã xuống tiền đầu tư, trong một cuộc thương lượng nhanh đến kỷ lục cho startup Swift247 này. Và giới thạo tin cũng xì xầm việc VietJet ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm mới, chắc cũng đã tính sẵn đường cho “con cưng” này… 

IMG_1460.jpg

Còn đây là Trung, một ngày đẹp trời bỗng phát hiện mình… chả có gì ngoài điều kiện. Đó là cùng lúc, Trung nhận được phần tài sản thừa kế - nghĩa là có tiền, xong nhận chuyển giao vị trí CEO của công ty – tức là có quyền, và vợ Trung kéo vali sang Mỹ du học – tức là có thời giờ. Khi mà người ta vừa có tiền, có quyền và có thời giờ cùng một lúc, thì người ta nên làm gì nhỉ? 

Trung chẳng làm gì, tiếp tục lụi cụi theo đuổi con đường mà mình đã chọn. Xây dựng ra Liên minh coworking space miền Trung, là người dựng trường đào tạo công nghệ blockchain, là người đứng sau thúc đẩy những món đặc sản địa phương tìm đường ra thế giới… “Có chút thuận lợi ban đầu thì cũng vui, ít nhất không lo cơm áo gạo tiền, nhưng nó đâu có nghĩa đó là unfair advantage – lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng - của mình đâu?” – Trung nói.  

Chà, “chả có gì ngoài điều kiện” mà còn chưa chịu là có lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng nữa hả ta? Vụ này phải coi lại sách vở chút, vì xưa giờ Bung toàn gào thét là các bạn startup thì phải luôn tìm ra unfair advantage của mình, không có, thì đừng xông pha giang hồ làm gì.  

Sách dạy như sau: Lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng là một kỹ năng – à, một kỹ năng đó nhen –biến bạn thành một nhân tài cá biệt. Vì sự tài năng đó, mà người ta đầu tư cho bạn. Với nhà đầu tư, lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng đưa bạn thắng cuộc so với các ứng viên khác. Với một đội ngũ, điều này làm người ta chọn bạn làm thủ lĩnh. Và với khách hàng, món này đại diện cho việc bạn là người sẽ làm tốt nhất thứ việc mà họ cần. 

Vậy, unfair advantage là một thứ phải được “định danh”. Tôi là người kết nối giỏi nhất Việt Nam. Tôi là người làm tài chính khởi nghiệp siêu nhất vùng. Hay tôi là người làm tối ưu hoá bằng trí tuệ nhân tạo không có đối thủ?  Làm sao, để khi nhắc đến một chuyện gì đó, tên bạn là “top of mind” – hiện lên đầu tiên trong đầu người khác?

Trong bản business model canvas – một thứ mô hình khởi nghiệp tinh gọn mà nhiều chuyên gia thích sử dụng (hồi xưa Bung xài, giờ bỏ rồi), cũng có câu hỏi phức tạp này: lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng của bạn là gì? Và hầu hết các startup Bung từng gặp đều thất bại trong việc trả lời câu hỏi này. Người duy nhất trả lời vừa lòng Bung, là một bạn lôi ra được cái… công trình tiến sĩ của mình, tuyệt đối trùng với thứ năng lực mà công ty này đang muốn thực hiện.

Bung lại chép sách một đoạn: cách duy nhất tìm ra năng lực cạnh tranh bất bình đẳng là nhìn vào bên trong mình, khám phá bản thân mình, thay vì nhìn lòng vòng bên ngoài. Và đang đọc sách, thì hiện ra một câu của giáo sư Hùng, hay được biết đến với tên gọi Dr. Home – chuyên gia hàng đầu thế giới về quản trị chánh niệm, người tư vấn cho Google và LinkedIn về món này. Giáo sư Hùng bảo: “Tất cả nền văn minh từ cổ chí kim đã luôn có lời động viên “Biết chính mình”, như tiếng Việt mình là “biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”.

Đây là lời khuyên rất thâm thúy, nhưng tất nhiên nói dễ hơn làm. Câu hỏi là làm thế nào để thực sự biết chính mình? Để biết người khác sâu sắc hơn?”.

Thôi, biết đúng câu hỏi rồi, tự tìm câu trả lời đi nhen.

Bung Trần

Xem thêm