Nhật ký innovation: Ngày số 1 và vị sếp không thư ký
Quay qua quay lại, Sihub Mentor Beer Night đã đi được 4 tháng. Anh em giang hồ đã quen dần với việc cứ thứ sáu cuối tháng, vô tình ở Sài Gòn, là có thể ghé chơi, trò chuyện, chia sẻ và đem về cái gì đó cho hành trang khởi nghiệp của mình. Tuần rồi, với Bung, câu chuyện không phải là những bài học từ phá sản do khởi nghiệp của khách mời, mà là khái niệm “Ngày số 1”.
Đây là Vũ, Trần Nguyên Vũ, giám đốc khối khách hàng chiến lược của Amazon Web Services Việt Nam. Bung với Vũ chơi thân với nhau, vì một lý do rất tào lao: tên trong giấy tờ của Bung là Trần Vũ Nguyên, và vì tên giống nhau, làm chung ngành, nên hai đứa thường xuyên bị nhầm lẫn. Có lúc, các bạn thiết kế còn lấy hình ông này gắn vô poster giới thiệu ông kia.
Vũ trước đây là country manager của IBM Việt Nam. Trước đó nữa làm rất nhiều loại công việc khác nhau. Và với Bung, chỉ có 2 đoạn thú vị: chủ công ty sản xuất ti vi Nguyên Vũ và chủ mớ sạp bán cà phê nước ép vỉa hè khắp Sài Gòn. Mớ cà phê nước ép thì giúp chàng trai người Huế sống sót tốt ở Sài Gòn để học xong trường Bách Khoa. Công ty làm ti vi thì đã làm cho anh gánh thêm một mớ nợ nần mãi về sau mới trả được. Nhưng có hề gì, giờ Vũ đứng đây, nói chuyện với anh em, đầy hào hứng.
Vũ nói về chuyện khách hàng là trọng tâm, về chuyện xây dựng chuyện kể, về bài học tuyển dụng người làm cùng, về chuyện khởi nghiệp là chiếc xe vừa đi vừa sửa, về chuyện làm CEO thì ngủ như đứa trẻ: thức giấc vài lần giữa đêm và oà khóc… Ai nghe cũng cười, và cũng thấm.
Hôm Vũ mới về Sài Gòn, anh nhắn một cái tin rất vô duyên: “Ê Bung ơi, mua giấy A0 ở đâu nhỉ?” – “Mua làm gì? Thư ký đâu không nhờ?” – “Làm gì có thư ký. Mọi thứ phải tự làm chứ. It’s always day 1 mà”. Mấy tiếng sau, anh nhắn: “Mua được rồi. Rất vui”. Bận quá nên không hỏi tiếp. Tranh thủ cuộc gặp giữa đám đông, hỏi luôn: “Nó là thể loại quản trị gì vậy?”.
“Quản trị kiểu khởi nghiệp. Nếu ở IBM ngày xưa, chúng tôi luôn tự hào về lịch sử 107 năm của mình, thì ở Amazon bây giờ, chúng tôi đều nói là mỗi ngày đều là ngày đi làm đầu tiên cả” – anh giải thích. Cho dù có làm cả chục năm, gặp nhau người ta sẽ nói: “Tôi đã có 3600 ngày đầu tiên đi làm rồi”. Và cái tâm thế này, làm cho ai cũng phải tò mò về công việc, về công ty, về khách hàng. Quy trình làm việc hoàn hảo không phải là đích đến, khả năng tưởng tượng và nỗ lực làm công việc hiệu quả hơn của một “nhân viên đi làm ngày đầu tiên” sẽ tạo ra những thay đổi tích cực cho khách hàng và tổ chức.
“Vậy sao một ông lãnh lương cao ngất lại phải đi mua giấy, trả lương để đi gặp khách hàng chớ đâu có trả lương để chạy rong ngoài phố mua đồ, vậy không phải lãng phí sao?” – “Thật ra khoa học chứng minh là con người sẽ làm chuyên môn tốt hơn khi mà thỉnh thoảng làm những việc trái chuyên môn. Và khi mình tự đi mua giấy, mình sẽ phải tư duy về thứ mình sẽ làm, sẽ viết trên miếng giấy đó, và vì phải tự làm, mình sẽ làm hiệu quả và tiết kiệm hơn. Ví dụ đi mua giấy, Vũ phát hiện cái giá đỡ để dán giấy vào viết đến hơn 1 triệu. Tất nhiên là công ty trả tiền, nhưng mình cứ thấy sao sao đó. Nên bàn tới bàn lui với bà bán một hồi, chỉ cần mua 4 cái đồ đính vào tường là được, tốn có 25.000 đồng. Vậy là đổi mới sáng tạo chứ nhỉ…
Hoặc ví dụ như hồi mình phải mời khách đi ăn, vì không có thư ký, nên phải tự book nhà hàng. Tự book, thì lại phải nghĩ, nhóm khách này muốn ăn cái gì, họ ở đâu, văn hoá của họ ra sao, mình cần một chỗ để nói chuyện hay thư giãn thoải mái… Xong là email hỏi thăm khách. Xong nghiên cứu các giải pháp nhà hàng để cuối cùng tìm ra một nơi Đông Tây kết hợp, ai cũng vui. Mình nhớ ngày xưa, nhờ thư ký book nhà hàng, là trăm lần đều ra một chỗ rất… an toàn. Mà an toàn thì chán lắm”.
Tối về, Bung lên mạng, đọc mấy cái thư ông chủ Amazon giàu nhất thế giới viết cho mọi người, thấy lúc nào cũng nói về con đường dài, và xa, nhưng luôn phải đi trên con đường đó bằng tất cả sự tò mò và hào hứng của ngày đầu tiên đi làm.
Ồ, hôm nay Bung cũng đi làm ngày đầu tiên nè.
Bung Trần