TP.HCM: Trung tâm điều hành đô thị thông minh sẽ vận hành từ tháng 1/2019


Đề án xây dựng đô thị thông minh cần có lộ trình kiến tạo và phát triển. Nếu triển khai nhanh thì sẽ khó có được tính tổ chức và tối ưu. Còn nếu triển khai lâu dài thì người dân sẽ không thể chờ đợi.

PGS.TS Dương Anh Đức, chia sẻ những công việc thực hiện sau 1 năm triển khai đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh. Ảnh: Hà Thế An.

PGS.TS Dương Anh Đức, chia sẻ những công việc thực hiện sau 1 năm triển khai đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh. Ảnh: Hà Thế An.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT và TT TP.HCM, tại buổi họp báo về “Kết quả triển khai 4 trung tâm thuộc đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025”, diễn ra chiều 28/11.

Ông Đức cho hay, đến thời điểm hiện tại là vừa tròn 1 năm sau khi chính quyền TP.HCM công bố đề án đô thị thông minh. Trong vòng 1 năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực đề án) nhận được sự hỗ trợ và phối hợp với các đối tác là các doanh nghiệp công nghệ, chuyên gia, sở ngành… trong việc xây dựng đề án.

“Đề án Đô thị thông minh mục tiêu sau cùng là phục vụ nhân dân, cộng đồng xã hội. Trong 1 năm qua, chúng tôi chủ yếu sử dụng sức người để đưa ra lộ trình triển khai thực hiện. Những thành quả hiện nay có thể coi là chưa lớn. Tuy nhiên, trong năm 2019, các nguồn tài chính sẽ được sử dụng để đưa vào vận hành 4 trung tâm của đề án”- ông Đức nói.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng chia sẻ thêm, với đề án này cần có lộ trình kiến tạo và phát triển vì vậy người dân cần sự kiên nhẫn để được thụ hưởng các tiện ích của đô thị thông minh. Nếu triển khai với lộ trình nhanh và sử dụng ngay thì sẽ khó có được tính tổ chức và tối ưu. Còn nếu triển khai lâu dài thì người dân sẽ không thể chờ đợi.

Để giúp người dân biết thông tin về đề án, TS Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chia sẻ, 4 trụ cột của đô thị thông minh sẽ thực hiện trong lộ trình như sau:

Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở của TP.HCM dự kiến sẽ đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung và đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào tháng 1 năm 2019. Kho dữ liệu này sẽ hoạt động trên cơ sở tích hợp dữ liệu hiện có của các sở, ngành thành phố. Vào quý 3 năm 2019, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng kho dữ liệu dùng chung giai đoạn 2 (hoàn chỉnh).

Trung tâm điều hành đô thị thông minh sẽ được vận hành vào tháng 1 năm 2019 (giai đoạn 1) tại UBND TP.HCM trên cơ sở tích hợp hệ thống camera hiện có của Văn phòng UBND và các sở ngành, hệ thống liên thông tổng đài khẩn cấp, hệ thống tiếp nhân và xử lý thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật… Dự kiến vào quý 1 năm 2019 sẽ tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi việc xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh.

Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM dự kiến sẽ thành lập (giai đoạn 1) tại Viện nghiên cứu và phát triển thành phố. Trung tâm này sẽ phục vụ cho việc xây dựng các dự báo xu hướng kinh tế - xã hội như giáo dục, việc làm… Trong quý 1 năm 2019 sẽ tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng trung tâm này.

Trung tâm an toàn thông tin thành phố sẽ được UBND TP.HCM phê duyệt đề án thành lập công ty cổ phần vận hành trung tâm an toàn thông tin vào tháng 12 năm 2018. Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn sẽ hoàn thành việc thành lập công ty trong quý 1 năm 2019.

Trên cơ sở 4 trụ cột này, dự kiến vào quý 3 năm 2019, UBND TP.HCM phê duyệt khung kiến trúc đô thị thông minh và tổ chức triển khai trong toàn thành phố.

Trong kỳ họp HĐND TP.HCM vào cuối năm nay, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM sẽ trưng bày một số sản phẩm công nghệ phục vụ cho đề án đô thị thông minh để các đại biểu và nhân dân được biết.

Hà Thế An - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm