Thi nhau phát minh chống ngập lụt


Hàng loạt các kiến trúc sư trên thế giới đang nỗ lực tạo ra những thiết kế nhà nổi, nhà chống ngập lụt để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Mực nước biển đang ngày càng dâng cao cùng với những diễn biến bất thường và phức tạp của những cơn bão và lụt lội. Những vùng đồng bằng trên thế giới bị đặt dưới mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu.

c1d96_nha2_600.jpg

Một số quốc gia như Maldives nay phải tìm cách sống trên nước thay vì trên đất nếu không muốn biến mất khỏi bản đồ. Các thành phố lớn từ những nước phát triển cho đến nước nghèo, từ New Orleans (Mỹ) cho đến Jakarta (Indonesia), người dân phải sống trong biển nước lũ sau những trận mưa lớn.

Suy nghĩ vượt ngoài khuôn khổ

Biến đổi khí hậu gây ra tổn thất lớn về kinh tế cho nhiều thành phố này và đặt ra những câu hỏi hóc búa về cách giải quyết vấn đề, đòi hỏi những hướng đi mới, chưa từng có. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, đa phần trong số đó thiếu tính hiệu quả và thiếu khả thi.

Từ sự vật lộn tìm cách ngăn chặn nước biển dâng vào thành phố, cho đến di dời toàn bộ dân cư đến nơi khác như trường hợp của Jarkata. Hiện nay, con người có thể tìm cách sống chung ổn thỏa với mực nước dâng cao bằng những phát minh về kiến trúc.

Chuyên gia về kiến trúc nổi Koen Olthuis tại công ty Waterstudio, có trụ sở tại Hà Lan, là một trong số những người tiên phong trong việc thúc đẩy các thiết kế công trình lớn nổi được trên mặt nước.

Một trong số những dự án tiêu biểu do Waterstudio thiết kế là Khu căn hộ nổi Citadel ở thành phố Westland, Hà Lan với hơn 60 căn hộ nằm trên mặt nước khu vực The New Water. Công trình được đầu tư xây dựng bởi công ty ONW OPP thuộc ngân hàng BNG với kỳ vọng sẽ tiết kiệm được 25% số năng lượng tiêu thụ nhờ kỹ thuật làm mát bằng nước.

Ngoài dự án lớn này, Waterstudio đã thành công với nhiều công trình nhỏ hơn từ nhà cửa, xưởng cho đến biệt thự nổi trên mặt nước, khẳng định vị thế của người Hà Lan trong kỹ thuật chống ngập lụt.

Từ nhà nổi đến nhà “lưỡng cư”

4e70e_nha1_600.jpg

Năm 2017, hội nghị quốc tế về kiến trúc, thiết kế và kỹ thuật xây dựng công trình lưỡng cư tại Canada đã trình làng những thiết kế nhà cửa chống ngập trong thành phố rất độc đáo.

Những công trình “lưỡng cư” này có bộ móng đặt biệt, gồm một giàn dầm kim loại đứng trên những “hộp” bê tông rỗng, hoạt động giống như những buồng nổi của tàu lớn. Hệ thống móng được thiết kế sao cho công trình có thể nổi lên khi nước dâng vào khu dân cư và hạ xuống vị trí cũ khi nước rút.

Elizabeth English, giáo sư đến từ trường Đại học Waterloo (Canada), cho rằng nhờ có thiết kế lưỡng cư, người dân có thể chung sống ổn thỏa với tình trạng ngập lụt cho đến khi có một giải pháp khác tốt hơn. Các căn nhà cũ có thể được chuyển nguyên căn lên những bộ móng nổi làm sẵn, vừa tiết kiệm chi phí vừa có thể giữ chiều cao của căn nhà không thay đổi gì nhiều.

Bà English giải thích, các ý kiến trước đây cho rằng nên xây nhà mới kiểu nhà sàn để chống lụt ở các thành phố như New Orleans vừa tốn kém, ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt của người dân, lại tiềm ẩn nguy hiểm về gió giật, kéo khi nhà cửa cao hơn so với thiết kế ban đầu.

Hệ thống nhà lưỡng cư đơn giản và tương đối rẻ, có thể lắp đặt chỉ bởi một đội gồm hai công nhân với giá thành 140 đô la Mỹ một bộ vuông diện tích (tương đương 34 triệu/m2).

Chi phí này rẻ hơn một nửa so với việc nâng toàn bộ nhà lên cao để tránh ngập mà vẫn giữ nguyên chiều cao và hiện trạng công trình. Tuy nhiên, bà English nói: “Đây không phải là giải pháp toàn diện cho mọi vấn đề, bởi vì thiết kế kiểu này vẫn chưa loại trừ hoàn toàn nguy cơ từ những đợt sóng nước vỗ mạnh”.

Các biện pháp thiết kế chống ngập khác

Ngoài các thiết kế chống ngập cho công trình, các kiến trúc sư còn nghĩ đến những thiết kế chống ngập cho khu dân cư. Điển hình trong số đó là hàng rào chặn nước nhựa dẻo Water-gate với nhiều kích cỡ, có thể gấp gọn lại và trải ra chỉ nhờ sức một người.

Loại sản phẩm này tự mở ra khi nước chảy qua, có thể chặn được mực nước cao đến 1,7 mét, làm từ nhựa PVC bền chắc và nhẹ. Loại sản phẩm này phù hợp để dùng bảo vệ những công trình nhỏ và những khu vực có nhiều vật cản.

Một sản phẩm có tác dụng tương tự nhưng với nguyên lý khác hẳn là đập nước WIPP, sử dụng chính nước lụt để làm phồng “đập nước” bằng nhựa PVC, nhờ đó chặn lại dòng nước lụt. Tuy nhiên, vì giá thành cao và kích thước lớn, sản phẩm này chỉ phù hợp với những công trình lớn ở nơi thoáng đãng.

Chặn cửa Aquobex cũng là một phát minh hữu dụng, trong đó chiếc chặn cửa được làm kín nước, chịu lực cao, có thể tháo ra khi hết lụt, rất nhanh chóng và tiện lợi. Điểm yếu của Aquobex là chiều cao tấm chặn vừa phải, chỉ phù hợp để chống ngập nhẹ.

Vũ Hoàng - TheSaigontimes

Bài gốc

Xem thêm