Độc đáo thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật “Made in Vietnam”
Một trong những dự án được chú ý tại Techfest 2018 là thiết bị bay siêu nhẹ A16 với các tính năng phun thuốc bảo vệ thực vật, phun phân bón, theo dõi dịch hại từ xa... Thiết bị này có thể mang bình dung tích từ 5 - 30 lít, diện tích từ 3 – 4ha/giờ, nhanh gấp 40 – 60 lần so với phun bằng tay.
Sản phẩm đột phá cho nền nông nghiệp công nghệ cao
Dự án do các cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kỹ sư thuộc Trung tâm Cung ứng nguồn nhân lực (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu và phát minh.
Chia sẻ về ý tưởng hình thành dự án, anh Ngô Đăng Giáp – Trưởng phòng Marketing, Trung tâm Cung ứng nguồn nhân lực, Đại diện dự án cho hay, chúng tôi xuất thân từ môi trường Nông nghiệp nên luôn mong muốn có một sản phẩm có thể làm giảm sự vất vả và bảo vệ sức khỏe của người làm nông cũng như thu hút sự tham gia trở lại của lực lượng lao động trẻ tại các vùng nông thôn, tăng năng suất lao động và giảm giá thành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nhóm dự án nhận thấy, nhà nông rất khó khăn trong việc thuê nhân công phun thuốc bảo vệ thực vật vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, chúng tôi cho ra đời sản phẩm này nhằm góp phần làm giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, hạn chế tác động xấu tới môi trường. Sản phẩm này đưa ra thị trường sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người làm nông trong sản xuất và kinh doanh.
“Người làm nông phun thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người và hiệu quả kinh tế. Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam, hàng năm có trên 5000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có trên 300 trường hợp tử vong do ngộ độc cấp tính”, đại diện dự án cho biết.
Để giảm thiểu những ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường trong quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật, một số nơi đã nhập khẩu thiết bị bay hỗ trợ phun thuốc trừ sâu về Việt Nam với giá khá đắt đỏ.
“Các sản phẩm cùng tính năng trên thị trường đều do các công ty nước ngoài nghiên cứu, chế tạo nên giá thành cao và công đoạn bảo dưỡng sửa chữa gặp nhiều khó khăn”, anh Giáp đánh giá.
Ở nước ngoài việc áp dụng máy bay không người lái vào nông nghiệp không còn xa lạ nhưng tại Việt Nam ứng dụng này khá mới mẻ do việc canh tác trên đồng ruộng còn nhỏ lẻ, thiếu sự tâp trung.
Vì vậy, các kỹ sư đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát minh ra Thiết bị bay siêu nhẹ A16 ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với nhiều tính năng như phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo hạt, bón phân, bảo vệ sức khỏe cho nông dân ngăn ngừa nhiễm độc, nắng nóng trên đồng ruộng...
Thiết bị A16 có lắp camera giúp người điều khiển dễ quan sát địa hình. Sản phẩm có hệ thống bay theo đường bay lập trình sẵn với nhiều chế độ bay như: Tự động hoàn toàn, bán tự động hoặc điều khiển bằng tay. Sản phẩm có thể được thiết kế thêm nhiều chức năng khác dựa vào yêu cầu người đặt hàng. Đặc biệt thiết bị có thể phát hiện dịch hại tại các địa hình phức tạp như đồi chè, rừng thông, cao su trên không một cách dễ dàng.
Còn nhiều rào cản pháp lý
Chi phí để sở hữu chiếc máy bay siêu nhẹ A16 lên đến hàng trăm triệu đồng, chưa phù hợp với bà con nông dân nên vấn đề mở rộng ra thị trường gặp nhiều thách thức lớn.
“Loại máy bay siêu nhẹ này chỉ phù hợp với chủ trang trại lớn người có kinh tế mạnh và diện tích cây trồng rộng. Vì vậy, khách hàng mục tiêu của chúng tôi tập trung vào hai nhóm đối tượng. Một là, các cơ quan chuyên ngành nông, lâm nghiệp của Việt Nam.
Hai là, các nông trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, tập thể và các cá nhân có đủ điều kiện sử dụng thiết bị bay siêu nhẹ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra sản phẩm được ứng dụng trong một số các lĩnh vực khác như: trong ngành điện lực (kéo dây cáp mồi), Y tế, chuyển phát hàng hóa…”, anh Giáp cho hay.
Qua ứng dụng thử nghiệm ngoài thực tế tại một số địa phương như Phú Thọ, Hải Dương, vùng ngoại thành Hà Nội, sản phẩm máy bay không người lái sản xuất trong nước đã hoạt động tốt, góp phần nâng cao hiệu quả phun thuốc trừ sâu và đảm bảo an toàn hơn so với phương pháp phun thuốc bằng tay. Điều này cho thấy tiềm năng ứng dụng rất lớn của loại thiết bị này nếu được triển khai vào trong thực tế cuộc sống.
Tuy nhiên, hiện dự án đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Một là họ thiếu nguồn vốn sản xuất. Hai là tính pháp lý cho sản phẩm khi đưa ra thị trường. Việc kinh doanh thiết bị bay phải đáp ứng và tuân thủ nhiều điều kiện như phải có nhà xưởng, tuân thủ các điều kiện về an ninh quốc phòng, chưa kể là mỗi lần bay phải xin giấy phép trước 7 ngày.
Tại Techfest 2018, nhóm dự án đã trình bày những khó khăn pháp lý này đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng đã tiếp thu ý kiến phản hồi và hứa sẽ có phương án hỗ trợ trong thời gian tới.
“Sau khi hoàn thiện được các vấn đề pháp lý, giai đoan tiếp theo chúng tôi phát triển thành thiết bị bay với các tính năng nâng cao như: chuyển đồ, theo dõi trang trại, bệnh dịch rồi gửi thông tin về trung tâm dữ liệu, từ đó người chủ trang trại phân tích dữ liệu, thuật toán để tính toán làm sao cho hoạt động canh tác hiệu quả hơn”, anh Giáp cho hay.
Tạ Hạnh - Tuổi trẻ Thủ đô