Nữ tiến sĩ 'xuất ngoại' học cách chăm sóc đông trùng hạ thảo 'thuận tự nhiên'

Nhiều năm dày công nghiên cứu tại Hàn Quốc, TS Nguyễn Thị Liên Thương đã xây dựng quy trình chăm sóc đông trùng hạ thảo 'thuận tự nhiên' và chuyển giao quy trình cho doanh nghiệp.

TS Nguyễn Thị Liên Thương đã có nhiều năm nghiên cứu đông trùng hạ thảo tại xứ sở Kim Chi. Ảnh: Hà Thế An.

TS Nguyễn Thị Liên Thương đã có nhiều năm nghiên cứu đông trùng hạ thảo tại xứ sở Kim Chi. Ảnh: Hà Thế An.

Quy trình trồng và chăm sóc này vừa được chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Innocare Việt Nam sản xuất thương mại hóa. Tuy nhiên, tại phòng thí nghiệm của ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) - nơi TS Thương làm việc, hàng trăm hũ đông trùng hạ thảo vẫn được các thế hệ sinh viên chăm sóc.

TS Thương vẫn ngày ngày đến phòng thí nghiệm để hướng dẫn sinh viên và tiếp tục nghiên cứu cho sản phẩm dược liệu quý này. Nữ tiến sỹ này cho rằng, đông trùng hạ thảo được xem là một loại dược liệu quý, có nhiều công dụng giúp thải loại tế bào chết, tái tạo tế bào mới.

Vì vậy, dược liệu này có công dụng đào thải độc tố, tăng cường miễn dịch cho con người. Ngoài ra, đông trùng hạ thảo còn có nhiều dược chất hỗ trợ điều trị một số bệnh, thậm chí cả các bệnh lý về ung thư. “Vì thế muốn tăng lượng dược liệu của đông trùng hạ thảo, cần có quy trình chăm sóc để làm giàu được chất đó”- TS Thương chia sẻ.

Để tạo ra được những sản phẩm đông trùng hạ thảo đạt tiêu chuẩn, quy trình chăm sóc phải hoàn toàn “thuận tự nhiên”. Các chỉ số về môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… phải đảm bảo tốt nhất, tự nhiên nhất để đông trùng hạ thảo sinh trưởng và phát triển tốt.

Sinh viên chăm sóc đông trùng hạ thảo tại phòng thí nghiệm của ĐH Thủ Dầu Một. Ảnh: Hà Thế An.

Sinh viên chăm sóc đông trùng hạ thảo tại phòng thí nghiệm của ĐH Thủ Dầu Một. Ảnh: Hà Thế An.

Sau 3 - 4 tháng, có thể thu hoạch sản phẩm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa khoa học tự nhiên, ĐH Thủ Dầu Một, những nghiên cứu của TS Hương về đông trùng hạ thảo đã thực hiện từ nhiều năm. TS Thương đã có thời gian 6 - 7 năm học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc để học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ đất nước này về quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo.

“Nhà trường luôn tạo điều kiện để TS Thương tiếp tục nghiên cứu và cho ra những cơ sở khoa học mới về dược tính của đông trùng hạ thảo. Việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp mới đây là một tín hiệu đáng khích lệ cho nhà trường trong việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu”- PGS. TS Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Sau khi chuyển giao, các sản phẩm đông trùng hạ thảo đã được đóng gói, gắn nhãn mác, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh: Hà Thế An.

Sau khi chuyển giao, các sản phẩm đông trùng hạ thảo đã được đóng gói, gắn nhãn mác, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh: Hà Thế An.

Trong khuôn khổ hội thảo “Hóa học vì sự phát triển bền vững” do ĐH Thủ Dầu Một tổ chức ngày 27/07 vừa qua, doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ đã công bố sản phẩm và các tiêu chuẩn vừa được Bộ Y tế cấp phép từ công trình nghiên cứu của TS Thương.

Hà Thế An - Khampha.vn

Bài gốc