Xóa sổ các điểm ùn tắc với giải pháp giao thông đô thị thông minh

Hệ thống quan trắc, điều khiển giao thông đô thị thông minh không chỉ làm giảm ùn tắc mà còn giảm đáng kể số lượng các vụ tai nạn giao thông.

1532915400-gt-1.jpg

Tại hội thảo khoa học Smart City 360 độ năm 2018 vừa qua do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (thuộc Sở KH&CN TP.HCM) tổ chức, PGS.TS Phạm Hồng Quang từ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đã trình bày giải pháp quản lý, điều khiển giao thông trong đô thị thông minh. 

Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, kết quả triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng cho thấy, giải pháp không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn giảm đáng kể số lượng các vụ tai nạn giao thông.

Tắc đường luôn là nỗi ám ảnh của người dân Hà Nội. Để giải quyết tình trạng này, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã phối hợp với thành phố xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông từ năm 2014.

Hệ thống gồm 500 camera thông minh tự động phân tích hình ảnh, nhận diện biển số và phát hiện vi phạm; 300 tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông kết nối với trung tâm điều hành giao thông tập trung.

Người quản lý giao thông có thể chủ động điều tiết giao thông trên diện rộng trước khi ùn tắc xảy ra và nhờ đó tránh được hiện tượng “ùn tắc điểm” do lượng phương tiện đổ về quá đông tại một thời điểm. Nhiều điểm ùn tắc kéo dài nhiều năm như “ngã tư tử thần” Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đã được giải quyết.

TS Quang cho biết: “Theo quan sát của tôi, phần lớn các vụ tắc đường không phải do lượng xe trong cả khu vực quá đông mà chỉ xảy ra tại từng điểm. Sau khi triển khai hệ thống đến nay, ùn tắc điểm đã chấm dứt.”

Cùng với đó, chức năng phân tích hình ảnh và phát hiện vi phạm để xử lý cũng góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Thống kê cho thấy, hệ thống giảm được đáng kể tình trạng kẹt xe và tránh được những vụ tai nạn không đáng có.

Sau Hà Nội, hệ thống được triển khai ở Đà Nẵng tại nút giao Lê Duẩn - Trần Phú từ năm 2015 và tiếp theo đó là 10 nút giao thông trọng điểm và các tuyến đường Trường Sơn, Võ Chí Công… Đến nay, gần 300 camera xử lý vi phạm đã được lắp đặt trên toàn thành phố.

Theo số liệu thống kê, đến đầu năm 2018 hệ thống đã tự động phát hiện được hơn 15.000 vi phạm. Tại tuyến đường Trường Sơn, Võ Chí Công trong năm 2016 có tới 11 vụ tai nạn với 11 người chết nhưng sau khi triển khai hệ thống đến nay không xảy ra vụ tai nạn nào.

Một điểm đặc biệt của giải pháp này là hệ thống được thiết kế, chế tạo, xây lắp, lập trình và hỗ trợ vận hành 100% do nguồn lực khoa học công nghệ trong nước. Từ các phần mềm thành phần như phần mềm phân tích hình ảnh, phần mềm điều khiến giao tiếp thiết bị ngoại vi, tối ưu hóa chiến lược đèn… cho tới các camera thông minh đều do Việt Nam chế tạo.

Hệ thống được thiết kế mở để có khả năng nâng cấp quy mô mạng lưới thiết bị ngoại vi mà không cần đầu tư hệ thống mới. Giải pháp được đăng ký sở hữu trí tuệ và nhận được giải thưởng từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Phạm Sơn - Khampha.vn

Bài gốc