Dùng Blockchain chống gian lận thi cử ở VN liệu có khả thi?


Blockchain có khả năng chống sửa đổi dữ liệu, nhưng không phải mọi thứ cần chống sửa đổi là phải dùng blockchain.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đã chia sẻ như vậy khi nói về tính khả thi của công nghệ blockchain ứng dụng trong việc chống gian lận thi cử.

TS Nguyễn Ngọc Thành (phải) và TS Đặng Phạm Thiên Duy là hai chuyên gia về lĩnh vực CNTT nói chung và blockchain nói riêng. Ảnh: NVCC.

TS Nguyễn Ngọc Thành (phải) và TS Đặng Phạm Thiên Duy là hai chuyên gia về lĩnh vực CNTT nói chung và blockchain nói riêng. Ảnh: NVCC.

Mỗi bài thi có… giá 0.2 USD

Theo TS Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên ngành CNTT, ĐH RMIT Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng khả năng chống sửa đổi dữ liệu của blockchain có thể giúp ngăn chặn việc kẻ xấu sửa bài thi và kết quả thi.

Điều này thoạt nghe có vẻ hợp lý nhưng đi sâu, có nhiều thách thức về mặt công nghệ, quản lý, pháp lý để sử dụng blockchain. Nói đơn giản, blockchain có khả năng chống sửa đổi dữ liệu, nhưng không phải mọi thứ cần chống sửa đổi là phải dùng blockchain.

TS Thành lý giải, việc sử dụng blockchain đòi hỏi mỗi bài thi sau khi số hoá phải được lưu vào 1 khối trong blockchain. Mỗi lần ghi dữ liệu vào khối đều mất phí.

Mỗi giao dịch trên Bitcoin hiện có phí khoảng 0.2 USD. Với số lượng 1 triệu thí sinh mỗi năm, mỗi thí sinh làm 5 bài, thì số giao dịch cần cập nhật lên hệ thống là một con số khổng lồ, dẫn đến chi phí không rẻ. Nếu dùng Bitcoin để thanh toán, số tiền phải trả có thể là cả  triệu USD.

Một rào cản khác, theo TS Đặng Phạm Thiên Duy, chuyên gia về CNTT, luật an ninh mạng Việt Nam qui định tất cả các dữ liệu của người dùng Việt Nam phải được lưu trữ trên máy chủ đặt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nguyên tắc nền tảng của Blockchain là phân tán dữ liệu. Mạng lưới lưu trữ chuỗi khối được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, mỗi máy có thể tham gia hoặc rời mạng bất cứ lúc nào.

“Do đó, mạng lưới này hoạt động dựa trên một những qui luật được thiết lập tự động bằng phần mềm và không một tổ chức hoặc quốc gia nào có thể chi phối. Nếu sử dụng blockchain dữ liệu của công dân Việt Nam bắt buộc phải được lưu trữ tại các quốc gia khác trong mạng blockchain. Điều này hoàn toàn bị cấm bởi luật An ninh mạng”- TS Duy phân tích.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều người nghĩ đến việc xây dựng mạng blockchain riêng của Việt Nam. Song, TS Duy nói rằng, điều này là không thể.  Nguyên nhân là chi phí để xây dựng một mạng blockchain riêng là cực lớn.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất không phải là kinh phí mà đó là mạng blockchain riêng đó khi hoạt động thì có khác gì hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung mà Bộ Giáo dục cũng như các ngân hàng và các cơ quan khác tại Việt Nam đang sử dụng? Nó vô hình trung biến blockchain thành một cơ sở dữ liệu trung tâm.

“Nguyên lý nền tảng của blockchain là phi tập trung hoá dữ liệu nhằm mục đính tối hậu là không cho phép ai có quyền kiểm soát mạng lưới để thay đổi cập nhật trái phép dữ liệu”- TS Duy nhận định.

Blockchain không chống được gian lận thi cử

TS Nguyễn Ngọc Thành phân tích, một số ý kiến cho rằng, nếu thí sinh được thi trên máy, dữ liệu được ghi trực tiếp lên blockchain thay vì phải đi qua nhiều khâu như hiện nay sẽ ngăn chặn được gian lận.

Việc này là hoàn toàn bất khả thi trong hoàn cảnh hiện tại. Việc chuẩn bị hơn 1 triệu máy tính đáp ứng được yêu cầu thi tốt nghiệp THPT là cực kỳ khó. Máy tính có được kết nối mạng hay không? Làm sao kiểm soát được các phần mềm cài sẵn trong máy như TeamViewer, Remote Desktop (các phần mềm điều khiển máy tính người khác) khi có đến hơn 1 triệu máy tham gia kỳ thi?

Và quan trọng nhất là, việc sử dụng blockchain lại gắn với một hệ thống tập trung hoá dữ liệu như đề thi và đáp áp. Như vậy, sức mạnh phân tán của blockchain đã bị vô hiệu hoá bởi hệ thống tập trung này.

"Sử dụng blockchain trong hoàn cảnh đó thì liệu có mang lại lợi ích gì? Tôi xin khẳng định là không. Điều cuối cùng và quan trọng nhất là blockchain “không chống được gian lận thi cử”, TS Thành cho biết thêm.

Theo TS Thành qui trình hiện tại về việc chấm thi có lỗ hổng lớn mà nhiều chuyên gia gần đây đã được chỉ ra. Cụ thể, thư mục chứa dữ liệu đã được chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng việc chấm thi lại được tổ chức ở địa phương. Trên thực, tế nếu dữ liệu thi trắc nghiệm đã được quét và chuyển về Bộ thì việc chấm thi trắc nghiệm nên được thực hiện ở Bộ. Dĩ nhiên, không hoàn toàn ngăn chặt được gian lận nhưng nó sẽ giúp giảm gian lận.

Hà Thế An - Khampha.vn

Bài gốc