Học sinh làm mô hình từ rác thải nhưng lại mơ xài công nghệ 'thời thượng'


Từ những bộ lắp ghép STEM rời rạc, thậm chí là sử dụng vật liệu phế thải, nhiều học sinh đã sáng tạo ra những mô hình có ích cho cộng đồng. Đặc biệt, các em còn nghĩ đến sử dụng những công nghệ mới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo…

Bà Dương Thị Chi Mai, chuyên gia về giáo dục STEM nhìn nhận, các em nhỏ đã suy nghĩ rất thực tế khi biết nhìn những vấn đề rất đời thường để tìm ra giải pháp tích hợp vào những sản phẩm của mình.

“Dù đó chỉ là những mô hình nhưng tôi cảm thấy rất tự hào về các em”- bà Mai nói.

Phóng viên Tạp chí Khám phá đã có những ghi nhận về các mô hình này tại Cuộc thi tài năng robot IYRC 2018 tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Không 'cô đơn' khi ở bệnh viện thông minh

Gian hàng với mô hình bệnh viện thông minh của các bạn nhỏ trường tiểu học Khương Thượng, Hà Nội. Ảnh: Thành Hoa.

Gian hàng với mô hình bệnh viện thông minh của các bạn nhỏ trường tiểu học Khương Thượng, Hà Nội. Ảnh: Thành Hoa.

3 em học sinh trường tiểu học Khương Thượng, Hà Nội đã tạo ra một mô hình bệnh viện thông minh với những chiếc giường thần kỳ giúp bệnh nhân dễ dàng hơn trong việc thay ga giường.

Bạn Vũ Gia Phúc, học sinh lớp 5 chia sẻ, nhiều lần đến bệnh viện, em thấy mỗi lần thay ga trải giường bệnh nhân rất khó khăn đặc biệt là những bệnh nhân bại liệt. Có những người vì thay ga trải giường mà bị chảy máu, lại có người vì ngại thay ga trải giường mà khiến cho chiếc giường của mình bị bẩn, bốc mùi.

Vì thế em muốn tạo ra một giải pháp là tạo ra chiếc giường thông minh với khả năng thay ga giường tự động. Với chiếc cảm biến, mỗi khi người dùng vỗ tay hay ra lệnh bằng giọng nói là ga giường sẽ tự động thay.

Không những ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc mang lại hạnh phúc cho người bệnh, nhóm còn mơ sử dụng công nghệ thực tế ảo đến bệnh nhân đỡ… buồn khi ở trong bệnh viện.

Phạm Xuân Bách, thành viên nhóm cho biết, những bệnh nhân thường chỉ gắn bó cuộc sống của mình bên chiếc giường bệnh. Cuộc sống của các cô chú sẽ thú vị biết bao khi chiếc giường được gắn màn hình với những hình ảnh chân thực bên ngoài.

Nhóm còn muốn sử dụng công nghệ này để giúp người bệnh có thể tương tác với các hình ảnh cuộc sống bằng công nghệ thực tế ảo. Điều này giúp bệnh nhân có cuộc sống và trải nghiệm thú vị hơn khi ở bệnh viện.

'Điều trị' chấn thương cho trẻ nhỏ tại công viên

Robot thông minh hoạt động trong công viên cứu chữa cho các bạn nhỏ. Ảnh: Thành Hoa.

Robot thông minh hoạt động trong công viên cứu chữa cho các bạn nhỏ. Ảnh: Thành Hoa.

Đây là ý tưởng của nhóm các bạn học sinh khối THCS tại TP.HCM. Trần Đình Hoàng Quân, học sinh trường THCS Huỳnh Khương Ninh, Q.1 chia sẻ, tại các công viên, dịch vụ ăn uống, tham quan rất nhiều, nhưng các dịch vụ về y tế lại không được chú trọng. Tại công viên thường có nhiều em nhỏ, nhiều bạn rất hiếu động và hay bị té ngã.

Vì thế, nhóm muốn tạo ra giải pháp là tạo ra một con robot như một “quầy thuốc di động” để giúp đỡ người dân mỗi khi có nhu cầu về sử dụng thuốc. Đặc biệt hơn, robot còn có chức năng “bác sỹ ảo” để có thể tư vấn cho người bị té ngã về loại thuốc cần sử dụng để giảm đau.

“Việc sử dụng robot trong công viên vừa giúp đỡ được người dân trong vấn đề chăm sóc sức khỏe còn tạo ra không gian hiện đại, thân thiện với cộng đồng. Nhóm sẽ tích hợp thêm nhiều chức năng khác để robot có thể làm các công việc như tư vấn du lịch cho người dân, chiếu phim, phát nhạc,…”- Quân nói.

Xe dọn rác thông minh

Bà Dương Thị Chi Mai, chuyên gia STEM theo dõi phần thiết kế robot dọn rác của Nguyễn Quang Diệu (phải) tại sự kiện IYRC 2018. Ảnh: Hà Thế An.

Bà Dương Thị Chi Mai, chuyên gia STEM theo dõi phần thiết kế robot dọn rác của Nguyễn Quang Diệu (phải) tại sự kiện IYRC 2018. Ảnh: Hà Thế An.

Sản phẩm này là của bạn Nguyễn Quang Diệu, học sinh trường tiểu học song ngữ Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Diệu chia sẻ, nhiều lần nhìn thấy các công nhận dọn rác vất vả, em đã nghĩ đến việc tạo ra một con robot để giúp công nhân. Theo đó, công nhân chỉ việc điều khiển robot đi chuyển theo đoạn đường đã được lập trình sẵn. Hệ thống xúc rác sẽ tự vận hành để đưa rác vào khoang. Ngoài ra, trên xe dọn rác sẽ được trang bị hệ thống chổi để làm sạch mặt đường khi dọn rác xong.

Ngoài ra, Diệu muốn trang bị thêm cho xe dọn rác chức năng cắt tỉa cành cây tự động. Cụ thể, khi đến khu vực có cành cây che khuất tầm nhìn người đi đường, hay cành sắp gãy thì xe sẽ tự động vận hành hệ thống cắt tỉa cành cây, giúp người đi đường an toàn hơn.

“Tuy nhiên, đây là một việc làm phức tạp, cần nhiều kỹ năng lập trình và thiết kế. Do vậy, em phải cần nhiều thời gian tích lũy thêm kiến thức để tiếp tục thực hiện”- Diệu chia sẻ.

Hà Thế An - Khampha.vn

Bài gốc