Nuôi lươn thương phẩm trong bể xi măng dễ nuôi, lợi nhuận cao


Nuôi lươn không bùn nhanh cho thu hoạch, không chiếm nhiều diện tích, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn, thuốc thú y, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ lươn sạch, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi truyền thống.

Lươn là món ăn khoái khẩu của nhiều người do vừa ngon miệng vừa giàu dinh dưỡng

Lươn là món ăn khoái khẩu của nhiều người do vừa ngon miệng vừa giàu dinh dưỡng

Lươn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, được dùng để chế biến nhiều món ăn được ưa chuộng. Nhằm giúp người nông dân nuôi lươn đảm bảo vệ sinh, đạt hiệu quả cao, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM giới thiệu quy trình nuôi lươn thương phẩm với mật độ cao trong bể xi măng đáy không bùn do Trung tâm Khuyến nông TP.HCM phát triển.

Kích thước bể nuôi không nên quá lớn hoặc quá nhỏ. Kích thước tiêu chuẩn có chiều dài từ 2–5m, chiều rộng từ 1,2–2m, chiều cao từ 0,8–1m. Đáy bể, thành bể phải láng và màu sắc thường là màu nâu đỏ. Đáy bế nghiêng 3 độ về hướng cống để nước thoát ra dễ dàng. Môi trường nuôi có độ pH khoảng 7–8, nhiệt độ nước từ 25 đến 28 độ C.

Ngoài ra, hệ thống cần có ống cấp nước cho bể lươn nhưng tránh gây động mạnh làm lươn dễ bị strees. Người nuôi cũng cần chuẩn bị vòi xịt để vệ sinh hồ, vạt lươn nằm để tránh gây ô nhiễm bể nuôi. Khi xịt nước nên xịt từ ngoài vào, không xịt trực tiếp vào khu vực lươn nằm.

Trong một bể nuôi thường dùng từ 3–4 vạt tre cách nhau khoảng 10cm cho lươn nằm. Các vạt tre cách thành bể từ 25– 30cm. Khi thả nuôi lươn quá dày thì cần trang bị thêm hệ thống sục khí ôxy.

Khi sử dụng giống lươn trong tự nhiên để nuôi, cần quan sát kỹ để đánh giá chính xác chất lượng và tình trạng sức khỏe, tránh bị nhầm mua lươn giống đánh bắt bằng rà điện và thuốc nhử có độc tố. Khi để lươn vào thau có nước, lươn yếu thường ngoi đầu lên cao, mang phình to. Người nuôi cũng cần lưu ý chọn thả lươn đồng kích cỡ, tránh việc cạnh tranh thức ăn và tình trạng con lớn ăn con nhỏ.

Nuôi lươn trong bể xi măng không bùn

Nuôi lươn trong bể xi măng không bùn

Mật độ thả phải căn cứ vào điều kiện môi trường và trình độ người quản lý, thường hiện nay người nuôi lươn thả mật độ từ 60–100 con/mết vuông với cỡ lươn từ 30–40 con/kg.

Lươn thích ăn thức ăn có nguồn gốc động vật và có mùi tanh như cá, ốc, trùn, phế phẩm lò mổ… Thức ăn có thể tươi sống hoặc nấu chín vừa với cỡ miệng của lươn. Lươn cũng ăn được thức ăn chế biến phối trộn từ nhiều nguồn đạm động vật, đạm thực vật và cả thức ăn cám công nghiệp.

Khi cho lươn ăn, người nuôi có thể cho thức ăn vào sàn ăn và treo vào bể vừa ngập trong nước để lươn rút thức ăn qua kẽ sàn hoặc bò vào sàn ăn. Nên đặt sàn ăn hoặc thả thức ăn cho lươn gần cống rút nước để khi lươn ăn xong thì tháo bỏ ngay nước dơ.

Phương pháp nuôi lươn thương phẩm với mật độ cao trong bể xi măng đáy không bùn đã được chứng minh thực tế giúp lươn phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế. Người nuôi không cần đầu tư diện tích nuôi lớn, chi phí được tiết kiệm đáng kể. Đồng thời, nhờ không cần đầu tư lớn và phức tập nên mô hình này có ưu điểm dễ ứng dụng và quản lý hiệu quả.

Với mỗi bồn nuôi diện tích khoảng 30 mét vuông, trung bình người nuôi có thể thu được lợi nhuận 5-6 triệu/đồng vụ sau khi trừ các chi phí. 

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo dù lươn trong tự nhiên có sức đề kháng cao nhưng nếu quá trình nuôi không đảm bảo, lươn rất dễ nhiễm bệnh. Do đó, người nuôi cần đặc biệt chú ý đến công tác phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh đốm đỏ, bệnh nhiễm trùng máu hay bệnh do ký sinh trùng.

Độc giả muốn tìm hiểu rõ hơn về phương pháp nuôi lươn thương phẩm với mật độ cao trong bể xi măng đáy không bùn hoặc các sản phẩm, thiết bị, mô hình công nghệ khác có thể liên hệ với Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (79 Trương Định, Q.1) 

Phạm Sơn - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm