Quốc gia ít tham nhũng bậc nhất thế giới nhờ... chính quyền điện tử


Công dân nước này được quyền xem chính quyền có dữ liệu gì của mình, dữ liệu này sử dụng ra sao, cho ai, trong tương lai và quá khứ dữ liệu được sử dụng cho mục đích gì…

Ông Adam Lebech, Phó giám đốc Tổng cục Số hóa, thuộc Chính phủ Đan Mạch đã cho biết thông tin trên khi nói về việc thực hiện chính quyền điện tử của đất nước mình từ năm 2001 đến nay. Đây là một trong những thông tin được nhiều người quan tâm tại hội thảo do Đại sứ quán 4 nước Bắc Âu (Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy) phối hợp với ĐH Fulbright tổ chức sáng 21/02 tại TP.HCM.

Ông Adam Lebech chia sẻ, hiện Đan Mạch có khoảng hơn 5 triệu dân. Từ năm 2001, Chính phủ Đan Mạch đã bắt tay vào công cuộc xây dựng chính quyền điện tử.

Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo được phát triển nhằm xây dựng hạ tầng các dịch vụ cho chính quyền điện tử. Cơ quan chuyên trách về hoạt động này cũng được thành lập.

Cấu trúc chính quyền điện tử ở Đan Mạch phân cấp mạnh mẽ từ trung ương tới địa phương và được quản lý khoa học và tuân theo nguyên tắc. Các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế được đầu tư.

Chính vì thế, một khảo sát của Liên Hợp Quốc, Đan Mạch là một trong những quốc gia dẫn đầu về xây dựng tốt chính quyền điện tử. Có 85% công dân nước này tin tưởng về sự an toàn của dữ liệu cá nhân khi được chính quyền quản lý. 

“Điều đó khiến vấn đề tham nhũng của đất nước chúng tôi cực kỳ thấp vì mọi hoạt động giao dịch, các dịch vụ giữa người dân và chính quyền đều được thực hiện trực tuyến, công khai và minh bạch. Công dân 15 tuổi đã tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử khi gửi và nhận email từ chính quyền”- ông Adam Lebech chia sẻ.

Ông chia sẻ thêm, công dân được quyền xem chính quyền có dữ liệu gì của mình, dữ liệu này sử dụng ra sao, cho ai, trong tương lai và quá khứ dữ liệu được sử dụng cho mục đích gì…Tất cả thông tin này được mã hóa và bảo đảm bí mật. Điều này khiến người dân hết sức tin tưởng vào mô hình chính quyền điện tử.

“Chúng tôi luôn đặt người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm và xây dựng các dịch vụ trực tuyến phục vụ nhu cầu của họ. Các dịch vụ này phải tiện ích, ít thủ tục và dễ sử dụng để ai cũng có thể thực hiện được”- ông Adam Lebech chia sẻ.

Nói về vấn đề số hóa cũng như phát triển chính quyền điện tử, bà Grete Lochen, đại sứ Na Uy tại Việt Nam chia sẻ, số hóa là công cụ để đổi mới, đơn giản và cải tiến.

“Tuy nhiên cần phải giữ vững các nguyên tắc đạo đức đúng đắn và con người sẽ phải đảm nhận vị trí “người cầm lái” chứ không phải là máy móc”- bà Grete Locehn nói.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường chính sách công và quản lý Fulbright cho biết, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho giai đoạn 2021-2030.

Trong đó chính quyền điện tử, thành phố thông minh là vấn đề được quan tâm. Ngoài ra, kế hoạch này sẽ cố gắng xác định mô hình phát triển mới theo hướng đổi mới sáng tạo một cách bền vững.

“Những kinh nghiệm của các nước Bắc Âu sẽ là tư liệu quý báu với Việt Nam trong công cuộc tìm kiếm cho mình một mô hình phát triển cho nhiều năm tới”- ông Anh nói.

Hà Thế An - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm