Người Pháp đã xây thứ này để bảo vệ động vật hoang dã và thành công ngoài mong đợi
Hiện tại, ý tưởng này đã được nhân rộng tại nhiều nơi trên thế giới, và đạt hiệu quả cực cao.
Tưởng tượng nhé: bạn lái xe đi dạo nhân ngày đẹp trời tại một vùng quê nào đó. Con đường rộng thênh thang, xe chạy mải miết, gió thổi lồng lộng. Nhưng giữa lúc đang tận hưởng không khí tươi mát đầy sảng khoái thì xe của bạn buộc phải phanh nghe "kít" một cái. Bởi lẽ, trước đầu xe là một con bò đang ngơ ngác băng qua đường.
Tình huống trên thực chất không hề hiếm tại các nước châu Âu và châu Mỹ, khi các lái xe thường xuyên đụng mặt động vật hoang dã băng qua đường khi đi trên xa lộ. Chỉ khác thứ họ đụng mặt không phải bò, mà còn có hươu nai, tuần lộc nữa.
Trên thực tế, rất nhiều loài động vật hoang dã có tập tính di cư để tìm kiếm thức ăn, chọn một nơi đủ tốt để trú ẩn và sinh sản, rồi lại tiếp tục lên đường. Như hươu, nai, tuần lộc... chúng thường xuyên di chuyển giữa các cánh rừng. Và bởi xã hội phát triển ngày càng rộng, nên tỷ lệ thú hoang dã phải băng qua đường lộ của con người cũng ngày càng tăng lên.
Đa số các loài thú thường cảm thấy sợ hãi trước những con đường, bởi các âm thanh do xe cộ gây ra là tương đối khó chịu. Bởi vậy, chúng không dám băng qua, tự giới hạn phạm vi sống của mình trong một khu vực, bất kể điều kiện có nghèo nàn thế nào đi chăng nữa. Và với những trường hợp "dám" băng qua đường, hậu quả xấu có thể xảy ra, chẳng hạn như tai nạn giao thông.
Wildlife crossing - ý tưởng thiên tài và hiệu quả cực cao
Để giúp các loài động vật hoang dã có khả năng định vị tốt hơn và tránh được va chạm với ô tô khi băng qua đường, một số quốc gia đã đưa ra giải pháp cực kỳ tuyệt vời. Nó được gọi là "wildlife crossing" (tạm dịch: cầu vượt hoang dã).
Wildlife crossing có thể hiểu là những cây cầu cắt ngang đường, được thiết kế sao cho giống một con đường trong tự nhiên nhất để giúp các loài vật băng qua đường một cách thoải mái và an toàn.
1. Châu Âu là nơi có số lượng cầu vượt hoang dã lớn nhất
Cây cầu đầu tiên được xây dựng tại Pháp vào năm 1950, với mục đích ban đầu là để hỗ trợ các thợ săn lùa hươu nai.
Nhưng rồi ý tưởng bắt đầu lan rộng ra toàn thế giới. Cùng với Pháp, các quốc gia như Hà Lan, Thụy Sĩ, Đức... đã xây dựng rất nhiều cầu vượt (hoặc đường hầm), và từ đó số trường hợp tai nạn từ động vật hoang dã đã giảm hẳn. Theo các chuyên gia thì những con lửng, hươu nai, động vật lưỡng cư và nhiều loài thú nhỏ đã được an toàn nhờ chúng.
Như tại Hà Lan, hiện tại có hơn 600 cây cầu, trong đó có cây cầu vượt hoang dã dài đến 800m - cao nhất thế giới cho đến thời điểm hiện tại.
2. Mỹ và Canada - trên bờ dưới bể, loài nào cũng cần được bảo vệ
Các châu lục khác cũng không đến nỗi tụt hậu so với châu Âu. Như tại bang Oregon (Mỹ), người ta còn xây nhiều kênh dẫn nước để giúp cá hồi vượt sông an toàn mỗi mùa sinh sản.
Canada cũng không chịu kém. Tại công viên quốc gia Banff - công viên có tuổi đời lâu nhất Canada, có đến 44 công trình hỗ trợ động vật vượt qua đường, trong đó có 6 cây cầu, và 38 đường hầm. Chúng tạo ra cả trăm ngàn con đường giao nhau, giúp cho các loài vật cỡ lớn như tuần lộc, sói, gấu đen, gấu nâu, báo... không phải sợ hãi khi sang đường.
3. Na-Uy - những con đường dành riêng cho ong
Các nghiên cứu chỉ ra rằng số lượng ong trên thế giới đang giảm với tốc độ chóng mặt, từ đó có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái. Tại thành phố Oslo (Na-Uy), các nhà khoa học và dân chúng đều cảm thấy lo ngại trước hoàn cảnh của ong, và họ quyết định tạo ra những con đường dành riêng cho chúng.
Mỗi hộ gia đình đều đứng ra trồng những loại hoa tạo mật quanh nhà, đồng thời các tổ ong nhân tạo được xây dựng một cách đầy chiến thuật xung quanh thành phố. Tất cả cho phép ong đi tìm mật và xây tổ dễ dàng hơn, và từ đó khôi phục được số lượng cần thiết.
4. Dành cho cua đỏ đảo Phục Sinh
Đảo Phục Sinh của Úc có loài cua đỏ cực kỳ nổi tiếng với những chuyến di cư hàng chục triệu con từ rừng ra biển để đẻ trứng mỗi năm. Tuy nhiên trong thời buổi hiện tại, tỷ lệ cua bò ra đường và bị cán chết là rất cao.
Bởi vậy vào giai đoạn di cư, nhiều con đường tại đảo Phục Sinh đã bị chặn lại, để giúp lũ cua hoàn thành hành trình của mình được an toàn. Chưa kể, họ còn tạo ra một cây cầu từ rác nhựa cao đến 5m để giúp cua đi vào những con đường tiện lợi hơn cho sinh hoạt của con người.
5. Kỳ nhông tý hon cũng được cứu rỗi
Mùa xuân tại Massachusetts (Hoa Kỳ), thời điểm băng tuyết bắt đầu tan cũng là lúc hàng trăm con kỳ nhông bắt đầu chui lên khỏi mặt đất và di chuyển về phía Đông. Dĩ nhiên trên hành trình của mình, chúng cũng băng qua vài con đường của loài người.
Và để giúp chúng, các nhà bảo tồn đã tạo ra một vài đường hầm tí hon, để mọi thứ được dễ dàng hơn.
6. Đường hầm cho chim cánh cụt tại New Zealand
Úc là quốc gia có nhiều loài vật khổng lồ, trong khi New Zealand thì ngược lại khi sở hữu nhiều loài vật nhỏ bé hơn, như chim Kiwi chẳng hạn. Và trong số đó có cả những con cánh cụt lông xanh (blue-feathered korora).
Những con chim cánh cụt này có tập tính khá lạ, đó là bắt cá ở biển nhưng làm tổ trên đất liền. Vậy nên chúng thường xuyên phải băng qua những con đường đông đúc lúc tối trời, dẫn đến tỉ lệ tai nạn xảy ra là khá cao.
Nhưng vấn đề ấy nay đã được giải quyết. Tại Auckland (New Zealand), người ta giúp chúng bằng cách xây nên những đường hầm nhỏ, để chúng có một con đường an toàn hơn khi muốn di chuyển qua đường.
Hiệu quả đã được chứng minh
Dù lớn hay nhỏ, những công trình vượt đường này đã chứng minh được hiệu quả cực cao trong thực tế. Như theo Bộ giao thông vận tải Colorado thì từ khi xây dựng 2 cây cầu và 5 đường hầm hoang dã trên các tuyến đường nguy hiểm, tỉ lệ va chạm đã giảm tới 87%.
Tại nhiều quốc gia, công trình cắt đường cho động vật hoang dã là một phần bắt buộc khi xây dựng đường cao tốc, bởi nó cho thấy con người và động vật hoàn toàn có thể chung sống với nhau.
Theo J.D - TTVN