Xây dựng nền tảng nguồn mở UD OPEN LORA hỗ trợ phát triển các giải pháp thành phố thông minh


UD OPEN LORA là dự án mã nguồn mở do Trung tâm phát triển phần mềm (Đại học Đà Nẵng) xây dựng và phát triển nhằm giúp sinh viên, các nhóm khởi nghiệp tiếp cận để xây dựng hạ tầng cơ sở, từ đó xây dựng nên các giải pháp ứng dụng cho thành phố thông minh.

Sự kiện ra mắt nền tảng nguồn mở UD OPEN LORA thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ cộng đồng IT Đà Nẵng

Sự kiện ra mắt nền tảng nguồn mở UD OPEN LORA thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ cộng đồng IT Đà Nẵng

Ngày 9/3/2019, Trung tâm phát triển phần mềm – Đại học Đà Nẵng (SDC) tổ chức hội thảo giới thiệu nền tảng mã nguồn mở UDOpenLora.

Theo ông Trịnh Công Duy, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển phần mềm: Trong thời gian qua, Trung tâm phát triển phần mềm đã đầu tư phát triển nhiều giải pháp phần mềm, cũng như giải pháp IOT đưa vào thương mại hóa nhiều giải pháp cho thành phố thông minh (SmartCity).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án, Trung tâm phát triển phần mềm nhận thấy các nhóm khởi nghiệp, các sinh viên thường gặp những khó khăn khi làm các giải pháp IoT cho SmartCity.

“Chính vì vậy, Trung tâm phát triển phần mềm quyết định xây dựng nền tảng UD Open Lora là nền tảng mở, một công nghệ đột phá được áp dụng rộng rãi trong việc phát triển các ứng dụng SmartCity, nhằm cung cấp nền tảng mã nguồn mở cho cộng đồng cùng phát triển” ông Duy nhấn mạnh.

Cũng theo ông Duy, UD Open Lora là nền tảng mở hoàn toàn, mở cả về giải pháp, thiết kế phần cứng, mã nguồn mở cho thiết bị, cho trung tâm điều khiển và cho cả thiết bị di động.

Dự án mã nguồn mở này sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu và thiết kế các hệ thống IoT sử dụng chuẩn truyền thông Lora, giúp kết nối dễ dàng mọi loại cảm biến, thiết bị trong vòng từ 1 đến 10km.

Một trong các sản phẩm của UD OPEN LORA

Một trong các sản phẩm của UD OPEN LORA

“Với việc miễn phí hoàn toàn, hệ thống UD Open Lora sẽ giúp các nhóm khởi nghiệp, các nhóm sinh viên tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn ban đầu để xây dựng hạ tầng cơ sở.

Trên cơ sở đó, sẽ tiếp tục phát triển các ứng dụng khác như: thiết bị hỗ trợ giúp đỗ xe, các giải pháp quản lý cảng biển, sân bay…qua đó góp phần làm đa dạng hệ sinh thái ứng dụng cho thành phố thông minh, đón đầu xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Trịnh Công Duy chia sẻ thêm.

Cũng trong dịp này, Tập đoàn VNG cũng đưa ra những gói tài trợ về điện toán đám mây trong thực hiện các dự án IoT cho các nhóm khởi nghiệp.

Hiện Đà Nẵng là địa phương đang có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các giải pháp, ứng dụng xây dựng thành phố thông minh.

Trong năm 2018, nhiều cuộc thi lập trình đã lấy chủ đề “Xây dựng Đà Nẵng thành thành phố thông minh và văn minh hơn” như GDG DevFest MienTrung 2018, IdeaHunter 2018…thu hút sự tham gia của hàng ngàn lập trình viên, sinh viên CNTT.

Đoàn Hạnh - ICTNews

Bài gốc

Xem thêm