"2 Nhà" bắt tay thực hiện đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp


Những gì trường ĐH Tôn Đức Thắng đã làm được là hết sức ấn tượng. Sở KH&CN TP.HCM sẽ tích cực hỗ trợ trường kết nối với các trường ĐH, doanh nghiệp khác để cùng tạo nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Dũng tham quan khu giảng dạy, học tập của khoa Điện - Điện tử thuộc trường ĐH Tôn Đức Thắng

Ông Nguyễn Việt Dũng tham quan khu giảng dạy, học tập của khoa Điện - Điện tử thuộc trường ĐH Tôn Đức Thắng

Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng khẳng định nội dung trên trong buổi tham quan và làm việc với lãnh đạo trường ĐH Tôn Đức Thắng ngày 10.4.

ĐH Tôn Đức Thắng là đại học công lập thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được thành lập ngày 24/9/1997. Hiện nay, trường hoạt động theo quy chế tự chủ và đang là một trong những đại học hàng đầu của Việt Nam. Trường cũng đang góp mặt trong danh sách 300 trường đại học hàng đầu Châu Á do tổ chức xếp hạng giáo dục đại học QS (Anh Quốc) vừa công bố năm 2019.

Trường hiện có hơn 23.000 sinh viên theo học, số lượng sinh viên quốc tế tại trường đạt hơn 2.200. Trường cũng đã ký kết hợp tác với nhiều trường đại học quốc tế về trao đổi sinh viên, giáo sư cũng như hợp tác nghiên cứu.

Bên cạnh các cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho sinh hoạt, học tập của sinh viên, Tòa nhà sáng tạo là điểm nhấn của trường với 11 tầng phục vụ cho các ngành Mỹ thuật công nghiệp, Kiến trúc và Điện – Điện tử. Tại đây, sinh viên được thỏa sức sáng tạo trên các trang thiết bị hiện đại.

Trạm điện năng lượng Mặt trời được lắp đặt tại sân thượng các tòa nhà vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng của trường vừa là mô hình giảng dạy trực quan cho ngành năng lượng tái tạo.

Đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng giới thiệu với đoàn của Sở KH&CN TP.HCM hệ thống thư viện thông minh của nhà trường

Đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng giới thiệu với đoàn của Sở KH&CN TP.HCM hệ thống thư viện thông minh của nhà trường

GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trưởng ĐH Tôn Đức Thắng cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang dần chuyển từ giai đoạn phát triển nhanh sang phát triển bền vững.

Trong đó, trường đang tập trung đầu tư phát triển công nghệ di truyền, lưu giữ và phát triển các giống cây quý để vừa giúp các địa phương giảm phụ thuộc vào nguồn giống nước ngoài, vừa giảm nguy cơ mất đi những nguồn gen quý. Ngoài ra, trường cũng đang hợp tác với ĐH John Hopkins để nghiên cứu về điều trị ung thư.”

Cũng theo đại diện nhà trường, trong năm tới, trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ hợp tác với các doanh nghiệp thành lập khu Công viên công nghệ để gắn kết công tác nghiên cứu trong nhà trường với doanh nghiệp và tạo cơ hội cho sinh viên tiếp xúc với hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà trường cũng triển khai mô hình thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ trong trường.

GS.TS Lê Vinh Danh giới thiệu về những hoạt động, định hướng của nhà trường

GS.TS Lê Vinh Danh giới thiệu về những hoạt động, định hướng của nhà trường

Với mô hình mới này, sinh viên sẽ được tự nghiên cứu nhu cầu thị trường, lên ý tưởng cho các sản phẩm mới. Từ những ý tưởng mới đó, sinh viên từ các ngành khác nhau sẽ hợp tác thiết kế, sản xuất sản phẩm và hoàn toàn có thể phát triển thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nhận xét về những hoạt động trên, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết: “Thành phố đang quan tâm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và xác định những hoạt động đó phải xuất phát từ các trường đại học. Các trường nên gắn các hoạt động này với việc nghiên cứu phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, sự liên kết giữa các trường, liên kết đa ngành cũng rất cần thiết.”

Ông Nguyễn Việt Dũng cũng chia sẻ với lãnh đạo trường ĐH Tôn Đức Thắng những chính sách, hoạt động hỗ trợ mà Sở KH&CN TP.HCM đang triển khai để trong thời gian tới, "2 nhà" (nhà trường và nhà khoa học) sẽ đẩy mạnh hợp tác hướng tới phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố. Sở KH&CN sẵn sàng đứng ra kết nối trường ĐH Tôn Đức Thắng với các doanh nghiệp có cùng mối quan tâm.

Phạm Sơn - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm