Nhật ký innovation: Cà phê ở Harvard
“Come back” – Về đi, là câu cuối cùng mà chị Dịu Nguyễn, phó tổng giám đốc tập đoàn Vingroup nói trong cuộc gặp gỡ Đông Tây với rất đông, rất đông những chuyên gia người Việt đang sống ở Mỹ. Ừ, về để làm cho Việt Nam tự hào về bạn, và bạn tự hào được làm người Việt Nam…
Những ngày ở Mỹ dồn dập sự kiện, gặp gỡ và hẹn hò, làm Bung hơi đuối. Viet Challenge, cuộc thi khởi nghiệp cho tới giờ là lớn nhất thế giới dành cho người Việt toàn cầu có đủ mọi hoạt động: từ boothcamp huấn luyện các startup vào chung kết, đến các diễn đàn trao đổi về xu hướng kinh tế, tới các cuộc tiếp tân làm quen giữa những siêu sao kinh doanh, đầu tư và rất nhiều những hẹn hò nho nhỏ sau đó để nói tiếp các câu chuyện hợp tác. Ai cũng muốn “nhét” cho đầy cái lịch của mình, vì có mấy khi anh hùng tụ hội ở đây đâu.
Nhiều chuyện để kể lắm: chuyện một startup rất xịn về trí tuệ nhân tạo tên là VVN – viết tắt của “Về Việt Nam”, chuyện khả năng Việt Nam có thể “nhảy cóc” qua khỏi quá trình sử dụng credit card, vốn vô cùng tốn kém chi phí xã hội, mà đi thẳng lên chuyện dùng ví điện tử với các công nghệ mới, chuyện các nhà đầu tư xác nhận đã đến “shopping time” – giờ đi mua sắm các doanh nghiệp lớn và nhỏ của Việt Nam, và cả chuyện những người trẻ đang trăn trở cho đất nước mình nữa…
Đây là Nghiêm Huỳnh, một chàng trai đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở đại học Yale, là người duy nhất mà Bung hẹn không liên quan tới Viet Challenge. Anh chàng đi tàu điện từ 4 giờ sáng để gặp, mà cũng không biết vì sao cần gặp. Bung cũng vậy, chỉ có một người quen ở giữa, nói là hai người phải gặp nhau. Và cuộc cà phê ở trước cửa trường Harvard danh tiếng, hoá ra, đáng giá vô cùng.
Nghiêm là người Bến Tre, và luôn là người Bến Tre, dù anh chàng đã đi học vòng quanh thế giới: từ quốc gia lạnh lẽo Na Uy cho tới thành phố giàu có bên vịnh Ba Tư Abu Drabi và giờ là một trong những trường đại học ngầu nhất quả đất. Nghiêm ngồi chờ trong quán, đọc một cuốn sách bên tách cà phê, và sẵn sàng để nói câu chuyện mà mình quan tâm nhất: làm thế nào để những người nhà quê như cậu ngày xưa, có cơ hội tiếp cận những cơ hội lớn của thế giới.
Cho tới giờ, Nghiêm đi học vòng quanh thế giới hoàn toàn là nhờ vào những học bổng, quỹ tài trợ khác nhau. Và anh chàng muốn trả lại món ân tình này, bằng cách xây dựng một cơ chế để những học sinh ở tỉnh có thể tiếp cận được những cơ hội tốt, thông qua việc làm các dự án nhỏ để chứng minh năng lực và kinh nghiệm của mình.
Nghiêm đang làm tình nguyện viên cho UWC – United World Colleges – một tổ chức liên kết các trường đại học trên thế giới với niềm tin rằng giáo dục có thể gắn kết thế hệ trẻ từ mọi bối cảnh khác nhau dựa trên một nền tảng chung của nhân loại, để tham gia và tạo ra những thay đổi trong xã hội qua các hành động can đảm, các trải nghiệm cá nhân và sự lãnh đạo vị tha.
Nghiêm ngồi đó, say sưa nói về vẻ đẹp của cuộc sống của những trải nghiệm bên ngoài mà anh tin tưởng: sự chính trực với bản thân, sự nhân ái và phục vụ cộng đồng, về những hoài bão mà mình có thể làm được cho đất nước.
“Học bổng UWC năm nay vừa mở hồ sơ để nhận đăng ký, và sự cạnh tranh càng ngày càng lớn, những đứa như em ngày xưa – tức là ở tỉnh – gần như không còn chút cơ hội nào. Điều này không công bằng. Em muốn làm cái gì đó cho các bạn, ít nhất là đã đi nhờ được những cựu thành viên từng nhận học bổng của chương trình này, dành thời gian để làm người cố vấn cho những bạn trẻ hơn. Lòng trắc ẩn, là thứ mà mỗi người trong chúng ta nên đặt lên trên hết, trong những lựa chọn của cuộc sống…”.
Nghiêm sinh năm 1995, và anh chàng… già hơn cái tuổi thật của mình nhiều. Đó chắc là vì những trăn trở quá nhiều về cuộc sống. Anh chàng từ chối học bổng tiến sĩ của Princeton, vì không muốn được đào tạo để trở thành lãnh đạo. Anh chàng mỗi năm đều về Việt Nam hai lần, vì luôn muốn mình có những trải nghiệm về cuộc sống và con người Việt Nam thực nhất, để còn tính toán cho những dự án về Việt Nam tương lai của mình.
Bên ngoài, Boston bắt đầu sang thu, hơi lạnh. Quán cà phê mang tên 1369 mang cái hồn cốt cũ kỹ mà ấm áp của khu học thuật. Bước ra ngoài, thấy một kinh tế gia rất nổi tiếng của trường Harvard đang bước vội vã trên phố, và chẳng hiểu sao, thấy vui.
Giờ thì Bung đã hiểu vì sao mình cần gặp một người như Nghiêm, và có lẽ, Nghiêm cũng vậy. Người chúng ta gặp, chắc chắn là người cần gặp mà…
Bung Trần