Nhật ký innovation: Digital Well-being - An lạc thời kỹ thuật số


Hôm thứ bảy vừa rồi, ghé dự “đại hội võ lâm” của 1.000 lập trình viên khu vực miền Trung do cộng đồng Google Developer và Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng DNES tổ chức, nghe được một khái niệm rất lạ, và rất hay: digital well-being.

google-i-o-2018-54.PNG

Nhớ hồi đó, thời mà Bung còn trồng rau và tắm biển ở Hội An, thì vụ well-being này cũng đã là một đoạn đời kỳ lạ lắm. Giờ thêm “kỹ thuật số” vô, chắc là vui, vì bây giờ, cuộc sống ảo cũng cần có… well-being.

Tổ chức Y tế Thế giới WTO định nghĩa “sức khoẻ” là tổng hoà của trạng thái cân bằng về sức khoẻ cơ bắp của các bộ phận trên cơ thể và sự “well-being”. Nhớ có lần, hồi còn ở Hội An, Bung từng có cuộc tranh luận rất hay về việc làm sao dịch được chữ “well-being” này ra tiếng Việt.

Nhiều người thích dịch là “sống vui sống khoẻ”, có người bảo là “an sinh”, lại có chị kia cũng nghiên cứu nhiều, bảo là “sống lành”.

Có bạn, từng làm phiên dịch cho đoàn làm phim Kong hoành tráng lắm, dẫn từ điển thế giới, giải nghĩa là “a good or satisfactory condition of existence; a state characterized by health, happiness, and prosperity”, xong dịch nguyên đoạn này mới đủ hết nghĩa của well-being: là trạng thái tốt hoặc thỏa mãn của sự tồn tại, được đo bằng sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng. Rồi lý giải thêm: "hạnh phúc", "hài lòng", "thỏa mãn"....có rất nhiều từ cùng trường nghĩa có thể thay thế cho nhau khi dịch từ này.

Người khởi xướng nhóm hành động “Cuộc cách mạng một cọng rơm” tại Việt Nam thì cương quyết: thôi đừng cố dịch well-being ra tiếng Việt, vì hiện không có từ tương đương, và đâu có ai cản chúng ta dùng nó như một từ sẽ được Việt hoá?

Hồi đó, là do đang tìm hiểu về "Chỉ số hạnh phúc quốc dân GNH" của xứ sở Bhutan, trong đó well-being là một trong 9 thành tố tạo nên chỉ số kỳ lạ này.

Hồi đó, có mời anh Chương Đặng, một nhà thiết kế, người nấu ăn và người chia sẻ hạnh phúc đến nói về chuyện này ở Hội An. Nội dung thì cũng giản đơn: khái niệm well-being được thể hiện ra ngay khi bắt đầu cuộc chia sẻ, anh Chương đề nghị mọi người... cởi giày vớ ra và chạm cái chân không xuống đất. Chà, thiệt là thoải mái, khi ta tự do co duỗi các ngón chân, chà chà hai bàn chân vào nhau thì đúng là... sướng.

A, hạnh phúc phải nhỏ xí xi như vậy thôi, và phải tự mình tạo ra đơn giản là việc tháo giày với vớ ra. Để nghe chân mình tiếp xúc với đất, hoàn tất một vòng luân chuyển âm dương - đất trời. Để cho da chân của mình nó thở. Để cho đứa cạnh bên nghe mùi thúi của chân mình, và mình rất... khoái. Bung nhớ ra là ông bà dạy rằng buổi tối rửa chân sạch trước khi đi ngủ thì bổ dưỡng bằng ăn ba con dê.

Xong kể chuyện này trên Facebook, vẫn có người cống hiến thêm những phiên bản tiếng Việt khác: “bình tĩnh sống - từ từ vui”, hoặc “an trú”.

 
 

Giờ, Google chính thức công bố một ứng dụng có tên “digital well-being”, với chức năng là “tìm sự cân bằng với công nghệ”.

Những nhà lập trình lý giải: khi mà công nghệ trở nên một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống, đôi khi nó làm ta sao nhãng với những điều quan trọng hơn. Chúng tôi tin rằng công nghệ là để nâng cao chất lượng cuộc sống chứ không phải làm phiền con người. Vậy nên Google cam kết cung cấp công cụ thể mọi người có thể tận hưởng cuộc sống một cách như ý nhất.

Ứng dụng này, cung cấp thông tin tổng quan đầy đủ về thói quen kỹ thuật số của mỗi người, bao gồm: Tần suất sử dụng các ứng dụng khác nhau; số lượng thông báo nhận được, tần suất “đụng vô cái điện thoại”. Nó cũng ngắt kết nối khỏi điện thoại khi vượt quá thời lượng sử dụng đã hẹn trước, nhắc tắt máy vào ban đêm, đặt lịch điều chỉnh độ sáng màn hình thành màu xám cho dịu mắt, và tắt mọi thông báo để ngủ ngon giấc.

Ơ, hoá ra, nói như sư ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh, chú tâm vào hiện tại, quay về nương tựa với hơi thở và có mặt ở từng thời khắc mình đang sống, chính là “well-being”, dù là thế giới thực hay thế giới ảo. Vậy nên, xin phép dịch “digital well-being” là “an lạc thời kỹ thuật số”, theo thứ mà sư ông đã dạy: “an lạc từng bước chân”.

Bung Trần

Xem thêm