Nhật ký Innovation: GIFTIVISM - Sống như một món quà


Hôm nay là tròn 1 năm Bung viết Nhật ký Innovation. Nhanh thiệt là nhanh. Và cũng còn không bao lâu nữa là Noel, rồi Tết Tây, xong là Tết Ta. Định bụng sẽ kể chuyện “thực chiến khởi nghiệp” vì các cuộc gặp rất thú vị tuần rồi, nhưng không hiểu sao, hình ảnh cứ nằm yên trong đầu, là cảnh cô Vưu Lệ Quyên, tổng giám đốc Bitis mặc đồ tình nguyện viên phục vụ, chạy tới chạy lui châm nước cho khách ở Karma cà phê – một nơi đang lan toả Giftivism - Tinh thần Trao tặng.

Tác giả chụp ảnh cùng Quyên Vưu, Tổng giám đốc công ty giày Biti’s trong vai trò một nhân viên phục vụ cà phê giản dị, mẫn cán.

Tác giả chụp ảnh cùng Quyên Vưu, Tổng giám đốc công ty giày Biti’s trong vai trò một nhân viên phục vụ cà phê giản dị, mẫn cán.

Tối cuối tuần, chị bạn nhắn: Ghé Karma cà phê lấy thêm năng lượng tích cực cho những ngày cuối năm đi… Thực ra, những ngày này, cần nhiều năng lượng… chiến đấu để chốt hợp đồng, đòi cho xong công nợ và giải quyết 1.001 chuyện đáng sợ nhất của mùa sắp Tết, chứ đi những chỗ hơi thiền định thì làm mình hiền lành quá. Nhưng đầu nghĩ vậy, mà chân thì cứ đi.

Đó là một quán cà phê nhỏ, trên lầu 2 ở một căn nhà trung tâm Sài Gòn. Từ cửa, đã thấy các bạn tình nguyện viên đứng đón khách. À, nhớ rồi, tất cả người phục vụ của buổi cà phê đặc biệt này luôn là tình nguyện viên, đủ mọi lãnh vực, ngành nghề. Bung ngồi xuống, và bất ngờ đầu tiên là “ly cà phê của bạn đã được người đến trước trả tiền, mời bạn thưởng thức…”. Chà, cái triết lý “đáp đền tiếp nối” này nghe đã lâu, giờ mới thấy hiện hữu trong đời thực. Vậy việc của mình, là ngồi uống cà phê cho ngon, và lại sẽ trả tiền cho người đến sau, hoặc ngoan hơn, là đăng ký làm tình nguyện viên của kỳ hoạt động sau vậy.

Ngồi buồn, nên giở một tập sách nhỏ, coi những bài viết ngắn viết nắn nót bằng tay của nhiều người, về Thách thức 21 điều tử tế trong cuộc sống. Tự dưng thấy vui, và nghĩ có khi mình thực sự có thể chấp nhận thách thức này. Không có gì khó, đơn giản là mời ai đó một bữa ăn bất ngờ, trò chuyện với một người xa lạ, hay khó hơn chút là… cám ơn những công chức nhà nước hay khó chịu với mình… Đúng là, nói như ngụ ngôn Aesop: "Việc tử tế, dù nhỏ xíu, cũng không bao giờ là phí phạm".

Đây là Quyên Vưu, Tổng giám đốc công ty giày Biti’s, một tình nguyện viên bưng bê dọn dẹp của cà phê Karma Việt Nam. Bung biết Quyên lâu rồi, từ ngày cô gái này mới mở thương hiệu giày Gosto, hay kể chuyện về trải nghiệm cuộc sống của mình với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng luôn nhẹ nhàng nhẹ nhàng kiểu “người về từ Bhutan”. Quyên làm mới thương hiệu giày số 1 Việt Nam của gia đình bằng một chiến dịch xuất sắc nhất: “Bitis hunter”, và liên tiếp giành thị trường với những hoạt động đầy sáng tạo, mà đỉnh cao là Bung phải xếp hàng để đặt mua mấy đôi giày màu đỏ trong tuyết trắng để ủng hộ đội bóng Việt Nam áo đỏ sao vàng chiến đấu không mệt mỏi trong tuyết phủ Thường Châu năm ngoái…

Nhưng không nhận ra Quyên, vì cô trẻ quá mức, trẻ như một cô sinh viên đến làm tình nguyện viên. Cô cười: Bung cũng sắp trẻ rồi, vì sống như một món quà mà…

Ngồi trên bàn, có một hòn sỏi ghi chữ “Yên”, nên Bung ngồi yên, nhìn ngắm mọi người và cảm nhận không gian. Mọi người đi đứng, nói cười đều nhẹ nhàng, thanh thoát và có vẻ vui thiệt sự. Rảnh rỗi, ngồi tìm hiểu vì sao cái chương trình cà phê kết nối này lại mang tên Karma – không biết dịch là duyên hay là nghiệp?. Hoá ra, nó liên quan tới một câu chuyện dài hơn, bắt đầu từ… Silicon Valley…

Đây là Nipun Mehta và vợ, hai kỹ sư hàng đầu ở trung tâm công nghệ thế giới gần 20 năm trước, thuở hoàng kim đầu tiên của kỷ nguyên web. Họ thành công, giàu có nhưng luôn thấy thiếu thốn điều gì đó. Họ nghĩ rằng làm tình nguyện viên là một điều sẽ giúp họ tìm thấy mảnh ghép còn thiếu của cuộc đời mình. Rồi họ nhận ra một điều kỳ diệu lớn hơn: trao tặng và nhận lãnh thực ra là một vũ điệu của cuộc sống, chẳng có ranh giới nào giữa hai thứ này. “Nó giống như một cái ôm, ta không thể ôm nếu không được ôm…”.

Nipun Mehta - kỹ sư hàng đầu của Silicon Valley

Nipun Mehta - kỹ sư hàng đầu của Silicon Valley

Và họ dành một năm đi bộ khắp Ấn Độ để thực hành tinh thần trao tặng. Không tiền, không điện thoại, chỉ có những mối quan hệ và lòng biết ơn. Khi đói lả, họ được một người ăn xin đi… xin thức ăn của một người khác để tặng cho họ. Và lần đầu tiên, Nipun hiểu rằng anh được nhận quà, nhưng cũng đồng thời tặng cho người ăn xin kia một cơ hội được trao đi…

Rồi họ lập ra ServiceSpace, một cộng đồng trao đổi thông tin tình nguyện và kết nối tình nguyện viên trên khắp thế giới, với hơn 500,000 thành viên đóng góp hàng triệu đô qua các dự án, công tác tình nguyện. Một số dự án của ServiceSpace: chuỗi nhà hàng pay-it-forward (tạm dịch: đáp đền tiếp nối) Karma Kitchen, website tin tức truyền cảm hứng DailyGood, website chia sẻ những câu chuyện về sự tử tế Kind Spring...

Những việc tốt nho nhỏ, xuất phát từ lòng biết ơn cuộc sống, chính là cách giúp chúng ta hiểu mình hơn, mở lòng mình tới nhiều người, và củng cố cảm nhận về sự liên-kết-nối của chúng ta.

Hàng ngày, bằng việc thực tập thể hiện sự tử tế trong suy nghĩ, lời nói, việc làm, chúng ta bắt đầu kiến tạo lại những thói quen trong suy nghĩ.

Ai muốn Bung tặng quà gì ngày cuối năm nào?

BUNG TRẦN

Xem thêm