KHCN trong tuần: Trao giải thưởng Nobel danh giá
Ngoài ra, Tây Ban Nha ra mắt tàu siêu tốc nhanh hơn máy bay và Nhật Bản chế tạo robot xây dựng như thợ xây chuyên nghiệp, cũng là một vài trong số những sự kiện khoa học công nghệ nổi bật của tuần qua.
1. Trao giải thưởng Nobel năm 2018
Mùa giải Nobel mới đã bắt đầu. Từ ngày 1/10 vừa qua, lần lượt các giải thưởng Nobel danh giá đã được trao.
Nobel Vật lý được trao cho 3 nhà khoa học Arthur Ashkin, Gérard Mourou và Donna Strickland vì những phát minh đột phá trong lĩnh vực vật lý laser. Trong đó, Donna Strickland là gười phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel Vật lý sau 55 năm.
Nobel Hóa học thuộc về ba nhà khoa học gồm Frances H. Arnold, George P. Smith và Gregory P. Winter, vì những thành tựu thâu tóm sức mạnh của quá trình tiến hóa để phát triển các protein giúp giải quyết những vấn đề hóa học của nhân loại.
Nobel Y học dành cho hai nhà khoa học James P. Allison và Tasuku Honjo nhờ công trình nghiên cứu liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế điều hòa hệ miễn dịch âm tính.
2. Tây Ban Nha ra mắt tàu siêu tốc nhanh hơn máy bay
Tàu siêu tốc chở khách đầu tiên trên thế giới đạt vận tốc hơn 1.100 km/giờ, nhanh hơn vận tốc trung bình của máy bay, vừa được ra mắt tại thành phố Cadiz của Tây Ban Nha.
Theo công ty Hyperloop, tàu Quintero One được làm từ loại vật liệu công nghiệp composite thông minh hai lớp, giúp tăng cường khả năng đàn hồi với trọng lượng chỉ còn 5 tấn và chiều dài 32 mét.
Tàu có thể vận chuyển hành khách trong các đường ống áp suất thấp gắn cảm ứng điện từ trên lớp đệm không khí giúp giảm ma sát. Một khoang Quintero One có thể chứa tối đa 40 hành khách. Hệ thống Hyperloop sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong vòng 3 năm tới.
3. Tôn vinh 8 doanh nghiệp tiêu biểu đổi mới công nghệ
Buổi lễ diễn ra trong khuôn khổ Sự kiện Techdemo 2018 do Bộ Khoa học – Công nghệ chủ trì.
Ban Tổ chức đã tuyên dương và trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu” cho 8 doanh nghiệp nổi trội trong đổi mới công nghệ, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, cải thiện điều kiện làm việc, nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân,...
4. Nhật Bản ra mắt robot xây nhà như thợ hồ
Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Quốc gia Nhật Bản vừa ra mắt robot ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng. Phiên bản thử nghiệm này mang tên gọi robot xây dựng HRP-5P. Nó có thể thao tác xây dựng, lắp đặt vật liệu như con người.
Tuy năng suất còn khá chậm nhưng độ chính xác cao. Đây là giải pháp giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động ở Nhật.
5. Nông trại tự động đầu tiên trên thế giới do robot quản lý
Iron Ox, công ty khởi nghiệp về công nghệ ở California, Mỹ vừa ra mắt trang trại tự động đầu tiên trên thế giới với diện tích 750 m2. Điều đặc biệt là nó được quản lý bởi robot di động nặng 454 kg tên Angus.
Nông trại này sử dụng ánh sáng Mặt Trời và hệ thống thủy canh cho phép chuyển nước, dưỡng chất và oxy trực tiếp tới rễ cây. Một hệ thống dữ liệu đám mây tên "The Brain" thu thập thông tin từ các khoang thủy canh.
Sau đó, thông tin truyền tới robot nông dân Angus để kiểm tra, xử lý bệnh hay thu hoạch cây trồng. Nếu hoạt động thành công, đây là giải pháp tiết kiệm nhân công hiệu quả cho ngành nông nghiệp.
6. Ra mắt sơn phủ giúp làm mát tòa nhà
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Columbia, Mỹ vừa sáng chế ra loại sơn phủ làm từ hợp chất mang tên PDRC, có cấu tạo như một đám bọt xà phòng và có cơ chế phản quang, tản nhiệt để phản ánh sáng Mặt Trời. PDRC hoạt động hiệu quả nhất nếu phủ lên bề mặt có độ phản xạ với ánh nắng Mặt Trời và bức xạ nhiệt cao.
Theo các nhà nghiên cứu, hiệu quả phản xạ với ánh nắng Mặt Trời mà PDRC mang lại cao hơn 96% so với những chất liệu trước, trong khi hiệu quả tản nhiệt được cải thiện tới 97%, giúp hạ đáng kể mức nhiệt so với điều kiện bên ngoài.
7. Pin tự hấp thụ CO2, chuyển hóa thành nhiên liệu
Nhằm hạn chế vấn đề phát thải CO2 và chuyển hóa thành ứng dụng hiệu quả, một nhóm nghiên cứu tại MIT đã đưa ra một hệ thống pin lithium mới có thể hấp thụ trực tiếp CO2 từ bên trong các nhà máy điện, chuyển hơi nước lãng phí thành một điện cực (với CO2 bên trong) – một trong ba thành phần chính của pin.
Họ ứng dụng một bộ chuyển đổi điện hóa Carbon Dioxide mới bằng cách kết hợp CO2 dạng rắn trong một dung dịch Amin. Từ đó, nó giúp kích hoạt Carbon Dioxide để tạo ra dung dịch điện hóa dễ dàng hơn. Các nghiên cứu sẽ phải tốn thêm nhiều năm trước khi thương mại hóa loại pin này.
8. 50% nữ giới có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa thần kinh
Các nhà khoa học Hà Lan đã tiến hành theo dõi hơn 12.000 người khỏe mạnh trên 45 tuổi từ năm 1990 đến năm 2016, và kết quả nghiên cứu chỉ rõ nguy cơ mắc bệnh thoái hóa thần kinh ở nữ giới 45 tuổi trở lên là 48% trong khi nam giới là 36%.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 7% dân số trên 65 tuổi mắc chứng Alzheimer hoặc mất trí nhớ. Tỷ lệ này tăng lên 40% ở những người trong độ tuổi từ 85 tuổi trở lên. Việc duy trì lối sống lành mạnh, chăm thể dục thể thao giúp ích nhiều để phòng tránh nguy cơ này.
9. Hàn Quốc thực hiện ca ghép xương ngực nhân tạo bằng công nghệ in 3D đầu tiên
Bệnh viên Đại học Chungang Hàn Quốc lần đầu tiên tiến hành ghép thành công xương ngực và xương sườn chất liệu titan bằng công nghệ in 3D cho bệnh nhân. Bệnh nhân là một người đàn ông 55 tuổi, bị khối u mô mềm ác tính ở xương ngực và xương sườn. Nếu giữ tình trạng này, ông sẽ khó qua được trong 6 tháng tới.
Lồng ngực nhân tạo lần này có chiều dài 28,6 cm, chiều rộng 17,2 cm, là lồng ngực nhân tạo lớn nhất trên thế giới được phẫu thuật ghép thành công.
10. Mũ bảo hiểm nhắc nhở người lái xe khi say xỉn
Sản phẩm thông minh này thuộc về hai bạn Trần Đăng Khoa và Nguyễn Thành Đạt, sinh viên ĐH công nghiệp TP.HCM. Với công nghệ tích hợp cho phép mũ bảo hiểm này khả năng kiểm tra nồng độ cồn và cảnh báo người lái xa.
Nếu phát hiện có cồn thì sẽ nhắc nhở người lái xe, định vị vị trí và liên hệ với người nhà cũng như hỗ trợ gọi cho ứng dụng taxi nếu xảy ra bất trắc. Sản phẩm đã nhận được phản ứng tốt từ khảo sát và khả thi ứng dụng vào thị trường.
Bảo Uyên, Quang Niên (Khampha.vn)