Những ý tưởng kỳ quặc đáng giá triệu đô (phần 1)


Không có một cách nhất định để trở nên giàu có. Đôi khi, ngay cả những ý tưởng ngu ngốc nhất cũng có thể giúp bạn thành công, trong khi rất nhiều ý tưởng ‘thay đổi thế giới’ lại không mang lại điều gì cả.

design-sketch-ideas.jpg

Dưới đây là 13 người đã kiếm được hàng triệu đô la nhờ sự sáng tạo, khả năng quan sát, suy nghĩ kỳ quặc và cả sự may mắn nữa.

 

1. Joy Mangano và chổi lau thần kì Miracle Mop

Joy Mangano đã phát minh ra Miracle Mop, một cây lau nhà có thể dễ dàng vắt khô mà không làm cho bàn tay người dùng bị ướt. Ý tưởng về cây lau nhà này xuất hiện khi Joy đang phải lau dọn những mảnh vỡ của ly rượu vang trên sàn.

Bà đã lên ý tưởng sản xuất một cây chổi lau nhà chưa từng có trước đây - cây chổi có khả năng tự vắt, với đầu chổi có khả năng tháo rời khi mang đi giặt.

Joy đã bán phát minh của mình tại các triển lãm thương mại và đến năm 1995, bà đã kiếm được 1 triệu đô la đầu tiên. Kể từ đó, Joy đã phát minh và được cấp bằng sáng chế hơn 100 thứ hữu ích khác nhau như móc áo Huggable Hangers, Forever Fragrant, vali The Clothes It All Luggage System và nhiều thứ khác.

Vào năm 2015, bộ phim tiểu sử của bà được phát hành với sự tham gia của Jennifer Lawrence. Và tài sản của Joy cũng đã lên đến 50 triệu đô la vào lúc bấy giờ.

 

2. Guy Laliberté và rạp xiếc Cirque du Soleil

Guy Laliberté từng là một nghệ sĩ đường phố và một ngày nọ, ông nảy ra ý định lập ra rạp xiếc của riêng mình, với ý tưởng biểu diễn các màn nhào lộn nguy hiểm và điên rồ, thay vì xiếc thú hiền hòa đang phổ biến khi đó.

Và rạp xiếc của anh, Cirque du Soleil, đã nổi tiếng với những chương trình rất ăn khách từ năm 1984. Cirque du Soleil đã nhận được nhiều giải thưởng trên thế giới và được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood.

Nhờ đó, Guy Laliberté đã kiếm được vài tỷ đô la và trở thành một trong những khách du lịch vũ trụ đầu tiên.

 

3. Richard T. James và lò xo cầu vồng the slinky

Khi nhắc đến những năm 90, chúng ta không thể không hoài niệm món đồ chơi lò xo cầu vồng.

Đây là phát minh của Richard T. James vào năm 1943. Ông từng là một kỹ sư hải quân và vào lúc bấy giờ, James đang tập trung phát triển một hệ thống có thể đỡ và trợ lực cho các bộ phận nhạy cảm trên tàu. Thiết bị này có hình lò xo xoắn ốc được làm từ kim loại.

Trong một lần vô tình đánh rơi bộ lò xo khỏi kệ, ông nhận thấy nó không hề rơi thẳng xuống sàn nhà mà lại tự động nảy lên nảy xuống, lăn nhiều vòng qua tủ kệ, rồi mới lao xuống sàn nhà, kích thích sự tò mò của James. Và đó chính là khởi đầu cho ý tưởng kinh doanh lớn và thành công của ông.

Ban đầu slinky được sản xuất bằng kim loại đen. James đã không ngừng đưa ra cải tiến và biến Slinky thành một trong những món đồ chơi ‘hot’ nhất lúc bấy giờ.

Ông đã bán hơn 100 triệu Slinky trong hai năm đầu tiên sản xuất. Khi giữ giá đồ chơi ở mức 1 USD (khoảng 22.500 VND theo tỉ giá hiện tại), ông ấy đã kiếm được khoản doanh thu tương đương với 1 tỷ USD (hơn 22.500 tỷ VND).

Đến những năm 70, phiên bản nhựa đầy màu sắc của Slinky ra đời với ý tưởng của Betty-vợ James. Cô đã lấy nguyên mẫu từ Slinky truyền thống và phát triển thành 1 sản phẩm "đắt như tôm tươi".

 

4. Gary Dahl và thú cưng đá cuội Pet Rock

Thành công của Pet Rock bắt nguồn từ một trò đùa. Người sáng lập tương lai của công ty quyết định rằng sẽ rất vui khi có một hòn đá làm vật nuôi!

Ý tưởng này đã trở thành một ‘viên đạn bạc’ vào năm 1975 và mang lại cho Gary hàng triệu đô la.

Những tảng đá được bán trong những chiếc cũi bằng các-tông nhỏ, để chừa lỗ thông khí và thêm một chiếc ổ rơm cho những người bạn nhỏ cảm thấy thoải mái.

Người mua được hướng dẫn làm thế nào để chăm sóc đá, làm thế nào để đi bộ và phải làm gì nếu nó bị bệnh hoặc chết. Và Pet Rock đã trở nên phổ biến một lần nữa vào năm 2012.

 

5. Byron Reese và dịch vụ gửi thư cho ông già Noel (SantaMail)

Byron thành lập công ty SantaMail vào năm 2001. Anh đặt một địa chỉ ở Bắc Cực (một thị trấn ở Alaska) và gửi thư cho trẻ em từ Santa Claus theo yêu cầu của các bậc phụ huynh.

Kể từ năm 2002, Santa Mail đã gửi những lá thư riêng cho trẻ em với đầy đủ tên của các bé và một dấu bưu điện từ một thị trấn tại cực bắc Alaska.

Giá của mỗi lần sử dụng dịch vụ là 10 đô la. Và 300.000 bức thư đã được gửi đi kể từ khi SantaMail được thành lập, cho thấy đây là một ý tưởng thông minh.

 

Linh Nguyễn Lê (Theo Brightside)

Xem thêm