[Tư vấn pháp lý]: Những quy định mới nhất của pháp luật về Thuế và Quản lý Thuế


Đề nghị tạp chí cập nhật giúp tôi những quy định mới nhất của pháp luật về Thuế và Quản lý Thuế. Xin cảm ơn.

Trả lời:

Để quản lý chặt chẽ các loại thuế, Luật Quản lý thuế 2006 đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2016. Dưới đây là các nội dung đáng chú ý nhất của Luật Quản lý thuế.

1. Quản lý thuế bao gồm nội dung gì?

Theo Điều 3 Luật Quản lý thuế 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012, 2016), nội dung quản lý thuế được quy định căn cứ theo trình tự thời gian bao gồm các công việc sau:

– Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế.

– Hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế.

– Xóa nợ tiền thuế, tiền phạt.

– Quản lý thông tin về người nộp thuế.

– Kiểm tra thuế, thanh tra thuế.

– Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

– Xử lý vi phạm pháp luật về thuế.

– Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế.

2. Đối tượng phải nộp thuế?

Điều 2 Luật Quản lý thuế 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2016) quy định về người có nghĩa vụ nộp thuế và được quy định chi tiết tại Điều 2 Nghị định 83/2013/NĐ-CP, cụ thể:

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước.

– Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế; tổ chức, cá nhân làm thủ tục về thuế thay người nộp thuế bao gồm:

+ Tổ chức, cá nhân là bên Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo quy định của pháp luật về đầu tư và không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam;

+ Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế khi chi trả thu nhập cho người có thu nhập thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân;

+ Tổ chức làm đại lý tàu biển, đại lý cho các hãng vận tải nước ngoài có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển từ các cảng biển Việt Nam ra nước ngoài hoặc giữa các cảng biển Việt Nam;

+ Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế;

+ Đại lý làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

+ Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thay thuế cho tổ chức, cá nhân nộp thuế;

+ Tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh nộp thuế cho tổ chức, cá nhân nộp thuế.

3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

Điều 32 Luật Quản lý thuế 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012, 2016) quy định thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:

Trường hợp 1: Đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý

– Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;

– Chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.

Trường hợp 2: Đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm

– Chậm nhất là ngày thứ 30 của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm.

– Chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý;

– Chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm.

Trường hợp 3: Nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế:

Chậm nhất là ngày thứ 10, kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế.

Trường hợp 4: Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là thời hạn nộp tờ khai hải quan:

– Đối với hàng hóa nhập khẩu thì hồ sơ khai thuế được nộp trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu. Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục về thuế trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đăng ký;

– Đối với hàng hóa xuất khẩu thì hồ sơ khai thuế được nộp chậm nhất là 08 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh. Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục về thuế trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đăng ký..

Trường hợp 5: Chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp

Chậm nhất là ngày thứ 45, kể từ ngày chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp.

4. Các trường hợp được hoàn thuế

Điều 57 Luật Quản lý thuế 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012, 2016) quy định 05 trường hợp thuộc diện hoàn thuế gồm: Hoàn thuế giá trị gia tăng; hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; hoàn thuế thu nhập cá nhân; hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt và hoàn các loại thuế khác.

Các trường hợp được hoàn thuế nêu trên được quy định trong luật chuyên ngành, cụ thể:

Trường hợp 1: Tổ chức, cá nhân thuộc diện được hoàn thuế giá trị gia tăng

Điều 13 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi bổ sung 2013, 2016) quy định các trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng, cụ thể:

– Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.

– Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý…

Trường hợp 2: Tổ chức, cá nhân thuộc diện được hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, các trường hợp hoàn thuế gồm:

– Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu nhưng không có hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu hoặc nhập khẩu, xuất khẩu ít hơn so với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu đã nộp thuế;

– Người nộp thuế đã nộp thuế xuất khẩu nhưng hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu;

– Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu;

– Người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm…

Trường hợp 3: Cá nhân thuộc diện được hoàn thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân

Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi, bổ sung 2012) các trường hợp được hoàn thuế thu nhập cá nhân gồm:

– Số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp;

– Cá nhân đã nộp thuế nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế;

– Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp 4: Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc diện được hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt

Khoản 1 Điều 8 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014, 2016) trường hợp được hoàn thuế thu nhập cá nhân gồm:

– Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu;

– Hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu;

– Quyết toán thuế khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động có số thuế nộp thừa…

Trường hợp 5: Tổ chức, cá nhân nộp các loại thuế khác có số tiền thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước lớn hơn số tiền thuế phải nộp

5. Điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục thuế

Điều 20 Luật Quản lý thuế 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012, 2016) quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục thuế.

Theo đó, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có điều kiện được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

– Có ngành, nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Có ít nhất hai nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục thuế.

Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục thuế có nghĩa vụ sau:

– Thông báo với cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế về hợp đồng dịch vụ làm thủ tục thuế;

– Khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, lập hồ sơ đề nghị số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn theo quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

– Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế các tài liệu, chứng từ để chứng minh tính chính xác của việc khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, đề nghị số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn của người nộp thuế;

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm với người nộp thuế theo nội dung thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ làm thủ tục về thuế;

– Không được thông đồng, móc nối với công chức quản lý thuế, người nộp thuế để trốn thuế, gian lận thuế.

6. 05 trường hợp bị cưỡng chế khi vi phạm pháp luật thuế

Điều 92 Luật Quản lý thuế 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012, 2016) quy định các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 18 Nghị định 129/2013/NĐ-CP.

Theo đó, 05 trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, gồm:

Trường hợp 1: Các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với người nộp thuế:

– Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định; quá thời hạn gia hạn nộp thuế.

– Người nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn.

– Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Trường hợp 2: Tổ chức tín dụng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Trường hợp 3: Kho bạc Nhà nước không thực hiện việc trích tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế.

Trường hợp 4: Tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp 5: Bên bảo lãnh nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt cho người nộp thuế theo văn bản bảo lãnh nếu đến thời hạn quy định mà người nộp thuế chưa nộp thì bên bảo lãnh có nghĩa vụ nộp. Nếu quá 90 ngày, kể từ ngày hết hạn theo văn bản chấp thuận của cơ quan thuế mà chưa nộp đủ thì bên bảo lãnh bị cưỡng chế.

7. Vi phạm pháp luật về thuế bị phạt đến 07 năm tù

Người nào có hành vi trốn thuế có thể cấu thành Tội trốn thuế với mức phạt đến 07 năm tù (Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản…

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 129/2013/NĐ-CP với các hành vi vi phạm phổ biến sau:

– Phạt tiền từ 400.000 đồng – 02 triệu đồng đối với hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế so với thời hạn quy định.

– Phạt tiền từ 400.000 đồng – 03 triệu đồng đối với hành vi khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế.

– Phạt tiền từ 400.000 đồng – 05 triệu đồng đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định.

– Phạt tiền từ 800.000 đồng – 05 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Ban Biên tập diễn đàn Luật Việt Nam

Xem thêm