[Tư vấn pháp lý]: Thủ tục chuyển nhượng lại chi nhánh


Chúng tôi là Công ty Cổ phần có chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, nay chúng tôi muốn chuyển nhượng lại chi nhánh này cho người khác. Vậy chúng tôi có thể thực hiện được hợp đồng này không và thủ tục như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì chỉ duy nhất Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán Doanh nghiệp của mình cho người khác, ngoài ra các loại hình doanh nghiệp khác không có quy định về trình tự, thủ tục bán doanh nghiệp.

Tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: Chi nhánh là Đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hay một phần chức năng của Doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Do đó, có thể thấy rằng chi nhánh không phải là một doanh nghiệp mà chỉ là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và pháp luật cũng không cho phép bán hay chuyển nhượng chi nhánh của doanh nghiệp.

Để đáp ứng yêu cầu của bạn trong việc giao cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác quản lý hoạt động chi nhánh của Công ty bạn trong thành phố Hồ Chí Minh thì bạn có thể thực hiện theo một trong hai hình thức sau, tuy nhiên, mỗi hình thức cũng có những ưu điểm, nhược điểm nhất định:

Hình thức thứ nhất: Giao khoán cho chi nhánh công ty thực hiện hoạt động và hoạch toán độc lập, tự chủ, khoán việc chi tiêu và hạn chế việc quản lý, hoạt động theo phạm vi công việc đã ủy quyền.

Hình thức thứ hai: Tách doanh nghiệp theo đó Công ty cổ phần của bạn sẽ tách thành một công ty cổ phần khác và sau đó sẽ tồn tại 02 công ty cổ phần là một công ty bị tách (là công ty hiện tại bạn đang có) và công ty được tách, sau đó bạn làm thủ tục chuyển nhượng hết cổ phần của công ty bị tách (có chứa chi nhánh) cho người nhận cổ phần (người nhận chuyển nhượng).

Thủ tục tách công ty cổ phần được quy định như sau:

Đại hội đồng cổ đông của công ty bị tách thông qua quyết định tách công ty theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty. Quyết định tách công ty phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị tách; tên công ty được tách sẽ thành lập; phương án sử dụng lao động; giá trị tài sản, các quyền và nghĩa vụ được chuyển từ công ty bị tách sang công ty được tách; thời hạn thực hiện tách công ty. Quyết định tách công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua quyết định;

Các cổ đông của công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật này. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo quyết định tách công ty quy định tại điểm a khoản này.

Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thoả thuận khác.

Như vậy, để thực hiện việc tách là bạn phải thực hiện Họp bàn và quyết định việc tách doanh nghiệp, sau khi đã thực hiện việc tách doanh nghiệp bạn phải lên phương phán xử lý lao động, công nợ, tài sản, khách hàng, chủ nợ, quyền nghĩa vụ của các doanh nghiệp và sau đó tiến hành các thủ tục đăng ký kinh doanh đối với công ty mới. Thực hiện theo hướng này thì chi nhánh của bạn nằm ở Công ty bị tách (công ty hiện tại) và nếu bạn muốn bán chi nhánh thì bạn phải bán công ty hiện tại của bạn bằng hình thức chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của các cổ đông công ty. Chính vì vậy, hình thức này cũng có những nhược điểm nhất định.

Tùy thuộc vào tình hình thực tế của doanh nghiệp và mục đích của các bên, các bạn có thể lựa chọn hình thức nào cho hợp lý nhất, hiệu quả nhất cho phương án chuyển nhượng chi nhánh như bạn đã đề cập.

Luật sư Ngô Thế Thêm – Luật sư điều hành Văn phòng luật Doanh Gia

Xem thêm